Trăn trở tìm đầu ra cho thanh long Việt

Mảnh đất Bình Thuận đầy nắng và gió, nơi có vựa thanh long lớn nhất cả nước được dòng sông Cà Ty bốn mùa tưới tắm chính là nguồn cảm hứng để doanh nhân Lê Quang Huy tạo nên thương hiệu Caty của Công ty TNHH Caty Food.

Là Phó Chủ nhiệm Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, hơn ai hết, doanh nhân Lê Quang Huy hiểu rõ nỗi vất vả của người trồng thanh long. Trái thanh long tuy có màu sắc và hương vị hấp dẫn, giàu chất dinh dưỡng nhưng vỏ lại mềm, mọng nước, rất khó bảo quản trong thời gian dài, vận chuyển xa dễ ảnh hưởng tới chất lượng. Bởi vậy thời gian qua, việc xuất khẩu trái thanh long rất khó khăn, nhất là khi thị trường Trung Quốc bấp bênh, giá cả thất thường.

Mang niềm trăn trở tìm đầu ra ổn định cho người nông dân trồng thanh long, doanh nhân Lê Quang Huy cũng như Ban Chủ nhiệm Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận đã có nhiều biện pháp kỹ thuật để chế biến sâu cho sản phẩm thanh long, tăng cường khả năng tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Có thể kể tới một số sản phẩm đã đưa ra thị trường như: Nước ngọt thanh long, thanh long sấy giòn, sấy dẻo... Tuy nhiên theo ông Huy, các sản phẩm này chưa thực sự được người tiêu dùng tiếp cận sâu rộng.

“Trên cơ sở mở rộng thêm sản phẩm chế biến sâu từ thanh long, chúng tôi thấy rằng mì ăn liền đang được người tiêu dùng sử dụng nhiều nhất cả ở thị trường nước ngoài. Hơn thế, sản phẩm mì ăn liền tiện dụng, tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng. Để đưa thành phần trái thanh long vào mì rất khó, may mắn của chúng tôi là thời gian qua đã kết nối được Hiệp hội Thanh long với Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh. Sau 2 năm nghiên cứu, chúng tôi đã đưa được thành phần trái thanh long vào sợi mì ăn liền truyền thống.” – ông Huy chia sẻ.

Doanh nhân Lê Quang Huy - “cha đẻ” mì ăn liền có thành phần thanh long cho biết, khó khăn nhất khi tạo nên sản phẩm này là mì và trái cây là 2 nguyên liệu với kết cấu hoàn toàn khác biệt. Nếu ngay từ đầu trộn lẫn vào sẽ gây khó khăn cho quá trình chế biến tiếp theo. Bởi trái cây không cần xào nấu đã chín, còn bột phải qua chế biến. Nếu dùng công nghệ cũ, sự kết hợp sẽ bị bẻ gãy, tách rời trong khi làm chín.

“Chúng tôi cùng đội ngũ giáo sư trong Trường đã phải nghiên cứu, thử nghiệm nhiều lần. Cuối cùng tách ra nhiều giai đoạn để tiến hành dùng công nghệ Nano đưa trái thanh long vào sợi mì để giữ nguyên dinh dưỡng ưu thế của thanh long vào sản phẩm. Từ đó cho ra quy trình sản phẩm mới cho ra đời mì ăn liền có thành phần thanh long.” – ông Huy hào hứng kể lại.

Mì ăn liền có thành phần thanh long là sản phẩm của khoa học – công nghệ, đã được Hội đồng khoa học – công nghệ của Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Bình Thuận cùng Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh thẩm định, cấp chứng chỉ.

Mì ăn liền có thành phần thanh long là thành công đáng tự hào của cả doanh nhân Lê Quang Huy và Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận. Bởi sản phẩm này không chỉ giải quyết đầu ra cho trái thanh long mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm mì ăn liền. Là người trực tiếp nghiên cứu, tạo nên loại mì độc đáo này, doanh nhân Lê Quang Huy cho biết: Các loại mì truyền thống thường nhiều tinh bột, ăn thường xuyên dễ gây nóng trong người, giảm khẩu vị. Trong khi đó trái thanh long lại có tính mát, tốt cho tiêu hóa, chống oxy hóa, đẹp da,.... Chính vì thế, mì ăn liền có thành phần thanh long vừa giảm lượng tinh bột, vừa mang đến nguồn dinh dưỡng mà chưa loại mì truyền thống nào có được. Người tiêu dùng không còn lo ngại khi thưởng thức món mì ăn liền yêu thích, đây cũng là động lực để ông cùng cộng sự quyết tâm làm nên sản phẩm này.

