Chính sách tiền tệ và áp lực từ việc tăng lãi suất của FED

10:30 26/10/2021

Việt Nam đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong xuyên suốt đại dịch Covid-19, với ba công cụ chính.

Đầu tiên là giảm lãi suất điều hành, tác động nhiều nhất tới thị trường là việc giảm trần lãi suất cho vay, huy động, lãi suất thị trường mở. Thứ hai là bơm tiền chủ yếu thông qua kênh mua ngoại tệ. Thứ ba là gia hạn, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Việt Nam đã giảm lãi suất điều hành 1,5-2 điểm phần trăm trong năm 2020, là một trong những nước giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng liên tiếp bơm tiền thông qua kênh mua ngoại tệ.

Đây là kênh bơm tiền đồng chính của NHNN ra thị trường trong những năm qua. Năm nay, NHNN tiếp tục mua vào ngoại tệ và bơm ra thị trường khoảng 140.000 tỉ đồng, làm gia tăng đáng kể thanh khoản hệ thống ngân hàng, góp phần giữ lãi suất liên ngân hàng ở mức rất thấp.

Song hành với những động thái nới lỏng, chính sách tiền tệ vẫn duy trì sự chặt chẽ nhất định, đó là bám sát room tăng trưởng tín dụng đã đặt ra nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng và an toàn cho hệ thống ngân hàng, góp phần ổn định vĩ mô, nhất là trong bối cảnh khả năng hoạt động của nhóm doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ vẫn là dấu hỏi lớn, nguy cơ tiềm ẩn nợ xấu trong tương lai là không nhỏ.

Nhìn chung, xuyên suốt đại dịch và đến thời điểm này, nền tảng vĩ mô vẫn ổn định: tỷ giá rất ổn định và lạm phát ở mức thấp, dự trữ ngoại hối cao là những tiền đề và dư địa lớn cho chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Tháng 9 vừa qua, lạm phát Việt Nam giảm 0,26% so với tháng 8 và bình quân chín tháng đầu năm nay chỉ tăng 1,82% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Còn nhớ năm 2018, Fed liên tục tăng lãi suất và NHNN cũng liên tiếp tăng lãi suất tín phiếu trong cùng giai đoạn, dẫn dắt lãi suất liên ngân hàng tăng theo.

Fed tăng lãi suất trong tương lai như một điều tất yếu và chắc chắn sẽ gây áp lực lên lãi suất điều hành. Song nếu tăng lãi suất là cần thiết để ổn định vĩ mô, thì việc tăng lãi suất là hợp lý, bởi lẽ nền tảng vĩ mô ổn định tạo điều kiện hoạt động tốt nhất cho toàn bộ nền kinh tế. Fed sẽ tăng lãi suất trở lại, vấn đề chỉ ở thời điểm.

Điều quan trọng lúc này có lẽ là việc chúng ta cần kiểm soát dịch bệnh, mở cửa lại nền kinh tế một cách hợp lý nhất để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sớm nhất có thể. Khi đó, các chủ thể tham gia nền kinh tế có thể sẵn sàng chấp nhận một mức lãi suất cao hơn và NHNN cũng tùy nghi điều hành tiền tệ một cách linh hoạt, phù hợp nhất với diễn biến thị trường tài chính quốc tế và điều kiện vĩ mô trong nước.

PV