Cuộc chiến pháp lý của Donald Trump và Việt Nam nên làm gì nếu Joe Biden là Tổng thống Hoa Kỳ?

15:44 19/11/2020

Nhiều cơ quan truyền thông của Mỹ đã công bố kết quả bỏ phiếu với việc ông Joe Biden được 290 phiếu và ông Donald Trump chỉ đạt 214 phiếu, chính điều này, nhiều cơ quan truyền thông đã gọi ông Joe Biden là Tổng thống được bầu chọn.

Truyền thông Hoa Kỳ và Joe Biden tuyên bố thắng cử nhưng Donald Trump không công nhận kết quả bầu cử

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2021-2024, giữa một bên là đương kim Tổng thống Donald Trump (Đảng cộng hòa) và Cựu phó Tổng thống Joe Biden (Đảng dân chủ) cũng đã có sự cạnh tranh từng tiểu bang rất quyết liệt, đặc biệt là các tiểu bang chiến trường (battleground state). Tối ngày 07/11/2020, sau kết quả bỏ phiếu tại một số tiểu bang chiến trường như Wisconsin, Michigan, Pennsylvania, Arizona, Nevada với phần chiến thắng dành cho ông Joe Biden thì nhiều cơ quan truyền thông của Mỹ đã công bố kết quả bỏ phiếu với việc ông Joe Biden được 290 phiếu và ông Donald Trump chỉ đạt 214 phiếu. Chính điều này, nhiều cơ quan truyền thông đã gọi ông Joe Biden là Tổng thống được bầu chọn (President-Elect Joe Biden) và ông Joe Biden cũng đã tổ chức sự kiện hoành tráng để tuyên bố chiến thắng cuộc bầu cử tại quê nhà ở Wilmington, tiểu bang Delaware.

Kết quả bầu cử Mỹ 2020: Ông Joe Biden nói Tổng thống Trump

 Nhiều cơ quan truyền thông đã gọi ông Joe Biden là Tổng thống được bầu chọn

Theo Edison Research (www.edisonresearch.com/election-polling) cập nhật ngày 14/11/2020 về bầu cử Tổng thông Mỹ thì Joe Biden được 78,550,641 phiếu bầu chiếm 50,9% và có được 306 phiếu cử tri đoàn. Trong khi Donald Trump có được 73,024,730 phiếu chiếm 47,3 % và chỉ có được 232 phiếu cử tri đoàn. Một điều trùng hợp thú vị là số lượng lá phiếu cử tri đoàn giữa ông Donald Trump 232 so với Joe Biden 306 (giúp ông Joe Biden tuyên bố thắng cử là Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ) lại giống số lượng lá phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử năm 2016 giữa bà Hilary Clinton 232 so với Donald Trump 306 (giúp ông Trump thắng cử là Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ).

