Danh tính người đứng sau bộ sưu tập NFT đắt đỏ trị giá 2,8 tỷ USD

10:38 12/02/2022

Cơn sốt NFT đang bùng nổ trên khắp thế giới, bộ sưu tập NFT hình con vượn mang tên Bored Apes được định giá hàng tỷ USD. Tuy nhiên danh tính những người đứng sau chúng vẫn còn là một ẩn số và đặt dấu hỏi về sự minh bạch của tài sản ảo.

Nhiều người nổi tiếng đã mua các NFT con vượn trong bộ sưu tập BAYC
Nhiều người nổi tiếng đã mua các NFT con vượn trong bộ sưu tập BAYC. (Ảnh: Boardroom)

Được tạo ra bởi 4 nhân vật giấu tên, Bored Ape Yacht Club (BAYC) nhanh chóng thu hút nhiều chú ý, trở thành bộ sưu tập NFT đắt giá nhất hiện nay với bức ảnh rẻ nhất có giá 280.000 USD. Tổng vốn hóa thị trường của bộ sưu tập đạt hơn 2,8 tỷ USD.

Được hàng chục người nổi tiếng sở hữu và quảng bá, BAYC trở thành tâm điểm cho các cuộc thảo luận về NFT. Nam ca sĩ đình đám Justin Bieber đã thực hiện thương vụ mua tác phẩm con vượn với tên gọi Bored Ape # 3001 với giá lên đến hơn 1,3 triệu USD. Được biết, giao dịch mua của Justin Bieber là một trong những giao dịch lớn nhất thế giới và tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số này cũng được cho là đắt giá nhất.

Yuga Labs, công ty đứng sau BAYC đang đàm phán với quỹ đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz để nhận khoản đầu tư 5 tỷ USD. Dù có công ty đại diện, danh tính những người tạo ra BAYC vẫn là ẩn số.

Khi giá trị ngày càng lớn, danh tính những người tạo ra BAYC thu hút nhiều chú ý. Theo BuzzFeed tiết lộ 2 trong số 4 người tạo ra BAYC là Greg Solano, nhà văn kiêm biên tập viên 32 tuổi và Wylie Aronow 35 tuổi đến từ Florida (Mỹ). Với bút danh lần lượt là "Gordon Goner" và "Gargamel". Danh tính của 2 kỹ sư còn lại "Emperor Tomato Ketchup" và "No Sass" chưa được tiết lộ.

Những người ủng hộ cho rằng loại tài sản này sẽ cách mạng hóa nghệ thuật và thương mại, trong khi nhóm không ủng hộ nhận định đây chỉ là một hình thức đầu cơ, lừa đảo. Trong khi các quỹ đầu tư có thể tìm hiểu danh tính người đứng sau NFT, đa số nhà đầu tư và chủ sở hữu cá nhân không thể làm điều đó. "Nếu không có sự minh bạch và cởi mở, những người không thực hiện trách nhiệm giải trình như các tập đoàn lớn có thể tạo ra nhiều vấn đề", Gary Kalman, Giám đốc nhóm vận động Minh bạch Quốc tế (Transparency International) tại Mỹ cho biết.

(T/h)