Chính phủ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”

00:00 12/10/2020

Ngày 28/12, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Đồng chủ trì hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội Nghị. Ảnh: VGP

Tham dự Hội nghị có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Mọi thành quả và khó khăn của năm 2018 sẽ tác động quan trọng đến tinh thần và quyết tâm của năm 2019. Mỗi một thành quả đạt được của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đến nay là kết quả của sự lãnh đạo sâu sắc, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư; sự đồng thuận của Quốc hội, sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, cùng với sự nỗ lực vượt bậc của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Kể từ năm 2008 đến nay, lần đầu tiên trong 10 năm, nền kinh tế Việt Nam không chỉ đạt mà còn vượt mức tăng trưởng 0,38% từ mức 6,7% lên mức 7,08% trong năm 2018. Năm 2017, Việt Nam xuất siêu đạt mức kỷ lục 2,1 tỷ USD thì năm 2018 lên mức trên 7,70 tỷ USD gấp 3 lần. Đặc biệt, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực trong nước đạt 17% cao hơn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 14%... Điều càng có ý nghĩa trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung thì Việt Nam chúng ta có 2 năm “vàng son” liên tiếp về kỷ lục xuất khẩu… Nghị quyết của Trung ương về kinh tế tư nhân đang thực sự đi vào cuộc sống. Chưa có thời điểm nào trước đây chúng ta được chứng kiến sự lớn mạnh cùng với quyết tâm vươn ra biển lớn của khu vực kinh tế tư nhân như 2 năm vừa qua. Đó là chưa kể tới con số trên 130.000 doanh nghiệp mới thành lập và trên 34.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại trong năm 2018…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VGP

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tìm giải pháp mạnh mẽ, khơi thông và huy động mọi nguồn lực trong phát triển; khắc phục nhanh những chậm trễ, sự trì trệ, kém hiệu quả trong xây dựng cơ chế, chính sách và trong tổ chức thực hiện; tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư công ở Trung ương và địa phương; chú ý đến công tác phòng chống thiên tai. Mặt khác, cần tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí đi liền với hoàn thiện thể chế pháp luật, có cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phát hiện và xử lý ngay những quy định sơ hở, mâu thuẫn dễ tiêu cực, quan liêu, xa dân, xử lý dứt điểm tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người vượt cấp kéo dài…Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu thảo luận để đi đến thống nhất đề ra triển khai một chương trình toàn diện phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với phương châm 12 chữ của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”. 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận định, trong năm 2018, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đất nước ta vẫn tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Năm 2018 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có thể nói là toàn diện, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực, để lại những ấn tượng tốt đẹp và cho chúng ta thêm nhiều bài học quý, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của nửa đầu nhiệm kỳ khoá XII, đồng thời tạo đà và động lực mới, khí thế mới cho việc hoàn thành toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2019 và cả 5 năm 2016 - 2020.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP

"Chúng ta tuyệt nhiên không được chủ quan, thoả mãn; không quá say sưa với thành tích, thắng lợi. Bởi vì, đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là về tài chính - tiền tệ và xuất khẩu dưới tác động của chiến tranh thương mại",Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh.

Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, năm 2019 là năm thứ tư - năm chuẩn bị kết thúc của nhiệm kỳ 5 năm; năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vì vậy có ý nghĩa rất quan trọng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên 4 nhóm nhiệm vụ lớn cần tập trung tập trung ưu tiên thực hiện: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô; quan tâm hơn nữa tới phát triển văn hóa, xã hội; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; Làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng…

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương năm 2018, Chính phủ đã nghe và thảo luận về: Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2018; Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 (Nghị quyết 01); Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 01).

Từ ý kiến của các địa phương, cùng với ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước, sau Hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết 01, 02 để triển khai toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2019, mà Đảng, Quốc hội giao.

Báo cáo, kiến nghị của một số địa phương:

Ông Nguyễn Đức Chung- Chủ tịch UBND TP Hà Nội:

Năm 2018, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, chuyển dịch đúng hướng. Vai trò của TP trong việc liên kết, động lực cho phát triển kinh tế vùng và toàn quốc được thể hiện rõ nét. TP hoàn thành 20/20 chỉ tiêu phát triển KT-XH, trong đó 09 chỉ tiêu vượt kế hoạch; Có 03/17 chỉ tiêu hoàn thành trước 02 năm so với Kế hoạch 5 năm 2016-2020… Năm 2019 là năm bứt phá của Kế hoạch 5 năm 2016-2020, TP tiếp tục thực hiện năm chủ đề: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, phấn đấu hoàn thành 22 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH…

Thay mặt lãnh đạo TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu một số nội dung đề xuất, kiến nghị của Hà Nội với Chính phủ: đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc, thiếu đồng bộ trong việc triển khai các dự án đầu tư công, quan trọng quốc gia. Đặc biệt là các dự án ODA, FDI cũng như các dự án đầu tư tư nhân trong nước theo hình thức BOT/BT. Sớm quyết định việc việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án Đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), Số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) để sớm khởi công; Tiếp tục thực hiện dự án cải tạo sông Đáy của Bộ NN&PTNT. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ TP về cơ chế, chính sách cũng như nguồn vốn đầu tư các công trình, dự án lớn về hạ tầng khung, các đường vành đai, trục hướng tâm, giải quyết vấn đề môi trường...