Sau khi phát biểu tuyên bố chiến thắng, nhiều người dân ủng hộ Joe Biden đã diễu hành, nhảy múa vui mừng chiến thắng tại rất nhiều thành phố ở các tiểu bang Hoa Kỳ như New York, Pennsylvania, California, Washington DC, Massachusetts, Missouri, Delaware và nhiều tiểu bang khác. Nhiều cựu Tổng thống như George W. Bush, Barack Obama và một số thành viên thuộc Đảng cộng hòa như thượng nghị sĩ Mitt Romney (tiểu bang Utah), Lisa Murkowski (tiểu bang Alaska), Ben Sasse (tiểu bang Nebraska) và Susan Collins (tiểu bang Main) đã công khai chúc mừng ông Joe Biden. Ngoài ra, một số nguyên thủ quốc gia của các cường quốc như Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đã gửi lời chúc mừng chiến thắng của ông Joe Biden trong vai trò là Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, mặc dù các thông tin đưa ra từ cơ quan truyền thông và ông Joe Biden cũng đã tuyên bố chiến thắng nhưng để chính thức trở thành người thắng cuộc thì ông Joe Biden phải chờ kết quả công bố chính thức từ Ủy ban bầu cử liên bang Hoa Kỳ (Federal Election Commision – FEC) và quyết định của các Đại cử tri bỏ phiếu thông qua dự kiến vào ngày 14/12/2020. Đồng thời, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và cũng là ứng viên tranh cử Tổng thống trực tiếp phải chấp nhận thua cuộc bầu cử. Nhưng cho đến nay Tổng thống Donald Trump vẫn không chấp nhận kết quả bầu cử và tuyên bố đội ngũ luật sư (đứng đầu là Rudy Giuliani) cùng đội ngũ vận động tranh cử của ông sẽ tiến hành cuộc chiến pháp lý ở cấp tiểu bang và sau đó là Tối cao pháp viện Hoa Kỳ (Supreme Court of the United States – SCOTUS). Lý do để phía Tổng thống Trump không chấp nhận kết quả thua cuộc và khởi kiện vì cho rằng có sự gian lận, nhiều lá phiếu bất hợp lệ, nhiều bang chiến trường đã không thực hiện kiểm đếm phiếu một cách minh bạch và cho rằng chính nhờ sự gian lận nên ông Joe Biden mới giành chiến thắng. Thông điệp không chấp nhận kết quả bầu cử của Tổng thống Trump cũng được nhiều thành viên cấp cao của Đảng cộng hòa ủng hộ. Điển hình như Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng Viện là Thượng nghị sĩ Lindsey Graham khẳng định rằng Tổng thống Trump sẽ không bỏ cuộc và không thừa nhận thất bại trước ông Joe Biden, trong khi đó ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố không công nhận kết quả Joe Biden thắng và Donald Trump sẽ có nhiệm kỳ thứ 2 tại Nhà trắng. Ngoài ra, ông Dan Patrick là phó Thống đốc tiểu bang Texas còn ra thông báo treo giải thưởng lên đến 1 triệu đô la Mỹ từ quỹ vận động tranh cử dành cho những cá nhân nào tố giác với đầy đủ chứng cứ để chứng minh có sự gian lận bầu cử, cụ thể mỗi cá nhân tố cáo mang lại kết quả tích cực chứng minh có sự gian lận thì sẽ nhận tiền thưởng lên đến 25.000 đô la Mỹ cho mỗi trường hợp. Người dân ủng hộ Tổng thống Donald Trump cũng thực hiện các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử ở nhiều tiểu bang trên nước Mỹ và phát động các chiến dịch huy động ủng hộ kinh phí để phía Donald Trump có thêm kinh phí trong cuộc chiến pháp lý này với thông điệp “We need to fight back” tại website: www.donaldjtrump.com.

Để đáp trả, phía ông Joe Biden cũng gửi thông điệp “We are relaunching the Biden fight fund” tại website www.joebiden.com  để huy động kinh phí cho việc tham gia cuộc chiến pháp lý với bên phía Donald Trump. Phía ông Joe Biden cho rằng với việc có được trên 78,5 triệu phiếu bầu (chiếm 50,9%) và đạt trên 270 phiếu Đại cử tri so với 73 triệu phiếu bầu (chiếm 47,3%) của Donald Trump để chiến thắng cuộc bầu cử này là hoàn toàn chính đáng. Ông ca ngợi hệ thống bầu cử liên bang Hoa Kỳ và cho rằng không có sự gian lận ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.

Cuộc chiến pháp lý của ông Donald Trump sẽ khó có thể thay đổi kết quả bầu cử?

Chuyên gia pháp lý đánh giá khả năng thắng kiện của ông Trump | Tin tức mới  nhất 24h - Đọc Báo Lao Động online - Laodong.vn

Mặc dù là thành viên thuộc Đảng cộng hòa chiếm đa số ở Tối cao pháp viện, nhưng việc đưa ra phán quyết có lợi cho ông Donald Trump chỉ khi bên phía ông có đầy đủ các bằng chứng thuyết phục, minh bạch.

