Câu chuyện của “startup con nhà nghèo” Nguyễn Hà Minh Thông

08:53 03/08/2021

Chứng kiến cậu em trai chật vật trong việc tìm gia sư, thương mẹ đưa đón em đi học vất vả, Nguyễn Hà Minh Thông nhen nhóm ý tưởng làm ứng dụng tìm gia sư từ năm 2016 khi cậu còn là sinh viên năm cuối của Đại học Công nghiệp TP.HCM...

Nguyễn Hà Minh Thông sinh ra ở Bình Định, nhưng từ năm 7 tuổi, Thông đã theo ba mẹ vào TP.HCM lập nghiệp. Thời gian đầu vào TP.HCM, do còn nhiều khó khăn, gia đình Thông ở cùng ông bà ngoại. Cậu của Thông là người làm kinh doanh, còn ông ngoại thì hay xem thời sự về kinh tế. Được tiếp xúc và nghe nhiều về kinh tế, nên Thông nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh từ nhỏ. 

Nguyễn Hà Minh Thông, CEO và founder của CTCP Social Revolution. Ảnh: Shark tank Việt Nam
Nguyễn Hà Minh Thông, CEO và founder của CTCP Social Revolution. Ảnh: Shark tank Việt Nam.

Đến khi ngồi trên ghế giảng đường đại học, Thông đầu quân vào các doanh nghiệp để làm việc, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Chàng trai sinh năm 1995 rất tự tin, vì quá trình công tác đó không chỉ giúp anh có nhiều kinh nghiệm, học được cách đối nhân xử thế, mà còn tạo dựng được nhiều mối quan hệ.

Sau khi ba mất, khát khao làm được điều gì đó tạo ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng càng thôi thúc, khiến Thông mong muốn khởi nghiệp hơn. Thấy mẹ hàng ngày phải đưa đón em trai đi học một số lĩnh vực phụ đạo trên quãng đường dài vất vả, Thông tự hỏi: “Tại sao không thực hiện việc kết nối gia sư và người học như mô hình Grab?”.

Chia sẻ suy nghĩ này với người anh họ là Hà Minh Khoa, một lập trình viên đã có 10 năm kinh nghiệm, Thông nhận được sự đồng cảm. Từ đó, đều đặn mỗi sáng, hai anh em vẫn đi làm, nhưng tối đến, lại cùng nhau “tạo hình” Edubox - nền tảng ứng dụng công nghệ để kết nối học viên và giáo viên/gia sư nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí so với cách kết nối truyền thống qua trung tâm gia sư.

Edubox - ứng dụng tìm gia sư ra đời

Suốt hai năm sau khi ra trường, chứng kiến việc nhiều sinh viên lãng phí khả năng của mình bằng việc chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập, chàng trai 9x quyết tâm hiện thực hóa ý tưởng. Kết quả là Edubox - ứng dụng tìm gia sư, ra đời vào tháng 5/2019 với sự đồng hành của người anh họ là Hà Minh Khoa – một lập trình viên có kinh nghiệm.

Nguyễn Hà Minh Thông cho biết, thông thường để tìm kiếm gia sư, các bậc phụ huynh thường tìm đến các trung tâm môi giới. Việc này mất thời gian, chi phí cao, trong khi lại không có được đánh giá chính xác về năng lực của gia sư mình sẽ chọn. Còn các bạn sinh viên lại khó khăn trong tìm kiếm việc làm đúng với sở trường, nơi ở, thời gian của mình. 

Thông cho biết, so với hình thức trung tâm gia sư truyền thống, Edubox mang lại cho phụ huynh nhiều sự tiện lợi và lựa chọn hơn. Phụ huynh chỉ cần đăng tải nhu cầu tìm gia sư của mình lên ứng dụng, sau đó các gia sư thấy phù hợp sẽ ứng tuyển. Phụ huynh sẽ đọc hồ sơ của các gia sư và lựa chọn người phù hợp với con mình nhất. Ngoài ra, phụ huynh hoàn toàn có thể thay đổi gia sư sau 1 - 2 buổi học đầu tiên nếu cảm thấy gia sư không phù hợp hoặc không đáp ứng được yêu cầu. Điểm đặc biệt nhất của ứng dụng này so với cách tìm gia sư truyền thống là hai bên có thể thương lượng với nhau về mức học phí… 

Shark Linh quyết định đầu tư cho Edubox. Nguồn: Internet
Shark Linh quyết định đầu tư cho Edubox. Nguồn: Internet.

Mặt khác, gia sư tham gia ứng dụng này không những không phải đóng tiền cọc như ở mô hình tìm gia sư truyền thống mà còn có cơ hội kết nối trực tiếp với hàng nghìn học viên. Họ cũng có thể dễ dàng lựa chọn những lớp học phù hợp với thời gian, địa điểm và chuyên môn một cách dễ dàng. “Gia sư khi đăng ký vào hệ thống cần cung cấp đủ các văn bằng, chứng chỉ và chỉ xét những người có kết quả tốt nghiệp loại khá trở lên. Trong tương lai nếu nhận được vốn đầu tư, tôi sẽ mở khóa đào tạo, sát hạch gia sư trước khi ứng tuyển” – chàng trai trẻ cho hay.

Hiện tại, ứng dụng Edubox thu 20% học phí tháng đầu tiên của gia sư, còn phía phụ huynh không mất chi phí. Nếu người dạy bị đánh giá không tốt thì sẽ hạ điểm tín nhiệm và phải trả mức phí cao hơn cho Edubox mỗi lần nhận lớp.

Tuy nhiên, đi liền với cơ hội luôn là thách thức. Việc nền tảng Edubox ra đời cũng sẽ là tiền đề để ra đời các nền tảng tương tự. Do đó, tính cạnh tranh trên thị trường ngày càng cao. “Tôi mong muốn phát triển Edubox thành một trang mạng giáo dục, nâng cao khả năng tự học của mỗi học sinh, phục vụ nhu cầu học tập trực tuyến” – Thông chia sẻ.

Để hướng tới mục tiêu này, mới đây Công ty của Thông đã nâng cấp ứng dụng lên một phiên bản mới, đó là tính năng tìm và tạo lớp học trực tuyến. Với tính năng này, học sinh ở các tỉnh, thành trên khắp cả nước đều có cơ hội được theo học những giáo viên, gia sư giỏi.

Hiện Công ty cũng đang đưa trí tuệ nhân tạo vào ứng dụng của mình để trả lời tự động các câu hỏi về bài tập của học sinh. Edubox hiện có khoảng 14.000 người dùng, trong đó có 10.000 gia sư, 4.000 phụ huynh. Trong hơn một năm từ khi ra mắt, ứng dụng đã kết nối thành công 700 – 800 lớp học. Ý tưởng này cũng lọt top 5 dự án khởi nghiệp sáng tạo được yêu thích nhất tại Whise 2019.

Tự nhận là “startup con nhà nghèo”, Thông chia sẻ rằng những câu chuyện như vậy cũng khiến đội ngũ sáng lập ấm lòng hơn. “Lỡ dự án của mình có thất bại thì ít ra mình cũng làm được gì đó đóng góp cho xã hội, cũng có những kỷ niệm đẹp với nó”. 

Mới đây,  ông Nguyễn Hà Minh Thông đã đến chương trình Shark Tank Việt Nam để kêu gọi khoản đầu tư 4 tỷ đồng cho 25% cổ phần. Sau thời gian suy nghĩ, ông Thông cùng Edubox quyết định lựa chọn deal 4 tỷ đồng cho 40% cổ phần của Shark Linh, kết thúc cuộc gọi vốn thành công.

TH