Toàn cảnh chợ Phố Đoàn nhìn từ trên cao |
Chợ phố Đoàn đặt tại thôn phố Đoàn, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, họp một tuần hai phiên vào sáng thứ 5 và thứ 7 hàng tuần. Chợ có diện tích khoảng 2.000 m2, tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, giữa bốn bề rừng núi. Mặc dù hình thành và tồn tại cách đây hàng trăm năm, nhưng cho đến nay, ngoài một số gian hàng chợ đã được “hiện đại hóa” bằng mái tôn thay mái lá, chợ hầu như vẫn còn nguyên vẹn nét xưa.
Hàng hóa bán tại chợchủ yếu là sản vật địa phương do người dân nuôi trồng, thu hái trong rừng núi |
Cùng với sự hoang sơ, mộc mạc của một phiên chợ quê. Chợ Phố Đoàn còn hấp dẫn du khách bởi hàng hóa bán mua tại đây phần lớn là các sản vật địa phương được người dân tự nuôi trồng, hoặc thu hái, săn bắt trên sông, suối, rừng, núi như: cơm lam, rượu ngô, rau, củ, quả, gà thả đồi, lợn cắp nách, thịt trâu gác bếp, măng rừng, rau rừng, ốc núi, cua đá, hạt dổi, hạt mắc khén, chuột rừng, cá suối, mật ong khoái …
Bên cạnh sản vật địa phương, còn có các mặt hàng khác như thổ cẩm, trang phục của người dân tộc, cuốc, xẻng, cày, bừa, hàng mây tre đan như gùi, địu, nong, nia, dần, sàng, rổ, rá, chõ đồ xôi v.v… Đặc biệt, ngoài mua bán thông thường, ở đây còn có cách mua bán độc đáo, ít có ở các chợ khác.
Đó là trao đổi theo hình thức hàng đổi hàng thay cho mua bằng tiền. Theo cách này, người ta có thể đổi cho nhau các món hàng được cho là cùng giá trị, ví dụ như một chú chó con đổi lấy con gà mái tơ, gùi rau cải đổi lấy can rượu ngô, xâu chuột rừng đổi đôi chim ngói .v.v…
Những đống cây vỏ chay, vỏ mấu, rau rừng bầy bán tại chợ |
Bên cạnh sự phong phú, đa dạng về hàng hóa. Chợ Phố Đoàn còn hấp dẫn du khách bởi các gian hàng ăn uống với đủ loại thức quà dân giã, giá rẻ như bánh nếp, bánh rán, bánh cuốn, ngô nướng, phở trâu tươi, bún bò, cơm lam, thịt nướng … ghé chân nơi này lúc chợ đông, du khách sẽ được hòa mình trong không khí tấp nập, vui tươi của một phiên chợ quê nhiều sắc màu, với những cô gái người dân tộc thiểu số có dáng người chắc nịch, má đỏ hây hây, trang phục váy, áo rực rỡ, đeo vòng cổ, vòng tay sáng choang, những kệ hàng hoa quả đầy ngồn ngộn, những bó rau dớn, nấm sò, những chai mật, tảng sáp ong, những chùm hạt mắc khén, buồng cọ đen … mới lấy từ rừng về. Cùng với đó là tiếng chào hỏi của kẻ bán người mua, tiếng chúc tụng ồn ào của các thực khách nam, ngồi chén chú chén anh bên chai rượu ngô và đĩa lòng lợn ú ụ , giữa làn khói bay nghi ngút, mùi thơm ngào ngạt, tiếng xèo xèo của nồi nước phở, bếp nướng thịt, chảo bánh rán… tất cả toát lên sự hồn nhiên, dân giã, ấm cúng, chân tình của một phiên chợ quê nơi miền rừng xa xôi, nhưng không cách trở bởi sự phát triển của hệ thống giao thông.
|
Do nằm giữa khu du lịch sinh thái mới nổi Pù Luông, cách thắng cảnh thác Hiêu chỉ vài km. Mấy năm trở lại đây, chợ Phố Đoàn thường được khách du lịch, cả tây và ta tìm đến khá đông. Vì thế, chợ càng trở nên đông vui, nhộn nhịp hơn, cùng với đó, thu nhập của người dân, từ các chủ quầy kinh doanh, dịch vụ ăn uống cũng như bà con người dân tộc thiểu số đi bán các sản phẩm của mình cũng tăng hơn trước. Hay cái là tuy khách về đông, hàng hóa phong phú và bán chạy hơn, nhưng bà con nơi đây vẫn giữ được sự chân thành, đôn hậu, mến khách vốn có. Bởi thế, tình trạng thách giá, bán hàng kém chất lượng, hay “mắng” khách không xảy ra tại đây.
Khách có thể thoải mái xem, nếm thử hàng (những thứ ăn được) chụp ảnh, trò truyện chán rồi lượn sang khu khác mà không cần mua gì. Nhưng chủ hàng vẫn tiễn chân bằng nụ cười tươi rói, hớn hở như vừa vớ được món hời.
Khách du lịch "tây" thích thú , tươi cười khi đi chợ |
Do chợ chỉ họp vào buổi sáng, từ mờ sáng đến gần chính ngọ. Nên để kịp đến sớm, có chỗ ngồi thuận tiện, nhiều người ở xa, cách chợ hàng chục km trở lên (như người dân các bản Son- Bá- Mười của xã lũng Cao), thường phải chuẩn bị hàng hóa từ tối hôm trước và dậy đi chợ từ 2, 3 giờ sáng. Đối với du khách, nếu muốn tham gia, trải nghiệm trọn vẹn cả thời gian phiên chợ diễn ra, cần phải đến chợ từ lúc sáng tinh mơ.
Trong cái se lạnh của buổi sáng mùa xuân nơi miền rừng, khi cảnh vật còn chìm trong màn sương sớm. Khắp các nẻo đường dẫn về chợ đã vang lên tiếng bước chân thình thịch, tiếng cười nói lao xao. Thoáng cái, đã xuất hiện hàng đoàn người đủ già trẻ, trai, gái với chiếc gùi nặng trịch trên lưng, hối hả đổ về chợ. Sau khi tìm được vị trí ngồi ưng ý, họ nhanh chóng trải ni lông (hoặc vải bạt) xuống mặt đất, rồi lấy hàng hóa từ trong gùi ra, bầy lên tấm bạt.
Cùng với bà con từ xa đến, những tiểu thương có quầy hàng cố định cũng đang tất bật bầy biện, sắp xếp hàng hóa. Phía bên hông chợ, tại khu hàng ăn uống, không khí cũng bắt đầu rộn rã với những người đàn ông tay dao, tay thớt, thoăn thoắt pha thịt, chặt xương, những người phụ nữ cặm cụi bắc bếp, rửa rau, mổ gà, làm cá chuẩn bị đón các thực khách vào lót dạ …
Thoắt cái, ánh nắng ngày mới đã chan hòa khắp nơi, cả khu chợ đã trở nên đông đúc, tấp nập người mua kẻ bán … sau khi đã xong việc mua bán, mọi người mới thong thả truyện trò, hỏi thăm nhau về sức khỏe, việc làm ăn, rủ nhau vào hàng ăn, khề khà bên chén rượu, đĩa mồi rồi hẹn nhau vào phiên chợ tới. Sôi nổi, nhộn nhịp từ sáng sớm cho đến khi mặt trời gần đứng bóng, chợ vãn dần rồi khép lại trong sự nuối tiếc của khách phương xa.