Chủ tịch VINASME: Thành viên Ban cải cách về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính đã đi sâu, đi sát với doanh nghiệp

18:43 16/09/2022

Thực hiện Quy chế hoạt động của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và được sự cho phép, đồng ý của Lãnh đạo Hội đồng, chiều ngày 16/9, tại trụ sở Viện Khoa học Quản trị DNNVV và Kinh tế số Việt Nam, Ban Cải cách về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 8 tháng đầu năm và thảo luận công tác trọng tâm những tháng cuối năm 2022.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị.

Đến dự và chủ trì phiên họp có ông Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội khóa 15, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME), Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính (TVCCTTHC) của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban I và ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng chính phủ; Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội đồng TVCCTTHC của Thủ tướng Chính phủ.

Hội nghị còn có sự tham gia của ông Trần Quang Hồng, Phó cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng chính phủ, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Ngoài ra, Hội nghị còn có sự tham gia của đại diện cho các thành viên của Ban I, bao gồm: Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội khóa 15, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính (TVCCTTHC) của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội khóa 15, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính (TVCCTTHC) của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Hội nghị, TS.Nguyễn Văn Thân chia sẻ: "Trải qua nhiều năm hoạt động chúng ta cũng không có nhiều dịp gặp gỡ nhau để cùng giao lưu và trao đổi về công việc. Do vậy, bản thân tôi rất mong muốn buổi làm việc của chúng ta ngày hôm nay sẽ thực sự cởi mở, vui vẻ và có hiệu quả".

Ngày hôm qua (15/9), Thủ tướng mới chủ trì Hội nghị về Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) và cơ bản chúng ta đều có mặt đầy đủ để lắng nghe những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo Chính phủ. Bàn về vấn đề này, ông Thân nhận định: "Chúng tôi rất ấn tượng với những con số được Văn phòng Chính phủ tổng kết trong hơn 1 năm qua và trong đó có đóng góp rất lớn của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính và cá nhân ông Ngô Hải Phan. Vì thế, trên tinh thần quyết liệt triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng đã giao và chỉ đạo, ngày hôm nay Ban cải cách về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính (Ban I) tổ chức phiên họp sơ kết nhằm nhìn lại những kết quả mà các thành viên Ban I đã đạt được trong 8 tháng qua và đồng thời cũng thảo luận để tìm ra phương hướng hoạt động từ nay cho đến cuối năm".

Căn cứ vào báo cáo tổng hợp của tổ soạn thảo và dựa trên tình hình thực tiễn, ông Thân đã khái quát vài điểm về tình hình hoạt động của Ban I trong thời gian qua như sau:

- Điểm đặc biệt thứ nhất là chúng ta cùng ghi nhận và đánh giá cao các thành viên Ban I đã xác định rõ được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình để từ đó triển khai nhiều công việc có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng, đem lại kết quả thiết thực cho cộng đồng DN và người lao động. Điển hình cho việc này, đó là: các tổ chức thành viên đã rất tích cực tham gia vào công tác xây dựng và ban hành chính sách, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 quay trở lại lần thứ 4 trong Quý I/2022. 

Ví dụ như phần lớn các thành viên Ban I đều rất tích cực góp ý và đề nghị Chính phủ, Quốc hội kéo dài chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và lãi suất vay ngân hàng cho doanh nghiệp; đồng thời cũng đề xuất ban hành các chính sách hỗ trợ cho người lao động để tái lập cuộc sống trên các thành phố lớn (chẳng hạn như hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm và tiền thuê nhà...).

- Điểm nổi bật thứ 2 đó là ngoài việc đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thì các thành viên cũng chủ động “xông ra mặt trận” để giải quyết những vụ việc liên quan đến quy định pháp luật và thủ tục hành chính đang gây nhức nhối, khó khăn cho hội viên của mình.

