Cao tốc chỉ thu phí không dừng từ 1/8, lái xe ô tô cần lưu ý những gì để không bị phạt?

21:45 31/07/2022

Từ ngày 1/8/2022, Bộ Giao thông vận tải triển khai thu phí hoàn toàn tự động đối với tất cả tuyến cao tốc. Dưới đây là những điều các chủ phương tiện cần phải lưu ý khi có ý định lưu thông vào các cao tốc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Sau 1/8, ô tô chưa dán thẻ thu phí ETC có được đi vào cao tốc không?

Theo quy trình vận hành, hợp tác giữa VEC với các đơn vị cung cấp dịch vụ hiện vẫn đang tổ chức cung cấp dịch vụ dán thẻ tích hợp tài khoản tại tất cả các lối dẫn vào đường cao tốc.

Như vậy các phương tiện trước khi vào đường cao tốc đều được hỗ trợ ngay trong giai đoạn này cũng như giai đoạn khai thác sau ngày 1-8, duy trì lực lượng đó 24/24 giờ.

Song phải lưu ý rằng sau ngày 1-8, các phương tiện chưa dán thẻ vẫn cố tình lưu thông qua cao tốc có thể sẽ bị xử lý theo quy định.

Mức phạt nếu cố tình vi phạm

Điểm b Khoản 3 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Điểm c Khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, quy định phạt tiền 1.000.000 - 2.000.000 đồng với lái xe ô tô điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí.

Đó là các xe không gắn thẻ đầu cuối hoặc có gắn thẻ đầu cuối nhưng số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi đi qua làn thu phí điện tử tự động không dừng.

Theo Điểm c khoản 4 và Điểm b khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, nếu xe không dán thẻ ETC mà cố tình đi vào cao tốc, người điều khiển ôtô sẽ bị phạt từ sẽ bị phạt 2.000.000 - 3.000.000 đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

Ngoài ra, nếu xe có dán thẻ thu phí tự động nhưng số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để trả phí khi qua làn ETC mà vẫn cố tình đi vào, người điều khiển ôtô sẽ bị phạt từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

Để dán thẻ, chủ phương tiện cần mang giấy tờ gì?

Chủ phương tiền cần mang theo giấy tờ đăng ký xe, đăng kiểm, chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân khi dán thẻ.

Ngoài việc dán trực tiếp tại các trung tâm, đại lý, trước trạm thu phí, chủ phương tiền cũng có thể đăng ký online và nhân viên của nhà cung cấp sẽ đến tận nhà dán thẻ.

Kiểm tra tài khoản trước khi vào cao tốc

Khi đã dán thẻ, muốn qua trạm tài khoản thẻ phải có đủ tiền cho chặng đi. Do đó, chủ phương tiện cần kiểm tra tài khoản qua app của nhà cung cấp để đảm bảo số tiền hoặc nạp thêm tiền nếu cần thiết.

Đối với thẻ ePass, chủ phương tiện có thể kết nối với ví điện tử Viettel Pay, Viettel Money để lưu thông qua trạm.

Tại sao lại xuất hiện tài khoản "ảo"

Thời gian qua một số chủ xe có tài khoản phản ánh về việc đi dán thẻ ETC nhưng phát hiện đã được đăng ký tài khoản "ảo".

Nguyên nhân là do trước khi dán thẻ chủ phương tiện cho mượn/thuê xe, người lái xe đi qua các tuyến và đăng ký dịch vụ bằng thông tin, số điện thoại của người lái mà chủ phương tiện không nắm được, hoặc phương tiện đã đăng ký dịch vụ bởi chủ cũ rồi chuyển nhượng sang chủ mới mà chưa thay đổi biển số, không còn thẻ trên xe,…

Đại diện Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC) cho biết, để giải quyết vấn đề, VDTC đã tổ chức lực lượng hỗ trợ trực tiếp tại 21 trạm thu phí do ePass vận hành, 6 tuyến cao tốc chuẩn bị thu phí thuần ETC từ ngày 1/8 tới.

Ngoài ra, VDTC sẽ nghiên cứu triển khai các nghiệp vụ chuyển đổi chủ quyền, hủy dịch vụ tại hệ thống cửa hàng giao dịch với hơn 1.100 điểm giao dịch. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ phương tiện có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ.

Kiến nghị đăng ký/hủy tài khoản online

Một số khách hàng phản ánh như xe đã dán thẻ, tài khoản đủ tiền nhưng không qua được trạm; xe đủ điều kiện đi vào làn ETC nhưng phải dừng chờ xe phía trước do lỗi của hệ thống (mất kết nối, lỗi đồng bộ…).

Về nội dung này, đại diện VDTC cho hay đã nhiều lần kiến nghị xây dựng bộ chỉ tiêu áp dụng chung thống nhất về vận hành hệ thống giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT để có thể giám sát được chất lượng dịch vụ.

Việc này cần được đẩy nhanh nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng, nâng cao trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT.

Để đảm bảo quyền lợi của khách hàng trong việc chủ động lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, thuận lợi, cơ quan nhà nước cần quy định, cho phép việc áp dụng đăng ký/hủy dịch vụ online.

Trước đó, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu cần có giải pháp để chủ phương tiện thuận lợi hủy hoặc thay thế thẻ dịch vụ (e-Tag hoặc ePass) đã dán thông qua việc tăng cường các điểm dịch vụ, hoặc thực hiện online qua hệ thống Internet...

PV(t/h)