Danh tính hãng xe Trung Quốc hợp tác với Geleximco xây nhà máy gần 20.000 tỷ đồng

10:26 27/11/2023

Trước khi trở lại thị trường Việt Nam, bắt tay với Geleximco xây nhà máy tại Thái Bình, hãng xe ô tô đến từ Trung Quốc - Chery từng hợp tác với Liên doanh ô tô Hòa Bình (VMC) để vào thị trường Việt Nam nhưng thất bại.

Ảnh minh họa

Chery được thành lập vào năm 1997 và có trụ sở tại Vũ Hồ, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Trong nhiều năm nay, ông Yin Tongyue đã giữ cương vị Chủ tịch Chery. Ông Yin trước đó đã có kinh nghiệm làm việc tại First Automobile Works - một trong những nhà sản xuất ô tô lâu đời nhất tại Trung Quốc.

Năm 2009, Chery đã tạo nên sự chú ý tại Trung Quốc khi đạt doanh số bán hàng ấn tượng là 500.000 xe. Hãng cũng mở rộng danh mục sản phẩm với nhiều dòng xe mới, bao gồm cả các thương hiệu như Karry, Riich và Rely, bên cạnh thương hiệu chính là Chery.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Reuters, Chery đã giới thiệu hàng loạt mẫu xe mới có sự khác biệt hạn chế, và các thương hiệu như Riich và Rely không nhận được sự ưa chuộng từ khách hàng. Điều này có phần thể hiện trong kết quả kinh doanh của Chery trong giai đoạn 2012-2013, khi doanh số bán hàng giảm sút.

Đến tháng 9/2012, Chery đã công bố kế hoạch tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, đồng thời hợp nhất bốn thương hiệu của mình thành một, mang tên là Chery. Thay vì tập trung vào việc bán các dòng xe giá rẻ, Chery đã đổi hướng bằng việc tăng cường phát triển các sản phẩm chất lượng cao. Họ đã thiết lập các liên doanh quan trọng, bao gồm cả sự hợp tác với Tập đoàn Israel và hãng xe Land Rover.

Ảnh minh họa

Mới đây, Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo, thành viên của Tập đoàn Chery (Trung Quốc), đã thực hiện việc ký kết hợp đồng nguyên tắc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Geleximco (Geleximco) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất ô tô tại Khu công nghiệp Hưng Phú, tỉnh Thái Bình.

Tổng vốn đầu tư cho dự án được ước tính là 800 triệu USD, tương đương khoảng 19.600 tỉ đồng, được phân chia thành 3 giai đoạn phát triển.

Giai đoạn 1 dự kiến bắt đầu từ năm 2024 đến 2030 với vốn đầu tư là 220 triệu USD, đề ra mục tiêu sản xuất 50.000 ô tô mỗi năm. Giai đoạn 2 từ năm 2031 đến 2033 với khoản đầu tư khoảng 200 triệu USD và dự kiến sản xuất 100.000 ô tô mỗi năm. Giai đoạn 3 từ năm 2034 đến 2035 với 380 triệu USD tiền đầu tư cùng mục tiêu sản xuất 200.000 ô tô mỗi năm.

Từ cuối tháng 10 năm nay, nhằm tiến hành nghiên cứu thị trường trước khi bắt đầu quá trình mở bán vào năm 2024, ba mẫu xe của Chery thuộc các nhãn hiệu Omoda và Jaecoo đã xuất hiện tại Hà Nội. Điều này thể hiện sự cẩn trọng của Chery đối với thị trường Việt Nam, khác biệt so với sự gia nhập mạnh mẽ của các thương hiệu ô tô Trung Quốc khác.

Được biết Chery đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2009 thông qua việc hợp tác với Liên doanh ô tô Hòa Bình (VMC) nhưng không thành công trong việc thu hút khách hàng Việt tại thời điểm đó. Trong lần trở lại này, Chery cũng đã tìm kiếm nguồn động lực mới để tăng trưởng trên thị trường quốc tế, đặc biệt là thông qua các dòng xe mới như Omoda và Jaecoo. Trong khi đó, thương hiệu Chery vẫn giữ vai trò chính trên thị trường nội địa.

H.C (t/h)