Đi hay ở - Hàng chục triệu người dân Trung Quốc rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan dịp Tết đến xuân về

17:30 10/01/2022

Lượng lớn người dân Trung Quốc đang phải đối mặt với viễn cảnh tiếp tục phải xa gia đình dịp Tết Nguyên đán sắp tới vì Covid-19.

Nhiều người dân Trung Quốc phân vân đi hay ở dịp Tết Nguyên đán
Nhiều người dân Trung Quốc phân vân đi hay ở dịp Tết Nguyên đán. (Ảnh: Reuters) 

Tết Âm lịch tại Trung Quốc là thời điểm diễn ra các hoạt động vui chơi đón xuân kéo theo lượng người di chuyển hàng năm lớn nhất thế giới. Giờ đây, nhiều người dân cân nhắc đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ hay như hàng triệu công nhân chuyển đến sinh sống tại các thành phố lớn đau đầu có nên về quê dịp Tết sắp tới hay không. 

Jason Zhao, một nhân viên tại doanh nghiệp nhà nước ở Bắc Kinh là ví dụ điển hình. Anh chia sẻ, do làm việc tại đơn vị có yếu tố nhà nước nên nhiều khả năng anh sẽ tuân thủ hướng dẫn của công ty. Nếu muốn về nhà, anh sẽ cần chấp thuận từ giám sát viên cấp cao. Cuối cùng, Zhao quyết định ở lại thủ đô năm thứ hai liên tiếp không thể về nhà ở Tân Cương xa xôi. 

Hàng chục triệu người dân từ mọi tầng lớp xã hội sẽ lũ lượt rời khỏi các thành phố lớn để trở về quê ăn Tết. Năm ngoái, con số này đã giảm mạnh do các hạn chế chống dịch nhưng dự kiến sẽ phục hồi trong năm nay khi Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh bên trong biên giới đất nước. 

Mùa du lịch cao điểm dịp Tết kéo dài 40 ngày và chính thức bắt đầu từ tuần tới cho đến 25/2. Bộ Giao thông Vận tải ước tính rằng, số lượng chuyến đi trong giai đoạn này sẽ tăng lên đáng kể so với tổng 870 triệu chuyến của năm ngoái. Tuy nhiên con số này vẫn chưa thể vượt qua kỷ lục 3 tỷ chuyến được ghi nhận năm 2019 trước đại dịch.

Người dân Trung Quốc hy vọng vào thành công của chiến lược Zero-Covid giúp dập dịch tại Tây An khiến thành phố hơn 13 triệu dân phải đóng cửa biệt lập với bên ngoài. Tại Thiên Tân và Thâm Quyến, Hà Nam cũng bùng phát các đợt lây nhiễm khác, làm tăng hạn chế đi lại khi mùa lễ hội đến gần. Thứ Năm vừa qua, 14 bộ bao gồm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia và Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành một thông báo chung kêu gọi "nâng cao cảnh giác" đối với kỳ nghỉ lễ.

Sở dĩ Trung Quốc làm chặt đến vậy bởi nước này sắp đăng cai Thế vận hội mùa Đông tại Bắc Kinh ngay trong tháng sau. Theo chia sẻ của Zhao, mặc dù công ty vẫn chưa công bố chính sách kiểm dịch nhưng chắc chắn sẽ nghiêm ngặt hơn năm ngoái. Anh cho hay: "Về nhà năm nay không phải một ý hay. Tôi sợ rằng sẽ mắc kẹt và cách ly ở Tân Cương, không về làm việc được. Tôi nhớ nhà lắm nhưng chỉ có thể chấp nhận thôi". Tại tỉnh Quảng Đông, một số người cố gắng chờ đợi quyết định cuối cùng của chính quyền địa phương. Một quản lý doanh nghiệp họ Li cho biết: "Chắc là không rời khỏi Quảng Đông được nhưng tôi không biết liệu có thể du lịch ngắn ngày trong tỉnh hay không".

Zhao Wei, Giáo sư Y tế công cộng tại Đại học Nam Y ở Quảng Châu nhận định, đi lại dịp cao điểm chắc chắn sẽ tác động đến kế hoạch phòng chống dịch do lưu lượng giao thông lớn. Ông nói: "Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn. Một số trường đại học ở Bắc Kinh đã ban hành sắp xếp kỳ nghỉ và hoãn khai giảng học kỳ tới nhằm giảm bớt dòng người đổ về. Những cách làm trên hỗ trợ phòng, chống dịch nhưng vận động quần chúng vẫn là thách thức lớn".

TL