Đêm mất ngủ của các chủ sở hữu nhà ở tại Trung Quốc khi Bắc Kinh thắt chặt thuế bất động sản

12:02 30/11/2021

Lập trình viên máy tính Zheng Wenxuan có hai căn hộ ở Bắc Kinh, một căn cho gia đình anh và một căn cho bố mẹ. Người đàn ông 42 tuổi này chi 25.000 RMB (3.900 USD) mỗi tháng cho các khoản thanh toán thế chấp và đây cũng là gánh nặng đối với trụ cột duy nhất trong gia đình. Tình hình hiện có chiều hướng tồi tệ hơn khi Trung Quốc đề xuất thuế bất động sản đầu tiên sẽ được áp dụng thí điểm ở một số thành phố trong 5 năm trước khi triển khai toàn quốc.

  

Người dân Trung Quốc lo ngay ngáy trước thuế bất động sản mới
Người dân Trung Quốc lo ngay ngáy trước thuế bất động sản mới. (Ảnh: internet) 

Theo lời Zheng, giá trị thị trường của các bất động sản mà anh đã mua đã giảm 10% kể từ khi công bố chính sách mới. Anh nói: "Nếu chúng tôi phải trả thuế khi sở hữu căn hộ thứ hai, như một số người suy đoán, việc đánh thuế hàng năm sẽ làm tăng thêm gánh nặng tài chính, cũng vì vậy mà tôi mất ngủ nhiều đêm gần đây". 

Vào tháng 8, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ “tích cực và kiên định thúc đẩy cải cách và luật thuế tài sản” và thực hiện các chương trình thí điểm nhằm giải quyết khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng trong bối cảnh tiến tới thịnh vượng chung. Cho tới hiện nay chưa có chi tiết nào được tiết lộ chính thức, chỉ biết rằng luật thuế mới sẽ đánh vào giá trị của bất động sản nhà ở trên toàn quốc, ngoại trừ tài sản ở nông thôn. Người ta tin rằng các tiêu chí đánh thuế sẽ khác nhau giữa các thành phố gây ra chênh lệch kinh tế khu vực.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng, các hộ gia đình sẽ bị đánh thuế nếu diện tích bất động sản đầu tiên vượt quá ngưỡng mét vuông/người nhất định, trong khi một giả thuyết khác chỉ ra chủ sở hữu sẽ chỉ bị đánh thuế nếu họ sở hữu nhiều bất động sản. Thuế tài sản trên toàn thế giới nhìn chung được thiết kế để đánh vào những người giàu có nhất, buộc họ phải trả nhiều tiền hơn nhưng tầm lớp trung lưu sống tại các thành phố lớn của Trung Quốc lo ngại sẽ trở thành "nạn nhân" vì người giàu và có đặc quyền sẽ tìm cách trốn thuế.

Gary Liu Shengjun, người đứng đầu nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Thượng Hải, Viện Cải cách Tài chính Trung Quốc, cho biết: "Thuế tài sản được sử dụng để phân phối lại của cải, đánh thuế những người sở hữu tài sản lớn nhất và phân phối lại cho người nghèo, người thiệt thòi thông qua trợ cấp tài chính, phúc lợi xã hội và các phương tiện khác. Ở Trung Quốc, chính quyền trung ương đang thận trọng xem xét bởi sẽ chẳng có gì khác biệt nếu mức thuế không đồng đều".

Trung Quốc đã tuyên bố sẽ mở rộng tầng lớp trung lưu khi nước này cố gắng chuyển đổi nền kinh tế tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư và công nghiệp, thay vào đó hướng tới tiêu dùng. George Magnus, cộng sự nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford, cho biết: "Cần phải có một hệ thống chặt chẽ để đảm bảo rằng những người có nhà ở trên một mức nhất định được đăng ký tài sản đầy đủ và không thể trốn tránh hoặc trốn trả thuế. Đánh thuế tài sản phù hợp chặt chẽ với bản chất mà khẩu hiệu thịnh vượng chung truyền tải. Chúng tôi sẽ phải xem thí điểm hoạt động ra sao và có thể áp dụng trên toàn quốc như kế hoạch không".

