Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương: Khắc phục tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề truyền thống

16:16 19/07/2022

Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 27 làng nghề truyền thống được công nhận và nhiều làng nghề sản xuất các mặt hàng đặc thù tại địa phương. Sự phát triển của các làng nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thay đổi diện mạo nông thôn. Tuy nhiên, hầu hết các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã và đang bị ô nhiễm ở cả 3 dạng: Nước, rác thải và khí thải.

phối cảnh
tổng quát của dự án Cụm CN
làng nghề Minh Phương

Phối cảnh tổng quát của dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương.

Làng nghề ô nhiễm nặng

Thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc có 4/4 làng nghề truyền thống với khoảng gần 2000 hộ làm nghề mộc thường xuyên và kinh doanh, chế biến gỗ thu hút hơn 5.000 lao động. Mỗi năm, các cơ sở sản xuất kinh doanh tại làng nghề thải ra khoảng 1.500 tấn chất thải. Ngày nắng nóng, mùi hóa chất, mùi sơn nồng nặc bốc lên từ nhà ra ngõ, từ những xưởng mộc san sát nhau và từ những đống gỗ ngồn ngộn ven đường. Dù các hộ làm nghề đã xây tường ngăn hoặc dùng bạt che, vách ngăn, quạt thông gió, máy hút bụi để giảm bớt ô nhiễm, nhưng không thể ngăn cản hết bụi gỗ và mùi sơn lan tỏa trong không khí  “Những ống hút bụi gỗ từ nhà tôi phun sang khoảng trời nhà hàng xóm, và nhà tôi được nhận lại những luồng bụi còn mạnh hơn từ ống phun bụi gỗ từ nhà bên” - một người dân làng nghề chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất còn sử dụng các nguyên liệu rẻ tiền, hóa chất độc hại nhằm hạ giá thành sản phẩm, làm chất lượng môi trường khu vực các làng nghề ngày càng xấu đi. Thực tế còn cho thấy, làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ, vốn đầu tư thấp nên khó có điều kiện đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường. Các cơ sở sản xuất trực tiếp trong làng nghề cũng chưa đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải; không có các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường theo quy định nên chất thải độc hại không qua xử lý đã thải trực tiếp ra môi trường. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các làng nghề trong tỉnh.

Điểm nhấn thu hút đầu tư

Dự án Cụm công nghiệp (CCN) làng nghề Minh Phương thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc do Công ty cổ phần KEHIN làm chủ đầu tư có diện tích 33,8ha đất của thị trấn Yên Lạc và xã Nguyệt Đức. Ngành nghề thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp này chủ yếu là: Sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất chế biến gỗ, mộc dân dụng; sản xuất chất phế liêu; điện tử, cơ khí chế tạo; các ngành công nghiệp hỗ trợ. Dự kiến thu hút khoảng hơn 300 doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ cá thể, tạo việc làm cho hơn 8.000 lao động. Để đạt được mục tiêu xây dựng khu sản xuất tập trung có quy mô hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ và sản xuất đồng bộ, chủ đầu tư dự án đã thực hiện đầy đủ các thủ tục về đầu tư, xây dựng hạ tầng, bồi thường giải phóng mặt bằng. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung và tiện ích đồng bộ, hiện đại như: Trung tâm điều hành, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, trạm xử lý nước thải, đường giao thông, công viên, cây xanh... đáp ứng yêu cầu sản xuất của người dân, sớm đưa các cơ sở sản xuất ở khu dân cư vào Cụm công nghiệp sản xuất tập trung, tách rời khu dân cư, giải quyết các vấn nạn ô nhiễm tại thị trấn Yên Lạc.

Những năm qua UBND tỉnh đã chỉ đạo quy hoạch thành lập các CCN, làng nghề, trong đó có CCN làng nghề Minh Phương. Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm phát triển làng nghề bền vững, bảo vệ hiệu quả môi trường. Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng CCN làng nghề Minh Phương đã được cấp ủy, chính quyền địa phương xác định là nhiệm vụ quan trọng, có nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch thực hiện với những giải pháp, mục tiêu, lộ trình cụ thể nên kết quả đạt được như mong muốn.

Điều khẳng định là, việc đầu tư xây dựng CCN làng nghề Minh Phương là điểm nhấn thu hút đầu tư tại Vĩnh Phúc. Là mong ước bấy lâu của người dân địa phương nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề truyền thống. Hơn nữa rất cần sự ủng hộ, đồng tình của người dân, nhất là các chủ sản xuất tại các làng nghề truyền thống. Việc di chuyển hoạt động sản xuất vào CCN, quan tâm bảo vệ môi trường chính là việc làm thiết thực góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ sức khỏe của chính mình và cả cộng đồng.

Hồng Quân