Cần tiêm vaccine cho nền kinh tế

21:42 01/08/2021

Nền kinh tế cũng cần được tiêm vaccine, mà vaccine ở đây không gì khác là chính sách, biện pháp nhất quán từ Trung ương đến địa phương nhằm động viên, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện dịch bệnh.

Cần  vaccine cho nền kinh tế
Cần vaccine cho nền kinh tế. 

Doanh nghiệp là thành phần duy trì và tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, trong mọi tình huống, luôn cần cân nhắc đến việc đảm bảo duy trì hoạt động của doanh nghiệp.

Nói cách khác, các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất, cơ sở dịch vụ cũng cần được bảo vệ, thông qua những biện pháp làm giảm thiểu tác động, thiệt hại từ các thử thách, trong trường hợp này là các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Trong khi đó, diễn biến dịch bệnh những tháng qua ở các tỉnh phía Nam cho thấy tính chất của đợt dịch này khác với những lần trước. Với biến chủng Delta, cơ chế lây truyền của virus dường như cũng khác. Không phải là sự lây truyền thông qua giọt bắn như SARS-CoV-2 đời đầu mà dường như loại virus này có thể tồn tại lơ lửng trong không khí và do vậy phát tán xa hơn, rộng hơn. Điều đó cũng có nghĩa là việc giữ khoảng cách 2 mét là chưa đủ để an toàn, và rất nhiều người nhiễm sẽ không rõ nguồn lây vì truy vết không hề thấy tiếp xúc với F0 hay cả F1. Điều này cũng phù hợp với thực tế dịch tễ tại các tỉnh phía Nam thời gian qua khi số ca nhiễm không rõ nguồn lây ngày càng nhiều.

Tại cuộc họp của Chính phủ với các địa phương sáng 30/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc nhở ngay cả sau khi tiêm vaccine chúng ta cũng không được chủ quan. Tiêm vaccine không có nghĩa là sẽ miễn nhiễm với virus, mà người được tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm, nhưng vaccine chỉ giúp giảm nhẹ triệu chứng và giảm tỷ lệ tử vong. Người được tiêm vaccine khi nhiễm virus vẫn có thể là nguồn lây nhiễm cho người khác, nếu người bị lây thuộc nhóm nguy cơ cao (lớn tuổi, có bệnh nền) và chưa tiêm vaccine thì khả năng người đó trở bệnh nặng vẫn rất lớn. Thực tế cho thấy, ngay cả Anh là một nước đi đầu trong tiêm vaccine, nhưng vừa qua vẫn có những ngày số ca nhiễm tăng kỷ lục đến hơn 50 nghìn ca một ngày.

Một chủ doanh nghiệp tại Bình Dương lo lắng: Số ca nhiễm ở Bình Dương có ngày xấp xỉ như Thành phố Hồ Chí Minh trong khi dân số thì ít, như vậy xét trên mật độ dân số thì tỷ lệ nhiễm bệnh ở Bình Dương đã rất cao. Trong khi đó, tỉnh này có rất nhiều khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất và trung tâm logistics. Nếu dịch cứ diễn biến thế này thì chắc chắn vị thế xuất khẩu đứng thứ 3 cả nước của Bình Dương sẽ không thể giữ được.

Khi các tỉnh phía Nam đưa ra yêu cầu "3 tại chỗ", phần lớn doanh nghiệp không đáp ứng được đều phải đóng cửa. Một số ít đáp ứng được thì bây giờ lại đứng trước nguy cơ trở thành ổ dịch, khiến các doanh nghiệp khác đang áp dụng "3 tại chỗ" nhìn vào đó cũng phải đóng cửa nốt.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong chuyến đi thực tế vừa qua cũng nhận định dịch đang thâm nhập rất rộng và sâu ở các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và thời gian dập dịch phải tính bằng tháng.

Điều này cho thấy tính chất phức tạp cuộc chiến chống Covid-19 lần này và khả năng bước ra khỏi cuộc chiến này không thể nhanh chóng như những đợt dịch trước.

Nếu dịch còn kéo dài mà toàn bộ hoạt động sản xuất cứ bị đình trệ như thế này thì hậu quả cho nền kinh tế và xã hội rất nghiêm trọng. Nên phải tìm ra cách chung sống với dịch, sản xuất ngay cả khi có dịch! Đó cũng là lời khẩn cầu của vị giám đốc ở Bình Dương nói trên.

PV

Tags: