Cần Thơ: Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với sự phát triển của các doanh nghiệp du lịch

13:24 10/07/2022

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những cơ hội để phát triển cho mọi lĩnh vực kinh tế và xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng. Để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp du lịch ở Thành phố Cần Thơ cần có sự thay đổi, chủ động và những hướng phát triển cụ thể.

Ảnh minh họa

Du lịch được gọi là ngành “công nghiệp không khói”, không chỉ mang lại nguồn doanh thu to lớn cho các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác. Trong đó, thành phố Cần Thơ - vùng đất mới giàu tiềm năng du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có các tiến triển vượt bậc và đạt được các thành tựu đáng kể về du lịch.

Trong giai đoạn 2010 - 2019, tổng doanh thu du lịch Việt Nam đã tăng đáng kể từ 96 nghìn tỷ đồng (năm 2010) đến 755 nghìn tỷ đồng (năm 2019) (Tổng cục Du lịch, 2022). Việt Nam đã thu hút hơn 18 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 85 triệu lượt khách du lịch nội địa (trong đó có 43.5 triệu lượt khách lưu trú). Tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 726 nghìn tỷ đồng, tăng 17.1% so với cùng kỳ năm 2018 (Tổng cục thống kê, 2020).

Cụ thể, lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đến Thành phố Cần Thơ không ngừng tăng cao. Năm 2010 Cần Thơ đã đón được 880.252 lượt khách lưu trú, trong đó khách trong nước là 716.417 lượt khách và khách quốc tế là 163.835 lượt khách. Đến năm 2019 có đến 8.869.065 lượt khách đến tham quan du lịch, trong đó, số khách quốc tế lưu trú đạt 409.023 lượt khách, khách nội địa lưu trú đạt 2.597.692 lượt khách.

Ảnh minh họa

Chưa dừng lại ở đó, sau đại dịch Covid-19, thành phố Cần Thơ đã đề ra các mục tiêu phấn đấu cao hơn cho ngành du lịch. Để đạt được các mục tiêu đó, du lịch Cần Thơ cần có các những cải thiện đáng kể trong chuỗi cung ứng địa điểm lưu trú, chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực, mong muốn của khách du lịch... Hiện nay, việc ứng dụng các thành tựu 4.0 vào ngành du lịch là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm đáp ứng kịp thời các phương diện cho ngành du lịch. Các doanh nghiệp du lịch và công ty lữ hành đang phải đối diện với nhiều thách thức và cơ hội ảnh hưởng từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, mục tiêu nghiên cứu này là tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn và đề xuất một số giải pháp để cho các doanh nghiệp du lịch Thành phố Cần Thơ phát triển bền vững trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với các doanh nghiệp du lịch Cần Thơ

Với tác động của dịch Covid- 19, ngành du lịch tại Thành phố Cần Thơ đã chịu nhiều ảnh hưởng đáng kể. Để phục hồi và phát triển ngành du lịch tỉnh, Thành phố Cần Thơ đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá và xúc tiến du lịch. Cách mạng công nghiệp 4.0 phần lớn mang đến những lợi ích cho mọi hoạt động trong doanh nghiệp, từ khâu quản lý, điều hành đến kinh doanh và phát triển.

Ngoài ra, công nghiệp 4.0 hỗ trợ các doanh nghiệp giảm bớt các chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng và phát triển bền vững. Việc phát triển Internet kết nối vạn vật, kết nối con người, xóa nhòa mọi khoảng cách địa lý. Chỉ cần có kết nối Internet là mọi người có thể dễ dàng truy cập và tìm hiểu tất cả những địa điểm du lịch nổi bật của Cần Thơ, các dịch vụ du lịch được cung ứng nhanh chóng và linh hoạt hơn, thông tin và dữ liệu được cập nhật liên tục và rộng rãi. 

Ảnh minh họa

Các doanh nghiệp du lịch Cần Thơ dễ dàng kết nối tour, tuyến điểm, tăng lượng khách và tăng hiệu suất kinh doanh du lịch, biến du lịch trở thành một ngành công nghiệp có guồng máy hoạt động không ngừng nghỉ, chạy hết công suất. Đây chính là cú hích quan trọng làm nảy sinh nhu cầu đi du lịch ở mọi người dân, là cơ hội vàng để mở rộng thị trường du lịch.

Bên cạnh đó, với cách mạng 4.0 đã phủ sóng toàn cầu, việc sử dụng các ứng dụng liên lạc như Facebook, Viber hay Zalo... cho phép tương tác gần như tức thì. Điều này cho phép du khách có thể giữ được liên lạc thường xuyên với gia đình, người thân, giải quyết công việc hoặc lưu lại các khoảnh khắc đáng nhớ của chuyến du lịch đến Thành phố Cần Thơ. 

Ảnh minh họa

Với việc ra đời của công nghệ thực tế ảo, các doanh nghiệp du lịch Cần Thơ cũng sẽ có cơ hội quảng bá sâu rộng hơn những điểm đến du lịch. Công nghệ thực tế ảo được tích hợp hình ảnh 360 độ và âm thanh sinh động sẽ giúp khách hàng có những trải nghiệm tại chỗ vô cùng mới lạ. Nhờ vào CMCN 4.0, việc sử dụng hình ảnh, các thước phim 3D, 4D tái dựng lại các sự kiện, di tích lịch sử, văn hóa, các di sản thiên nhiên và đưa lên các internet hoặc trình chiếu tại các điểm du lịch sẽ giúp cho tất cả mọi người trên khắp thế giới (trong đó có các du khách) dễ dàng khám phá, hiểu hơn, yêu hơn và thích thú tìm hiểu tài nguyên du lịch của mỗi địa phương, mỗi quốc gia.

Trước kia, để quảng bá, phát triển điểm đến du lịch tại Thành phố Cần Thơ thì các doanh nghiệp phải quảng cáo trên truyền hình, báo giấy, tờ rơi, tập gấp, bản đồ, giới thiệu các tour và giá mỗi tour du lịch. Điều này là làm tiêu tốn nhiều thời gian và một khoản kinh phí khá lớn nhưng trái lại, nó chưa mang lại hiệu quả tốt nhất. Hiện nay thông qua ứng dụng các Website thông minh (như Web30s, Smart Live Chart, Smart Marketing Tool) và tổng đài ảo (tất cả các phần mềm này đều chạy trên môi trường điện toán đám mây). Chính nhờ mua và bán hàng qua mạng nên các doanh nghiệp du lịch Cần Thơ có thể liên kết, cùng hợp tác, chia sẻ khó khăn và lợi nhuận, bán hàng cho số lượng khách đông, chi phí và thời gian ít nên họ có thể ổn định giá, giảm giá, thậm chí giảm giá cực sốc các dịch vụ du lịch.

Nếu lúc trước, các công ty phải chật vật để xin các ý kiến phản hồi của khách du lịch thì bây giờ, mọi thứ đều được thực hiện trực tuyến trên Internet. Khách du lịch hoàn toàn có thể tự check in, check out, thanh toán tự động, phản hồi trực tuyến về chuyến du lịch trên Internet. Mọi vấn đề sẽ được tiếp nhận và xử lý trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian tối đa cho cả doanh nghiệp và khách hàng.