Theo Hiến pháp Hoa Kỳ kể từ khi có hiệu từ năm 1789, Chính quyền liên bang (Federal Government of the United States) dựa trên nguyên tắc tam quyền phân lập và riêng biệt đó là Lập pháp (Quốc hội có Thượng viện và Hạ viện), Hành pháp (Tổng thống và nội các chính phủ) và Tư pháp (Tòa án tối cao, Tòa án liên bang). Tòa án tối cao hay còn gọi là Tối cao pháp viện là Tòa án duy nhất được thiết lập bởi Hiến pháp trong khi các Tòa án liên bang được thành lập bởi Quốc hội. Thẩm phán Tối cao Pháp viện có 9 người và được bổ nhiệm trọn đời bởi Tổng thống cùng sự phê chuẩn bởi Thượng viện, hiện nay ông John Roberts thành viên thuộc đảng Cộng hòa được chọn làm Chủ tịch Pháp viện hay Chánh Án (Chief Justice). Mỗi nhánh sẽ có thẩm quyền để xử lý các sự vụ trong từng lĩnh vực, các quyền của mỗi nhánh sẽ được cân bằng và kiểm soát bởi các quyền của hai nhánh kia. Hiện nay, nhánh Hành pháp do Tổng thống Donald Trump và nội các của ông điều hành đất nước, trong khi đó ở nhánh Lập pháp thì Thượng viện do thành viên Đảng cộng hòa chiếm đa số khi chiếm 53/48 so với thành viên Đảng dân chủ (Hạ viện do thành viên Đảng dân chủ chiếm đa số và chủ tịch Hạ viện là bà Nancy Polesi thuộc Đảng dân chủ). Ở nhánh Tư pháp thì Tòa án tối cao (còn gọi là Tối cao pháp viện) do Chánh án là ông John Roberts thành viên thuộc đảng Cộng hòa cùng các thẩm phán khác ủng hộ Đảng Cộng hòa chiếm đa số khi số ghế 6/3 so với thành viên ủng hộ cho Đảng dân chủ.

Hơn nữa trong lịch sử đã có những cuộc tranh cãi về kết quả bầu cử Tổng thống và Tối cao pháp viện đã phân xử, điển hình trường hợp gần nhất là trong cuộc bầu cử năm 2000 giữa George W. Bush (Đảng cộng hòa) và Al Gore (Đảng dân chủ). Lúc này, cuộc tranh cãi diễn ra khi có sự chênh lệch số phiếu sát sao tại tiểu bang Florida và Tối cao pháp viện đã có quyết định George W. Bush chiến thắng để trở thành Tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ. Do đó, với việc cho rằng có sự gian lận trong bầu cử và lợi thế về sự ủng hộ của Tối cao pháp viện cũng như tiền lệ trong quá khứ, vì vậy phía ông Donald Trump và người ủng hộ hy vọng lịch sử sẽ lặp lại khi sự tranh chấp dẫn đến tối cao pháp viện ra phán quyết cuối cùng có lợi cho ông Donald Trump.

Tuy nhiên, có một số điều chúng ta cần phân biệt, đó là mỗi cuộc tranh chấp ở quá khứ rất khác so với cuộc tranh chấp giữa Donald Trump với Joe Biden. Ông Donald Trump đã thua cuộc ở nhiều bang chiến trường từ Arizona, Georgia, Pennsylvania, Michigan đến Wisconsin. Mặc dù đã có các đơn kiện nhưng tòa án các tiểu bang nhận đơn kiện từ phía Donald Trump cũng đã đưa ra phán quyết bất lợi khi luật sư và phía đại diện chiến dịch tranh cử Tổng thống Donald Trump không đưa ra đủ bằng chứng thuyết phục có gian lận bầu cử hoặc lỗi hệ thống để ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Phía tòa án còn cho rằng trong cuộc bầu cử diễn ra vào 03/11/2020 với việc kiểm đếm các lá phiếu ở các tiểu bang đều có thành viên giám sát trực tiếp của thành viên đại diện cho Đảng dân chủ và Đảng cộng hòa nên không có chuyện gian lận như bên phía ông Donald Trump cáo buộc.

Mặc dù là thành viên thuộc Đảng cộng hòa chiếm đa số ở Tối cao pháp viện, nhưng việc đưa ra phán quyết có lợi cho ông Donald Trump chỉ khi bên phía ông có đầy đủ các bằng chứng thuyết phục, minh bạch. Chánh án đã tuyên thệ công tâm trung thực trước khi ngồi vào ghế tối cao pháp viện để phục nước Mỹ và cũng là sự độc lập của nhóm Tư pháp trong tam quyền phân lập. Cho nên thật khó để Tối cao pháp viện có thể đưa ra phán quyết ủng hộ Donald Trump khi không có đủ bằng chứng rõ ràng, thuyết phục. Nếu Tối cao pháp viện làm sai sẽ ảnh hưởng không chỉ nền tư pháp của Hoa Kỳ mà có thể gây mất niềm tin của nhiều người dân vào nền dân chủ với tam quyền phân lập, khả năng dẫn đến chia rẽ, bạo động, nội chiến có thể xảy ra cho một bên ủng hộ cho thành viên Đảng dân chủ và một bên ủng hộ cho Đảng cộng hòa.

Cũng theo Hiến pháp Hoa Kỳ, ngày tuyên thệ nhậm chức cho Tổng thống mới phải diễn ra vào 20/1 của năm tiếp theo sau khi có kết quả bầu cử. Có nghĩa rằng Donald Trump sẽ còn rất ít thời gian cho cuộc chiến pháp lý này và với những thông tin cho đến nay thì khả năng để ông Donald Trump lật ngược tình thế để chiến thắng trở thành Tổng thống nhiệm kỳ 2 là hầu như không thể xảy ra. Nếu như ông Joe Biden được chính thức tuyên bố thắng cử sẽ trở thành Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ và bà Kamala Harris sẽ là Phó Tổng thống thứ 49 của Hoa Kỳ, bà sẽ được xem như nữ Phó Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ kể từ thời Hoa Kỳ lập quốc. Kết quả bỏ phiếu bầu cũng gần như Đảng dân chủ sẽ tiếp tục chiếm đa số để kiểm soát Hạ viện. Trong khi đó, mặc dù dưới thời Tổng thống Donald Trump các thành viên Đảng cộng hòa chiếm đa số để kiểm soát thượng viện nhưng kết quả bầu cử như hiện nay với tỉ lệ Cộng hòa 50 so với Dân chủ 48 và nếu Đảng dân chủ chiến thắng tại tiểu bang Georgia để có thêm 2 ghế Thượng viện thì nhiều khả năng sẽ cân bằng tỉ lệ Cộng hòa 50 – Dân chủ 50. Điều này, Đảng dân chủ sẽ kiểm soát luôn Thượng viện vì Phó Tổng thống là bà Kamala Harris thuộc Đảng dân chủ sẽ có quyền bỏ lá phiếu quyết định để Đảng dân chủ chiếm đa số ở Thượng viện. Nếu Đảng dân chủ chiếm đa số và kiểm soát Hạ viện cũng như Thượng viện thì nhiều người ủng hộ cho Đảng cộng hòa lo ngại rằng Đảng dân chủ sẽ thực hiện bước tiếp theo để chiếm đa số trong Tối cao Pháp viện khi áp dụng theo dự luật Cải tổ Tư pháp năm 1937 của Tổng thống Franklin D. Roosevelt với tên gọi là “court-packing plan” (tạm dịch: kế hoạch đóng gói tòa án) để mở rộng tòa án tối cao. Dự luật này cho phép Tổng thống bổ nhiệm thêm một người cho mỗi thẩm phán đã đến 70 tuổi 6 tháng mà không muốn nghỉ hưu và Tổng thống được quyền chỉ định bổ sung tối đa 6 thẩm phán. Do đó, nếu điều này xảy ra và Đảng dân chủ bổ nhiệm 6 thẩm phán khác vào Tối cao Pháp viện để Đảng dân chủ chiếm đa số so với số lượng Thẩm phán bảo thủ của Đảng cộng hòa thì xem như 3 nhánh của tam quyền phân lập đều do Đảng dân chủ điều hành. Đây là điều mà Tổng thống Donald Trump cũng đã nhiều lần e ngại nếu để ông Joe Biden thắng cử và Đảng dân chủ chiếm Thượng viện lẫn Hạ viện.

