Có lối đi riêng, chủ thương hiệu mì Miliket lãi hơn 60 triệu/ngày

21:05 31/03/2021

Bước sang năm 2021, tổng tài sản của Miliket là 251 tỷ đồng, trong đó có tới 47 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, cùng 131 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Doanh nghiệp không ghi nhận bất kỳ khoản nợ vay nào.

Vang bóng một thời

Mì hai tôm Miliket hẳn là ký ức đẹp của nhiều thế hệ người Việt Nam trong gần hai thập kỷ cuối thế kỷ 20 và là một trong những thương hiệu xuất hiện sớm nhất tại Việt Nam. Thời điểm đó, thương hiệu Miliket thống lĩnh gần như toàn bộ thị trường mì ăn liền tại Việt Nam, thậm chí trở thành thương hiệu “độc quyền” trên thị trường trong suốt thập niên 70, 80.

Những ai từng thưởng thức mì Miliket đều không thể quên hình ảnh 2 sản phẩm chính là mì gói giấy với 2 con tôm trên bao bì và mì ký (bán theo kg) với hình ảnh 4 con tôm trên mỗi túi 1 kg. 

Thương hiệu mì Miliket vang bóng 1 thời
Thương hiệu mì Miliket vang bóng 1 thời.

Mì Miliket được sản xuất để phục vụ người tiêu dùng bình dân, đặc biệt là khu vực nông thôn. Vậy nhưng có giai đoạn mì tôm Miliket chỉ được bán tại các cửa hàng tạp hóa quốc doanh, trở thành món đồ ăn xa xỉ với nhiều người.

Nhà máy Miliket - nơi làm ra mì tôm Miliket là 1 trong 13 nhà máy đầu tiên được xây dựng để phát triển ngành công nghiệp nhẹ tại Việt Nam, tiền thân là hai xí nghiệp: Chế biến lương thực thực phẩm Colusa (1972) và Lương thực thực phẩm Miliket (1995).

Hai doanh nghiệp này được sáp nhập vào tháng 4/2004, với tên gọi Xí nghiệp chế biến Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket để thực hiện cổ phần hóa. Tháng 8/2006, công ty chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 48 tỷ đồng. Từ đó đến nay công ty chưa tiến hành tăng vốn.

Tính đến 15/11/2016 Colusa – Miliket có 4 cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng 80,51% vốn điều lệ công ty, trong đó Tổng công ty Lương thực Miền Nam (VNF2 – Vinafood 2) là cổ đông lớn nhất, sở hữu 30,72% vốn, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam Vinataba sở hữu 20,41% vốn.

Từng trên đỉnh cao nhưng thương hiệu mỳ tôm Miliket sớm bị “uy hiếp” vì thị trường mì ăn liền bão hòa khi người tiêu dùng có xu hướng "cao cấp hóa", chi nhiều hơn cho những sản phẩm đắt tiền và giàu dinh dưỡng. Thị trường mì ăn liền dần bị xâm lấn bởi các thương hiệu Vina Acecook, Masan, Vifon... cùng nhiều thương hiệu mỳ nổi tiếng khác như Tiến Vua, Cung Đình, Hảo Hảo.

Tìm lối đi riêng

Đối mặt với sức ép của thị trường, Colusa Miliket đã sản xuất thêm nhiều chủng loại sản phẩm khác như mì chay, hủ tiếu, cháo thịt bằm, phở gói, tương ớt... Công ty cũng vạch ra chiến lược gia công theo đơn đặt hàng để nâng tổng sản lượng cả năm trên 20.000 tấn.

Bên cạnh việc cố gắng lấy lại thị phần trong nước, Miliket cũng đang mở rộng ra các thị trường nước ngoài. Trong năm 2016, mì tôm Miliket đã khai thác thêm nhiều thị trường mới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Myanmar, Singpore tuy nhiên sản lượng chưa cao. 

Có lối đi riêng, mì Miliket vẫn có chỗ đứng trên thị trường
Có lối đi riêng, mì Miliket vẫn có chỗ đứng trên thị trường.

Kết quả, trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket (mã chứng khoán CMN) ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 614 tỷ đồng, giảm gần 2% so với năm 2019.

Do giá vốn hàng bán giảm chậm hơn doanh thu, lợi nhuận gộp của công ty trong kỳ vừa qua còn 141 tỷ đồng (kỳ trước là 150 tỷ). Lãi sau thuế của doanh nghiệp đạt 22 tỷ đồng, giảm 11%. Trung bình mỗi ngày, chủ sở hữu thương hiệu mì gói Miliket lãi 61 triệu đồng.

Tại thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của Miliket là 251 tỷ đồng, trong đó có tới 47 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, cùng 131 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Doanh nghiệp không ghi nhận bất kỳ khoản nợ vay nào.

Lợi nhuận 22 tỷ đồng/năm là một con số khiêm tốn so với các đại gia trong ngành thực phẩm. Tuy nhiên, với mức vốn điều lệ vỏn vẹn 48 tỷ đồng không thay đổi trong hơn 10 năm qua, chủ thương hiệu mì hai con tôm đạt tỷ suất sinh lời trên vốn điều lệ ấn tượng gần 50%.

Hà Linh