Theo một cuộc khảo sát trên 30.000 hộ gia đình vào năm 2019 của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, 70% tài sản của các hộ gia đình thành thị, chiếm phần lớn tầng lớp trung lưu thuộc danh mục đánh thuế. Khoảng 58% hộ gia đình thành thị sở hữu một căn nhà, 31% có hai căn nhà, trong khi 10,5% có từ ba căn nhà trở lên với các khoản thế chấp chiếm 76% tổng nợ hộ gia đình. 

Lập trình viên Zheng cho biết, anh cảm thấy không công bằng nếu anh bị bắt phải nộp thuế bất động sản: "Tôi đã làm việc cả ngày lẫn đêm để trả tiền mua căn hộ. Trong một lần kiểm tra sức khỏe gần đây, bác sĩ cho biết trái tim của tôi hoạt động như một người già 70 tuổi sau nhiều năm làm việc quá sức. Tôi đã đưa bố mẹ về quê bởi họ không đủ pháp nhân sở hữu bất động sản ở Bắc Kinh do không phải dân địa phương. Vì vậy, cả hai căn hộ đều dưới tên tối. Tôi đã là đối tượng chịu mức thuế suất thu nhập cá nhân cao rồi nên nếu đánh thuế bổ sung chắc sẽ không thể chịu nổi".

Báo cáo của Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam có trụ sở tại Thành Đô năm 2018 chỉ ra hầu hết những người nộp thuế đều thuộc tầng lớp trung lưu và tiền thuế của họ được khấu trừ trực tiếp vào lương hàng tháng. Hiện nay xuất hiện một số cách để trốn thuế, chẳng hạn nắm giữ tài sản và cổ phiếu hoặc báo cáo mức thu nhập thấp thông qua công ty riêng của một cá nhân nào đó. Thuế thu nhập doanh nghiệp của nước này thấp hơn nhiều so với thuế thu nhập cá nhân.

Theo kế hoạch hiện tại, Trung Quốc chỉ đánh thuế người mua các giao dịch bất động sản. Yi Xianrong, nhà nghiên cứu lâu năm cho biết: "Các chính quyền địa phương phụ thuộc rất nhiều vào việc bán đất để thúc đẩy ngân khố. Đây là một yếu tố quan trọng khiến giá bất động sản tăng mạnh trong những thập kỷ qua". Nhiều chính quyền địa phương kiếm được một phần đáng kể doanh thu từ việc bán đất khoảng 8,4 nghìn tỷ RMB (1,3 nghìn tỷ USD) vào năm ngoái, so với 10,1 nghìn tỷ tệ từ thuế mà người mua bất động sản chịu. Ông Yi nói thêm: "Chúng tôi mong đợi phản ứng mạnh mẽ hơn từ các chính quyền địa phương. Bởi theo chế độ thuế mới sẽ thắt chặt việc bán đấ và đánh thuế tài sản khó có thể bù đắp được khoảng trống này". 

Judy Wang, Giám đốc điều hành cấp cao tại một công ty tư nhân ở Bắc Kinh, chia sẻ: "Vợ chồng tôi đã làm việc chăm chỉ để kiếm tiền mua bốn bất động sản ở Bắc Kinh. Tôi sẵn sàng trả thuế, miễn là chính phủ có thể đảm bảo tất cả những người đủ điều kiện đều phải chia sẻ trách nhiệm". Thuế bất động sản đã được thử nghiệm ở Thượng Hải và Trùng Khánh kể từ năm 2011 nhưng với tác động hạn chế. Thuế ở Thượng Hải nhằm kiềm chế giá nhà, trong khi Trùng Khánh tập trung nhiều hơn vào việc giảm bất bình đẳng giàu nghèo. Thuế tại thành phố Thượng Hải chỉ áp dụng đối với các bất động sản mua từ cuối tháng 1 năm 2011, với mức thuế từ 0,4 đến 0,6%, trong khi ở Trùng Khánh, thuế đánh vào tài sản cá nhân, với mức 0,5% đến 1,2%.

Nhưng các biện pháp này có phạm vi hẹp và áp dụng đối với bất động sản thứ hai và giá cao, không có ảnh hưởng rõ rệt đến giá bất động sản, cũng như tăng thuế cũng không tạo ra nhiều nguồn thu cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, Rosealea Yao, một nhà phân tích của Gavekal Dragonomics ở Hồng Kông, cho rằng, các ví dụ của Thượng Hải và Trùng Khánh không nên được coi là hướng dẫn tốt đối với kế hoạch thí điểm sắp tới và luật thuế tài sản tiếp theo.

TL