Với viễn cảnh trên, có thể thấy nếu ông Donald Trump thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống thì cũng đồng nghĩa với việc Đảng cộng hòa hoàn toàn thua cuộc trên các mặt trận so với Đảng dân chủ. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ông Donald Trump và nhiều thành viên chủ chốt của Đảng cộng hòa quyết tâm bằng mọi cách để hy vọng lật ngược thế cờ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2021-2024. Việc tuyên bố cứng rắn không chấp nhận thua cuộc bầu cử trên các cơ quan truyền thông và nhiều thành viên chủ chốt của Đảng cộng hòa ủng hộ ông Donald Trump cùng với động thái sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, người đã phản đối ông Donald Trump trong việc dùng vũ lực của quân đội để đàn áp người biểu tình khiến nhiều người lo ngại rằng ông Donald Trump sẽ lạm dụng quyền lực để điều hành quân đội bảo vệ khi ông không chấp nhận kết quả bầu cử và không chịu rời khỏi Nhà trắng. Mới nhất ông Donald Trump tiếp tục sa thải khẩn cấp viên chức cấp cao là Chris Krebs, Giám đốc Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng (CISA) mà ông cho là “không trung thành, không ủng hộ ông tuyệt đối” vì Chris Krebs tuyên bố cuộc bầu cử “minh bạch và không có bằng chứng của sự gian lận”, điều này là trái ngược ý của ông Donald Trump khi cho rằng có sự gian lận trong bầu cử.

Với tính cách quyết liệt không bỏ cuộc và khó đoán của ông Donald Trump thì khả năng ông Donald Trump đang tận dụng những ngày tháng cuối cùng trên cương vị Tổng thống cùng các quan chức chủ chốt trung thành tuyệt đối với ông để thực hiện những hành động “khó lường” cho những mục tiêu của ông tại quốc nội và những chính sách về quân sự mạnh mẽ cho đối ngoại trước khi ông miễn cưỡng rời khỏi Nhà trắng. Điều này cũng được Chủ tịch Hạ viện bà Nancy Polesi khẳng định rằng “với việc đột ngột sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper là bằng chứng đáng lo ngại cho thấy Tổng thống Donald Trump có ý định dùng những ngày cuối trong nhiệm kỳ của mình để gieo rắc hỗn loạn trong nền Dân chủ Mỹ và trên toàn thế giới".

Cho dù mọi việc có diễn ra căng thẳng như thế nào thì cũng sẽ có kết quả cuối cùng vào ngày 20/01/2021 để tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thắng cử. Nếu không thể chiến thắng trong cuộc chiến Pháp lý thì tốt nhất chính quyền Donald Trump cần tuyên bố chấp nhận kết quả thua cuộc và bàn giao quyền lực trong hòa bình để hàn gắn sự chia rẽ vốn dĩ đã in sâu trong lòng nước Mỹ. Nếu Tổng thống Donald Trump và nội các tiếp tục quyết tâm không bàn giao quyền lực khi mọi nỗ lực trong cuộc chiến Pháp lý bị thất bại thì nhiều khả năng sẽ dẫn đến những cuộc biểu tình bạo động quy mô lớn giữa một bên ủng hộ ông Joe Biden với một bên ủng hộ ông Donald Trump. Điều này sẽ làm cho nước Mỹ thêm tồi tệ khi đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành nước Mỹ với số ca mắc bệnh tăng lên hàng ngày. Theo số liệu thống kê từ Worldometer vào ngày 18/11/2020, trên thế giới có trên 56,090,146 nhiễm bệnh COVID-19 và số người chết là 1,346,523. Hoa Kỳ có số người mắc bệnh cao nhất thế giới khi ghi nhận 11,698,124 trường hợp mắc bệnh COVID-19 và 254,311 đã qua đời.

