Công nghệ - ‘chiến trường’ tiếp theo giữa Mỹ và Trung Quốc

00:00 12/10/2020

Một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, nếu đạt được, dường như không thể chấm dứt sự đối đầu giữa hai cường quốc kinh tế và công nghệ có thể trở thành “chiến trường” tiếp theo.

Mỹ và Trung Quốc rơi vào tình trạng chiến tranh thương mại từ năm ngoái, gây ra những thiệt hại nhất định cho kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng sự bất đồng giữa hai nước này sẽ vượt ngoài vấn đề thương mại. Dù đạt hay không đạt thỏa thuận thương mại, sự đối địch này sẽ chỉ mở rộng và ngày càng khó giải quyết.

“Chúng ta bước vào giai đoạn sự cạnh tranh địa chính trị Mỹ - Trung đã gia tăng và trở nên rõ ràng hơn”, Michael Hirson, giám đốc châu Á tại công ty tham vấn Eurasia Group, nói.

“Thỏa thuận thương mại sẽ giải quyết một giai đoạn trong cuộc cạnh tranh quyền lực Mỹ - Trung nhưng chỉ mang tính tạm thời với các ảnh hưởng hạn chế”.

Ảnh: Getty Images.

Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung khả năng cao xảy ra tiếp trong lĩnh vực công nghệ, theo giới phân tích, bởi hai nước đều đang cố trở thành bên đi đầu của thế giới. Những vấn đề xoay quanh chuyển giao công nghệ cũng là yếu tố then chốt trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung những tháng gần đây.

“Mọi quốc gia giờ đã công nhận sự thịnh vượng, tài sản, an ninh kinh tế, an ninh quân sự của họ có liên hệ với việc duy trì lợi thế công nghệ”, Stephen Olson, nhà nghiên cứu tại tổ chức giám sát thương mại toàn cầu Quỹ Hinrich, nói.

Cuộc chiến công nghệ

Đa số cho rằng cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung đã bắt đầu và Huawei, công ty công nghệ của Trung Quốc, đang nằm trong “tâm bão”.

Huawei gần đây bị cộng đồng thế giới chú ý với việc Mỹ cùng một số nước khác dấy lên lo ngại an ninh về sản phẩm của công ty. Mỹ dã cấm cá cơ quan liên bang sử dụng thiết bị Huawei và khuyến khích đồng minh cùng thực hiện.

Australia và New Zealand đều cấm sử dụng thiết bị Huawei khi triển khai thế hệ mạng di động tiếp theo – 5G.

Huawei khẳng định họ độc lập với chính phủ Trung Quốc. Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi hồi tháng 2 nói công ty của ông sẽ không bao giờ thực hiện hoạt động gián điệp.

Ảnh: Getty Images.

Căng thẳng lên đỉnh điểm với vụ bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, con gái ông Nhậm, hồi tháng 12/2018 và gần đây là Huawei đệ đơn kiện chính phủ Mỹ.

Huawei còn đặt một trang quảng cáo trên tờ Wall Street Journal có nội dung rằng người dân Mỹ đừng “tin tất cả những gì nghe được”.

“Cụm từ ‘chiến tranh lạnh’ được sử dụng quá nhiều trong căng thẳng Mỹ - Trung nói chung và nó đang ngày càng chính xác để mô tả cuộc cạnh tranh công nghệ”, Hirson nói. Căng thẳng liên quan Huawei chỉ là “triệu chứng của gia tăng cạnh tranh địa chính trị”.

“Sự đối đầu này còn khó giải quyết hơn là vấn đề thương mại thuần túy”.

Căn nguyên căng thẳng

Lo ngại của Mỹ về Trung Quốc gia tăng trong những năm gần đây. Sự ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới cũng vậy. Sáng kiến Vành đai – Con đường cùng kế hoạch Made in China 2025, sự ảnh hưởng gia tăng từ những công ty như Huawei và Alibaba được cho là nguyên nhân.

Hồi tháng 10/2018, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence mô tả Trung Quốc đã chọn hướng đi “hung hăng” hơn là “quan hệ đối tác” khi mở cửa nền kinh tế.

“Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng trong vài năm qua”, Andrew Gilholm, giám đốc phân tích Trung Quốc tại công ty tham vấn Control Risks, nhận định.

Ảnh: Getty Images.

Một số nhà phân tích cho rằng sự đối đầu Mỹ - Trung là không thể tránh khỏi. Sự đụng độ giữa các cường quốc mới nổi và cường quốc sẵn có là điều thường thấy trong lịch sử.

Trong bối cảnh lĩnh vực công nghệ sắp tăng tốc, giới phân tích dự báo Mỹ tiếp tục dùng rào cản phi thuế quan để đối phó với Trung Quốc. Hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, hạn chế công ty Mỹ xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc, gia tăng áp lực lên các công ty Trung Quốc là những phương án khả thi.

“Biện pháp phi thuế quan không khiến thị trường chú ý như thuế, một phần do khó định lượng sức ảnh hưởng, nhưng lại có tác động rất xa”, theo Hirson.

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Quan hệ Mỹ - Trung tiến triển như thế nào phần lớn sẽ phụ thuộc vào loại thỏa thuận thương mại họ ký. Hai bên bắt đầu đàm phán từ tháng 12/2018 và đã có những kết quả ban đầu.

Giới phân tích cho rằng hai bên “có quan hệ đôi bên cùng có lợi, hợp tác” trong một số lĩnh vực nhất định nhưng lại lập rào cản trong những lĩnh vực khác, được Olson mô tả là “tách rời có chọn lọc”, đặc biệt là nếu có liên quan đến công nghệ.

“Huawei liệu có thể tham gia triển khai mạng 5G ở Mỹ? Dường như rất khó”.

Như Tâm/Theo BBC