Đảo Ngọc Phú Quốc trở thành “thánh địa” mới của giới tinh hoa Ấn Độ

00:58 23/01/2022

Giới siêu giàu Ấn Độ cũng như người dân tại quốc gia Nam Á này đánh giá rất cao về tiềm năng của Phú Quốc, thậm chí nhiều người còn nhận xét rằng đây như “ngôi nhà thứ hai” của họ khi ra nước ngoài. Thật vậy, xu hướng tổ chức đám cưới ở Phú Quốc đang “lên ngôi” tại Ấn Độ.

Bãi biển tại Phú Quốc
Bãi biển tại Phú Quốc. 

Anh Gaurav Patil, người Ấn sinh sống tại Việt Nam 10 năm đã tổ chức hôn lễ linh đình bên bãi biển ở Phú Quốc: “Về mặt chi phí, Phú Quốc rẻ hơn nhiều so với khách sạn tương tự ở Ấn Độ. Các khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam đáng đồng tiền bát gạo với dịch vụ cao cấp. Nhân viên ở đây đều nói được tiếng Anh nên tôi không gặp phải trở ngại giao tiếp”.

Đám cưới của Patil mời đến 300 khách và tốn 6000 đô la Mỹ nhưng ước tính con số này sẽ đội lên gấp đôi nếu tổ chức tại Ấn Độ. Tháng trước, các quan chức và nhiều đơn vị trong ngành du lịch của cả Việt Nam và Ấn Độ đã tham gia hội nghị trực tuyến, kết nối Phú Quốc và Kerala cũng như thúc đẩy tiềm năng kinh tế mới là tổ chức hôn lễ.

Theo số liệu chính thức, Phú Quốc được coi là trụ cột trong nỗ lực vực dậy ngành du lịch chiếm khoảng 10% GDP của cả nước trước đại dịch. Năm ngoái, Đảo Ngọc đã đón hơn 200 khách Hàn Quốc kể từ đầu mùa dịch ngừng nhận khách quốc tế. Sau khi mở cửa trở lại, nơi này tiếp tục nhận thêm 1000 du khách từ các quốc gia như Thái Lan, Lào, Uzbekistan và Kazakhstan.

Trong cùng năm, ngành du lịch thu về 32,8 tỷ đô la Mỹ. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 5 năm tính đến năm 2019, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là nhóm du khách lui tới thường xuyên nhất. Chỉ riêng khách Trung Quốc đã chiếm khoảng một phần ba, trong khi khách đến từ Ấn Độ chỉ chiếm chưa đến 1%.

Xu hướng tổ chức đám cưới tại Phú Quốc được hai nước thúc đẩy từ lâu. Năm 2019, cặp đôi tỷ phú Ấn Độ Kaabia Grewal, người đồng sáng lập dòng trang sức thời trang cao cấp và Rushang Shah, con trai của người sáng lập kiêm Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Đại sứ quán có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã có khoảnh khắc đáng nhớ tại Đảo Ngọc. Sự kiện có khoảng 700 khách tham dự, hơn 100 nghệ sĩ biểu diễn dưới sự hỗ trợ của hai tập đoàn lớn nhất cả nước là Sun Group và Vingroup.

Jyoti Mayal, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý Du lịch Ấn Độ, cho biết, đám cưới ở Ấn Độ là ngành kinh doanh quanh năm. Ông hy vọng đây cũng sẽ là hướng đi mới trong thúc đẩy thương mại giữa hai nước. Ông chi sẻ: “Tôi rất vui mừng được hợp tác với các đối tác và quảng bá Việt Nam là điểm đến tổ chức đám cưới tuyệt vời nhất nhờ cơ sở hạ tầng phát triển, bãi biển đẹp và nhiều điểm du lịch”. 

Chợ đêm Phú Quốc cũng nằm trong địa điểm yêu thích của khách quốc tế
Chợ đêm Phú Quốc cũng nằm trong địa điểm yêu thích của khách quốc tế.

Manvir Singh, Giám đốc điều hành của Shanqh Luxury Events, một công ty tổ chức đám cưới có trụ sở tại New Delhi, chuyên phục vụ các cặp đôi Ấn Độ muốn kết hôn tại Việt Nam, nhận định, Phú Quốc là “một điểm đến thu hút đám cưới”. Theo ông: “Việt Nam trở nên phổ biến trong ngành tiệc cưới của Ấn Độ. Nếu có thể vượt qua giai đoạn COVID, chắc chắn sẽ là một tương lai tươi sáng cho đất nước”. Công ty của ông tổ chức tiệc trọn goi tại các khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp bao gồm JW Marriott Emerald Bay, Intercontinental, Novotel và Pullman Phú Quốc, cung cấp cho khách hàng các dịch vụ được thiết kế riêng theo yêu cầu và chế độ ăn uống của người Ấn Độ.

Tuy nhiên, ông cũng hy vọng sẽ nhận được thêm nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa từ nhà nước. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Xuân Ngọc, nhà sáng lập Virtual Desire Events có hàng chục năm kinh nghiệm điều hành khách sạn và tổ chức sự kiện tại Indonesia và Việt Nam, cho biết, sự hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam còn khiêm tốn so với các quốc gia khác, đặc biệt là về đầu tư vào các chiến dịch xúc tiến tại các triển lãm thương mại quốc tế, chẳng hạn như ITB châu Á và Thị trường Du lịch Thế giới. Các sự kiện lớn trong ngành này tập hợp các nhà cung cấp, quản lý khách sạn, nhà tổ chức sự kiện và các nhân vật khác trong ngành du lịch để quảng bá các gói dịch vụ của họ và nâng tầm quốc tế của từng quốc gia thành điểm nóng về du lịch và sự kiện.

Theo bà, nếu Phú Quốc chỉ trở thành điểm đến của tỷ phú Ấn Độ thì đó không phải là sự phát triển bền vững. Ngoài ra, khi quảng bá Phú Quốc là điểm đến tổ chức tiệc cưới xa hoa, người hưởng lợi chính sẽ là các khách sạn có thương hiệu chứ không phải các tác nhân địa phương. “Nếu du lịch Phú Quốc và Việt Nam muốn cải thiện thì cần phải bắt nguồn từ đầu tư của chính phủ, từ những hành động nhỏ nhất như tham gia triển lãm thương mại”. Bà Ngọc nói thêm: “Việt Nam không thiếu những nhà cung cấp dịch vụ chất lượng. Phú Quốc là một ví dụ điển hình về các thương hiệu lớn và các nhà cung cấp địa phương với tư duy quốc tế”.

TL