Trump và Biden cạnh tranh sít sao ở bang chiến trường - VnExpress

Khi mọi nỗ lực trong cuộc chiến Pháp lý bị thất bại thì nhiều khả năng sẽ dẫn đến những cuộc biểu tình bạo động quy mô lớn giữa một bên ủng hộ ông Joe Biden với một bên ủng hộ ông Donald Trump.

Việc chấp nhận sự thật và vì một nước Mỹ đoàn kết, vững mạnh là điều mà Tổng thống Trump cũng như bao đời Tổng thống Mỹ trước đây đều phải làm. Trong lịch sử Hoa Kỳ đã chứng minh rằng bất cứ ai làm Tổng thống và thuộc Đảng dân chủ hay Đảng cộng hòa đều có một mục tiêu chung khi tuyên thệ là phục vụ cho lợi ích Quốc gia và người dân Hoa Kỳ, đoàn kết và kiến xây tổ quốc, đấu tranh để bảo vệ và duy trì các giá trị tự do dân chủ, công bằng và chống lại sự đàn áp của các thể chế độc tài trên thế giới. Mỗi đời Tổng thống cùng đội ngũ hành pháp sẽ có những chính sách, hành động phù hợp cho từng thời điểm cũng như bối cảnh khác nhau và càng không có chuyện nước Mỹ để Trung Quốc thay thế vị trí số 1 trên trường quốc tế của mình. Hàng trăm năm qua nước Mỹ luôn là quốc gia hùng cường số một thế giới với một nền tự do dân chủ vững mạnh và cũng là miền đất hứa (The Promised Neverland) cho nhiều người khao khát được thực hiện giấc mơ Mỹ (American Dream) của mình. Hãy nhìn vào lịch sử nước Mỹ và tin vào Tổng thống thắng cử, đã đến lúc nước Mỹ cần hàn gắn sự chia rẽ, đoàn kết trở lại để kiến xây quốc gia, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, góp phần cho nước Mỹ an toàn và thịnh vượng hơn để người dân Mỹ vẫn tự hào Hoa Kỳ là một quốc gia vĩ đại.

Việt Nam nên làm gì nếu Joe Biden là Tổng thống chính thức của Hoa Kỳ?

Với nước Mỹ luôn có chính sách dựa trên sự phán quyết của 2 đảng đó là dân chủ - cộng hòa ở thượng viện - hạ viện và hành pháp gồm tổng thống cùng nội các chính phủ. Cho dù đảng phái nào điều hành đất nước thì luôn có một mục tiêu chung là “lợi ích nước Mỹ là ưu tiên hàng đầu”. Cho dù mỗi đời Tổng thống và các đảng phái điều hành có thể khác nhau nhưng với nước Mỹ thường có câu “không có kẻ thù vĩnh viễn hay đồng minh vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích quốc gia, lợi ích cho người dân Hoa Kỳ” luôn đặt lên hàng đầu. Cho dù thành viên Đảng dân chủ theo lối ôn hòa hay thành viên Đảng cộng hòa theo lối cứng rắn nhưng mục tiêu cuối cùng là “thấy lợi cho nước Mỹ mà làm”.

Mặc dù Việt Nam là một nước nhỏ bé và là quốc gia đang phát triển nhưng vị trí địa chính trị của Việt Nam ở Châu Á, cụ thể là Đông Nam Á rất quan trọng khi Hoa Kỳ xoay trục hướng về Biển Đông để cân bằng cán cân quyền lực đang trỗi dậy mạnh mẽ từ Trung Quốc. Việc cân bằng quyền lực, kiềm hãm sự bành trướng của Trung Quốc và bảo vệ các đồng minh của Hoa Kỳ trước những thách thức từ các quốc gia như Trung Quốc, Nga, Iran, Bắc Triều Tiên là điều mà từ thời chính quyền Tổng thống Obama đã làm.

