Chi phí năng lượng tăng cao khiến các công ty điện lực Nhật Bản "khan hiếm" tiền mặt

16:05 18/07/2022

Chi phí mua sắm năng lượng ngày càng gia tăng khiến việc huy động tiền mặt trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Giá nhập khẩu than trung bình đạt khoảng 38.000 yên/tấn vào tháng 5, gần gấp ba lần giá của một năm trước đó.

Tohoku Electric sẽ phát hành trái phiếu để tài trợ cho các biện pháp an toàn cho nhà máy điện hạt nhân Onagawa.

Công ty Điện lực Tohoku sẽ phát hành trái phiếu để cải thiện tính an toàn cho nhà máy điện hạt nhân Onagawa mà công ty đang tìm cách khởi động lại vào tháng 2 năm 2024.

Các công ty điện lực Nhật Bản đang tăng cường gây quỹ khi giá năng lượng tăng cao và đồng yên yếu làm cạn kiệt lượng tiền mặt của họ. Tổng số trái phiếu mà các công ty chào bán trong năm tài chính này tăng 6% lên 1,73 nghìn tỷ yên (tương đương 12,4 tỷ USD). Con số này dựa trên các mục tiêu gây quỹ của 8 công ty điện lực hàng đầu của Nhật Bản. 

Các công ty điện lực đang trở thành những người chơi quan trọng trên thị trường trái phiếu. Theo dữ liệu của Refinitiv và các công ty khác, số nợ do 10 công ty điện lực của Nhật Bản phát hành chiếm 24% tổng số nợ của các công ty Nhật Bản trong quý 2 năm nay, tăng 9% so với năm tài chính 2021.

Trong khi nhiều công ty đang từ bỏ việc gây quỹ thông qua các đợt chào bán trái phiếu vì họ dự báo lãi suất sẽ cao hơn trong tương lai, thì các công ty điện lực vốn đang thiếu tiền mặt, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dựa việc chào bán trái phiếu. 

Tohoku Electric Power, công ty điện lực phục vụ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở phía Bắc Nhật Bản, có kế hoạch phát hành khoản trái phiếu với con số kỷ lục 280 tỷ yên, với một phần số tiền thu được sẽ giúp cải thiện tính an toàn cho nhà máy điện hạt nhân Onagawa mà công ty đang tìm cách khởi động lại vào tháng 2 năm 2024.

Tepco Power Grid, một đơn vị của Tokyo Electric Power sẽ huy động 360 tỷ yên - nhiều hơn 60% so với số tiền dự kiến ​​đáo hạn vào năm tài chính 2022. Công ty điện lực Kansai có kế hoạch phát hành tới 400 tỷ yên.

Công ty Điện lực Shikoku sẽ phát hành 125 tỷ yên trái phiếu, lập kỷ lục mới lần đầu tiên sau 15 năm. Một người phụ trách dịch vụ trái phiếu cho biết: “Nếu dòng tiền của chúng tôi xấu đi hơn nữa, chúng tôi có thể tăng số lượng này".

Công ty Điện lực Hokuriku Electric, cung cấp dịch vụ tại miền trung bắc Nhật Bản, đang tìm cách huy động 200 tỷ yên - gấp hơn hai lần kỷ lục trước đó. 

Chi phí mua sắm năng lượng ngày càng gia tăng khiến việc huy động tiền mặt trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Giá nhập khẩu than trung bình đạt khoảng 38.000 yên/tấn vào tháng 5, gần gấp ba lần giá của một năm trước đó. Tương tự, giá nhập khẩu khí nhiên liệu hóa lỏng đang tăng gấp đôi.

Chi phí cao đang đè nặng lên thu nhập của các công ty. Tohoku Electric đã công bố khoản lỗ 108,3 tỷ yên cho năm tài chính 2021 kết thúc vào tháng 3 năm nay, mức lỗ lớn nhất kể từ trận động đất và sóng thần tháng 3 năm 2011 ở Nhật Bản dẫn đến khoản lỗ 231,9 tỷ yên trong năm tài chính 2011.

Công ty Điện lực Chubu và Shikoku đều báo cáo lỗ. Năm tài chính này, Công ty Điện lực Kansai dự kiến ​​sẽ báo cáo khoản lỗ ròng 75 tỷ yên, đây là lỗ đầu tiên trong 8 năm.

Nợ phải trả lãi của 8 công ty đạt 18,43 nghìn tỷ yên vào cuối tháng 3 năm 2022, cao nhất trong 7 năm. Việc cung cấp trái phiếu sẽ làm tăng chi phí trả nợ của họ hơn nữa. Các công ty có thể tăng cường kêu gọi khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân để đảm bảo nguồn điện thay thế.

Nhu cầu của nhà đầu tư đối với trái phiếu vẫn còn yếu, khiến triển vọng huy động vốn của các công ty không chắc chắn.

Lãi suất tăng đang khiến các nhà đầu tư lo lắng về việc gánh chịu các khoản lỗ trên giấy tờ. Công ty Điện lực Chugoku đã huy động được 14,6 tỷ yên thông qua đợt chào bán trái phiếu kỳ hạn 3 năm, thấp hơn rất nhiều so với con số 30 tỷ được đề ra.

Lyly