Ông Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh:

Quảng Ninh đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 11 chỉ tiêu chủ yếu. Tăng trưởng kinh tế đạt 11,1%, cao nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 40.500 tỷ đồng. Trong năm, tỉnh đã khánh thành và đưa vào sử dụng cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng; tỉnh chuẩn bị khánh thành chuỗi các công trình trọng điểm như: Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long cùng nhiều công trình trọng điểm khác. Lĩnh vực dịch vụ du lịch Quảng Ninh cũng đạt nhiều kết quả cao. Trong năm, Quảng Ninh thu hút 12,2 triệu lượt khách du lịch; công tác cải cách hành chính tiếp tục được tăng cường. Đặc biệt, Quảng Ninh vinh dự được nhận giải thưởng ASOCIO dành cho chính quyền số xuất sắc.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long kiến nghị với Trung ương 3 vấn đề, đó là: Phân cấp, ủy quyền cho Quảng Ninh được quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư nhóm A thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ nhưng vốn ngân sách địa phương hoặc vốn ngoài ngân sách; Ban Thường vụ, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định. Đồng thời, đề nghị sớm được xem xét, phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại Khu kinh tế Vân Đồn, trong đó có kinh doanh casino.. Đối với những khó khăn của ngành Than hiện nay, đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương trong điều hành liên quan tới sản xuất, tiêu thụ năng lượng than và hoạt động của các nhà máy nhiệt điện cần có chiến lược dài hạn, đảm bảo sự ổn định của ngành Than, cũng như an ninh năng lượng quốc gia.

Ông Huỳnh Đức Thơ- Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng: đã khái quát nét chính về bước phát triển của thành phố trong năm qua, một số định hướng lớn trong thực hiện nhiệm vụ năm 2018, đồng thời nêu ra nhiều kiến nghị giải quyết các vấn đề bức xúc của thành phố, cũng như định hướng cho sự phát triển trong thời gian đến.  Kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ cho phép Đà Nẵng tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) và 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và 2 năm triển khai Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1-11-2016 của Chính phủ về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý nhà nước đối với thành phố Đà Nẵng; qua đó sẽ kiến nghị Trung ương về một số cơ chế chính sách cũng như tháo gỡ để triển khai một số dự án quan trọng trên địa bàn thành phố như: di dời ga đường sắt; xây dựng mới cảng Liên Chiểu dần thay thế cảng Tiên sa; Làng đại học Đà Nẵng; mở rộng hầm đường bộ Hải Vân; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đường cao tốc; dự án đường hành lang kinh tế Đông Tây 2; dự án khơi thông sông Cổ Cò

Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ có chủ trương cho phép thành phố Đà Nẵng triển khai lập Quy hoạch Khu kinh tế ven biển Đà Nẵng và bổ sung Khu kinh tế ven biển Đà Nẵng vào Quy hoạch tổng thể phát triển các Khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020; đồng thời, quan tâm chỉ đạo và ban hành sớm cơ chế ưu đãi đối với Khu Công nghệ cao Đà Nẵng theo tinh thần Thông báo số 363/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ.

Theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, hiện nay, tại thành phố Đà Nẵng còn hàng ngàn hộ dân diện giải tỏa, tái định cư trước đây thu hồi đất được tính đền bù theo bảng giá đất nhà nước, giá thấp nên khi tái định cư được tính theo đất tái định cư giá thấp tương ứng và cho nợ; trong số này, có nhiều hộ dân không trả nợ đúng hạn, đến nay theo qui định là phải trả theo giá sát giá thị trường, gây thiệt thòi cho người dân và họ cũng không có khả năng trả nợ. Vì vậy, UBND thành phố đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Thủ tướng Chỉnh phủ nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Về tình hình giải quyết điều chỉnh quy hoạch trên bán đảo Sơn Trà, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố và các Bộ, ban, ngành đã có báo cáo các điều chỉnh liên quan đến qui hoạch các dự án trên bán đảo Sơn trà cho Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Thủ tướng sớm chỉ đạo xử lý để có kết luận cuối cùng nhằm tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM:

Trải qua 1 năm với nhiều khó khăn, thách thức khi vừa điều hành phát triển kinh tế - xã hội, vừa tập trung thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có những vụ việc kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ.Môi trường đầu tư ảnh hưởng, nhiều dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư - PPP phải chậm lại sau chủ trương tạm dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT theo công văn của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng mạnh mẽ, tình hình kinh tế xã hội của TP tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả mang tính toàn diện và đáng ghi nhận.

Năm 2019 được xác định là thời cơ quan trọng để thi đua nước rút hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020, đồng thời xác định chủ đề của năm là “Năm đột phá CCHC”. TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung triển khai các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu đề ra, trong đó tiếp tục triển khai đề án xây dựng TP. HCM trở thành đô thị thông minh; tập trung quyết liệt giải quyết khiếu nại tố cáo, trọng tâm là giải quyết căn cơ các vụ khiếu kiện, khiếu nại kéo dài…

TP.HCM kiến nghị Chính phủ chấp nhận chủ trương điều chỉnh một số nghị định, thông tư theo hướng phân cấp mạnh cho TP. Cùng với đó, sớm sửa luật Đầu tư công theo hướng phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền cho địa phương, gắn với trách nhiệm liên quan, đồng bộ với các luật liên quan, đơn giản hoá thủ tục đầu tư, xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong hiệu quả các dự án đầu tư công. 

Thu Giang