Với kinh nghiệm nhiều năm trên chính trường Mỹ, 8 năm làm phó Tổng thống dưới thời Obama, kinh nghiệm có được từ thời Tổng thống Donald Trump sẽ giúp cho ông Joe Biden và nội các có những chính sách đối nội và đối ngoại mềm mỏng nhưng cứng rắn hơn so với thời Tổng thống Obama. Mỗi đời tổng thống và thời cuộc sẽ có những thay đổi nên để mang lại lợi ích cho Hoa kỳ và được lòng dân Hoa Kỳ (kể cả bên bỏ phiếu ủng hộ và bên không bỏ phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử Tổng thống) thì những chính sách điều hành đất nước cũng như chính sách đối ngoại ông Joe Biden phải rút ra những ưu điểm của người tiền nhiệm để áp dụng cho nhiệm kì Tổng thống của ông. Người dân Hoa Kỳ và quốc tế sẽ nhìn những gì Joe Biden điều hành đất nước, nếu Joe Biden thể hiện sự kém hiệu quả so với chính quyền khi Donald Trump điều hành hoặc “nhu nhược, lép vế so với chính quyền Bắc Kinh” thì nhiều khả năng nước Mỹ sẽ chứng kiến những cảnh biểu tình kêu gọi ông từ chức và xa hơn là cuộc bầu cử Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ diễn ra vào năm 2024 sẽ bất lợi cho các ứng viên thuộc Đảng dân chủ để tranh cử Tổng thống với ứng viên của Đảng cộng hòa. Đây là điều không chỉ ông Joe Biden và nội các của ông biết rõ mà còn là các thành viên Đảng dân chủ cũng hiểu rằng họ cần phải làm gì để tốt nhất cho nước Mỹ.

Joe Biden can 'heal' US in dark times: Barack Obama endorses former VP's  candidature for US presiden- The New Indian Express

Với kinh nghiệm nhiều năm trên chính trường Mỹ, 8 năm làm phó Tổng thống dưới thời Obama, kinh nghiệm có được từ thời Tổng thống Donald Trump sẽ giúp cho ông Joe Biden và nội các có những chính sách đối nội và đối ngoại mềm mỏng 

Với những gì Trung Quốc gây ra từ sự quấy nhiễu và đòi chủ quyền phi lý trên biển Đông, gây hấn với tàu thuyền Việt Nam, chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và nhiều vấn đề khác đã tác động không nhỏ đến vấn đề an ninh quốc gia, sự phát triển kinh tế và lòng dân Việt Nam. Do đó, ngoài các biện pháp đã áp dụng trong sự ôn hòa trong hòa bình, kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế thì đã đến lúc Việt Nam cần nêu quan điểm mạnh mẽ hơn với những hành động sai trái của chính quyền Bắc Kinh. Hợp tác quốc phòng, tranh chấp biển Đông, mậu dịch thương mại và các vấn đề khác, nếu làm tốt sẽ thúc đẩy cho Việt Nam lên một tầm cao mới trong khu vực cũng như thế giới. Góp phần cho Việt Nam phát triển và vững mạnh hơn, xây dựng vững chắc lòng tin của người dân đối với quốc gia. Rất nhiều người dân Việt Nam trong và ngoài nước quan tâm đến bầu cử Tổng thống Mỹ, trong đó đại đa số ủng hộ ông Donald Trump bởi tính bộc trực, dám nói dám làm và chống Trung Quốc trực diện trên mọi mặt từ kinh tế, biển Đông và tầm ảnh hưởng quốc tế. Do đó, sự kết hợp giữa ôn hòa dưới thời Obama và cứng rắn dưới thời Donald Trump sẽ giúp cho nước Mỹ cân bằng, mạnh mẽ hơn. Đó cũng là điều Việt Nam cần làm trong những năm tiếp theo là phải ôn hòa nhưng quyết liệt để Việt Nam tiến xa hơn trên chính trường quốc tế, an ninh quốc gia, an toàn và phát triển đất nước.

Tiến sĩ Trần Duy Nam (Viết từ Hoa Kỳ)