 

Ảnh minh họa

Thương hiệu đến từ niềm tự hào dân tộc

Nói về thương hiệu Caty, Doanh nhân Lê Quang Huy cho biết ngay từ khi ra đời Caty đã nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. “Thương hiệu Caty của chúng tôi được đón nhận có lẽ phần vì cái tên lấy từ tên dòng sông Cà Ty, mang theo tình cảm và sự trân trọng của chúng tôi với mảnh đất, con người Bình Thuận hiền hòa, đôn hậu. Tôi cũng rất vui khi cái tên “C-A-T-Y” được người tiêu dùng thương mến dịch thành “chờ - anh – thương – yêu, cho – anh – tình – yêu”. – doanh nhân Lê Quang Huy chia sẻ trong niềm tự hào. Ông đã đặt cái tên này cho thương hiệu của mình với mong muốn đặt dấu ấn địa phương lên sản phẩm để người tiêu dùng biết tới nguồn gốc, tới sự phong phú của nông sản Việt.

Ảnh minh họa

Chia sẻ với chúng tôi về kỳ vọng đối với mì ăn liền có thành phần thanh long Caty, Doanh nhân Lê Quang Huy cho biết, điều đầu tiên ông mong muốn chính là đưa sản phẩm chất lượng cao tới người tiêu dùng. Bởi thành phần trái cây thanh long trong sợi mì sẽ khiến lượng tinh bột giảm đi, bổ sung thêm nhiều loại vitamin khác.

Công ty TNHH Caty Food sẽ đăng ký bản quyền thương hiệu Caty, độc quyền sản xuất các sản phẩm mì ăn liền có thành phần trái thanh long theo công nghệ Nano.

“Với chúng tôi đó là niềm tự hào của người Việt. Sắp tới chúng tôi khát khao, thời gian tới sẽ đưa sản phẩm mì ăn liền có thành phần trái thanh long tới tay người tiêu dùng nước ngoài. Từ đó tạo nên cơ hội tốt cho trái thanh long để người nông dân yên tâm ổn định sản xuất.” – Doanh nhân Lê Quang Huy trải lòng.

Được biết tới nay nhiều Kiều bào Việt Nam đã tiếp cận với sản phẩm mì ăn liền có thành phần thanh long và họ rất vui mừng khi nước ta có thể làm ra những sản phẩm khác biệt về chất lượng, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, tình cảm người sản xuất với người trồng, đặc biệt là tính nhân văn của sản phẩm.

CEO Lê Quang Huy sẽ tiếp tục đưa thương hiệu Caty cùng trái thanh long Việt vươn tầm quốc tế
Doanh nhân Lê Quang Huy sẽ tiếp tục đưa thương hiệu Caty cùng trái thanh long Việt vươn tầm quốc tế.

Nắm bắt nhu cầu thị trường, Công ty TNHH Caty Food đã đưa trái thanh long tới người tiêu dùng ở nhiều sản phẩm như thanh long sấy giòn, sấy dẻo, nước ép,… từ đó nhận được đơn đặt hàng từ Mỹ, Nhật. Được biết thời gian tới, Caty Food sẽ tiếp tục hợp tác với Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh để tạo nên quy trình sản xuất rượu vang thanh long, bia thanh long và nước ép thanh long lên men.

Doanh nhân Lê Quang Huy cho biết, hiện đã hoàn tất thí nghiệm và sẽ công bố quy trình sản xuất các sản phẩm này trong tương lai gần. Với sự độc đáo và hương vị hấp dẫn, hi vọng rằng người tiêu dùng sẽ đón nhận những sản phẩm mới mang thương hiệu Caty.

Trong khi các doanh nghiệp thực phẩm ngoại đang chiếm thị phần ngày càng lớn, tôi tin chắc rằng một thương hiệu được tạo nên từ tình yêu, niềm tự hào với nông sản Việt như Caty của doanh nhân Lê Quang Huy sẽ luôn có chỗ đứng vững vàng. Bởi thương hiệu được đón nhận và thành công không chỉ ở chất lượng mà còn là tính nhân văn, là tâm huyết trong từng sản phẩm.

Vân Nguyễn - Đỗ Hiếu