Công nghiệp 4.0 không chỉ làm giảm giá thành mà còn làm tăng chất lượng các dịch vụ du lịch của các doanh nghiệp tại Cần Thơ. Chỉ với một cú kích chuột hay thao tác quét mã đơn giản trên ứng dụng di động, người dùng có thể chủ động thiết kế tour cho chính mình hoặc dễ dàng kết nối với các công ty lữ hành du lịch. Nhờ vậy, sự cảm nhận và hài lòng của du khách sẽ tăng lên rất nhiều.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch Cần Thơ cũng phải đối diện với nhiều thách thức do cách mạng công nghiệp 4.0 tác động tới, khi các sản phẩm, dịch vụ được tăng cường với khả năng làm tăng giá trị. Một số thách thức của CMCN 4.0 đối với phát triển du lịch Cần Thơ như: hệ thống máy móc, thiết bị, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, dữ liệu khoa học công nghệ chưa đủ đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch Cần Thơ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Cụ thể, khả năng vận dụng Internet trong việc phát triển du lịch của các doanh nghiệp lữ hành vẫn ở giai đoạn sơ khai. Các doanh nghiệp du lịch Cần Thơ cần phải tìm hiểu và nắm bắt các hành vi cũng như thị hiếu của khách du lịch bởi vì cuộc cách mạng 4.0 đã thay đổi phần nào yêu cầu và mong muốn của khách du lịch hiện nay. Họ đòi hỏi cao hơn về các phương diện từ các doanh nghiệp du lịch Cần Thơ như chất lượng dịch vụ, sự tiện lợi và nhanh chóng của các nền tảng ứng dụng. Chậm trễ trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ “chủ chốt” trong thời đại công nghệ 4.0 vào du lịch là một bất lợi của các doanh nghiệp du lịch Cần Thơ trong khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đội ngũ nhân lực phải được cải thiện về nhiều khía cạnh: trình độ học vấn, kĩ năng mềm, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ. Vì những nhân lực trình độ thấp dần dần được thay thế bởi máy móc, tự động từ đó dẫn đến sự dư thừa người lao động và gây phân hóa cao trong xã hội.

Một số giải pháp về cách mạng công nghiệp 4.0 đối với các doanh nghiệp du lịch Cần Thơ

1. Đẩy mạnh phát triển du lịch trực tuyến và hoàn chỉnh các trang website của các công ty du lịch để có thể cập nhật thông tin kịp thời đến khách du lịch và tiết kiệm thời gian tìm kiếm, truy cập nội dung dễ dàng. Chú trọng việc đặt và thanh toán trực tuyến các tour du lịch trên các website và xây dựng website với nhiều ngôn ngữ khác nhau như tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Nhật, tiếng Pháp…

2. Đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển trong kỷ nguyên số và thị trường trong tương lai, tăng cường khả năng ngoại ngữ cho các nhân viên, xây dựng một môi trường chuyên nghiệp “văn hóa số” để họ thấy được tầm quan trọng của CMCN 4.0 đối với du lịch.

3. Cần cung cấp dịch vụ du lịch theo sát những xu hướng công nghệ và thương mại điện tử mới nhất để tiếp cận nhiều hơn khách hàng tiềm năng. Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch cần xây dựng danh tiếng và sự tín nhiệm cho thương hiệu du lịch để tiếp cận thị trường rộng lớn hơn để phát triển bền vững và gia tăng lợi nhuận.

4. Cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng cao đối với du lịch Cần Thơ và xây dựng kênh quảng bá thương hiệu, bán hàng trực tuyến tiếp cận khách du lịch. Mở rộng quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội để tiếp cận và tương tác với khách hàng tốt hơn, đặc biệt là những sản phẩm du lịch miền sông nước và sinh thái.

5. Triển khai hình thức thanh toán kỹ thuật số cho du khách mà không sử dụng tiền mặt, tránh tiếp xúc trực tiếp khi thanh toán, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Kết hợp ứng dụng Big Data, AI với chiến lược quản trị marketing. Đồng thời liên kết với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khác như nhà hàng, vận chuyển, khách sạn, ngân hàng tạo sự thuận tiện cho khách hàng và phục vụ khách hàng một cách nhanh chóng và thường xuyên bất kể ngày đêm. 

Ảnh minh họa

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào ngành du lịch là một yêu cầu tất yếu trong quá trình hội nhập, phát triển. Các doanh nghiệp du lịch Thành phố Cần Thơ cần phải nắm bắt xu hướng của khách du lịch trong thời kỳ CMCN 4.0 để có nhiều cơ hội phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các điểm đến du lịch khác. Đồng thời, góp phần đưa du lịch Cần Thơ tương xứng với tiềm năng du lịch hiện có và trở thành trung tâm du lịch toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ths. Phạm Quang Triều