Chẳng hạn như: Hiệp hội Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đã giải quyết thành công 4 vấn đề bất cập mà hội viên quan tâm, trong đó có quy định thực hiện kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh dùng làm thực phẩm nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu và gia công xuất khẩu; hay bất cập trong Thu phí sử dụng hạ tầng, dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cảng biển tại TP. Hồ Chí Minh. Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã can thiệp hỗ trợ vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp phép đầu tư cho hàng chục DN Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam, trong đó có công ty CHC Lab và Công ty Hanwha. Hay, Hội Luật gia Việt Nam cũng đã hỗ trợ thành công cho hàng ngàn lượt DN đã vướng vào pháp lý và thủ tục hành chính... Tóm lại, ngoài các hoạt động mang tầm vĩ mô thì các thành viên Ban I cũng đã đi sâu, đi sát vào với DN để giải quyết từng trường hợp cụ thể. 

- Điểm nổi bật thứ 3, đó là: các thành viên của Ban cũng thường xuyên cập nhật thông tin và lắng nghe ý kiến của DN thông qua hàng nghìn hội nghị, hội nghị đối thoại. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng nhấn mạnh công tác đối thoại với doanh nghiệp và chuyên gia là hết sức quan trọng. Do vậy, về cơ bản hoạt động đối thoại của Ban I cũng đã được Chính phủ đánh giá, ghi nhận và thực sự đem lại hiểu quả hai chiều, cho cả doanh nghiệp và nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó thì ông Thân cho rằng vẫn còn nhìn thấy một số hạn chế trong công tác của Ban. Mặc dù các thành viên hoạt động rất tốt nhưng chúng ta vẫn đang thiếu đi sự liên kết trong nội bộ. Có những lúc rất cần sự phối hợp (ví dụ như thời điểm đầu năm do dịch Covid-19 hay thời điểm giữa năm do giá cả mặt hàng tăng cao, nhưng cơ bản các thành viên vẫn chủ yếu “đơn thương độc mã”. Theo ông Thân đánh giá thì cho đến nay công tác phối hợp giữa nội bộ Ban là chưa nhiều, xuất phát từ nhiều nguyên nhân:

1. Có một số tổ chức thành viên chưa cử người đại diện đầu mối của cơ quan để nắm bắt, trao đổi công việc của Hội đồng. Thậm chí khi hỏi Ban thư ký thì cũng không nắm rõ ai là đầu mối.

2. Các tổ chức thành viên có khá nhiều công việc trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi, nên nhiều lúc chưa thể bố trí đủ nguồn lực, cả về nhân lực lẫn vật lực để thực hiện công tác của Hội đồng.

3. Các tổ chức thành viên vẫn chưa chú tâm vào nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hoạt động số 40 ngày 1/4/2022 của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, nên có những đơn vị khi được hỏi về tiến độ triển khai công việc thì không biết mình phải làm gì và đang làm đến đâu...

"Trong những nguyên nhân dẫn đến công tác phối hợp chưa đạt được hiệu quả thì theo tôi nguyên nhân chủ quan vẫn chiếm phần lớn. Do vậy, tại phiên họp ngày hôm nay, chúng tôi rất mong muốn lắng nghe những ý kiến đóng góp của các thành viên để làm sao chúng ta cải thiện được tình hình hoạt động của Ban từ nay đến cuối năm, cũng như từ năm 2023 đến năm 2025", ông Thân chia sẻ. 

Tại Hội nghị này, Ban Cải cách về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính đã lắng nghe những ý kiến từ phía Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, Liên đoàn Công nghiệp và thương mại Việt Nam và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ để tìm hiểu những cách làm hay từ các Ban khác trong Hội đồng cũng như những lời khuyên, hỗ trợ cần thiết của USAID trong việc triển khai các nhiệm vụ mà USAID đang tài trợ cho Việt Nam.

Ảnh minh họa
Các đại biểu tham dự chụp ảnh kỷ niệm.  

Bảo Bảo - Hồng Ngọc