Môi trường đầu tư: Doanh nghiệp nội còn lắm tâm tư

11:51 06/04/2021

Theo nhìn nhận của nhiều doanh nghiệp ngoại, Việt Nam vẫn là quốc gia có môi trường đầu tư an toàn, hấp dẫn nhất khu vực châu Á trong những năm tới. Trong khi đó, nhiều DN nội lại than phiền “dưới thảm đỏ vẫn còn rất nhiều đinh”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, về số DN nội, nếu tính theo quy mô vốn, đến năm 2020, cả nước có 758.610 DN đang hoạt động. Trong đó, 541.753 DN có quy mô nhỏ và vừa (DNNVV). Hàng năm, các DNNVV đóng góp khoảng 40% GDP, nộp ngân sách nhà nước 30%, đóng góp giá trị sản lượng công nghiệp 33%, giá trị hàng hóa xuất khẩu 30% và thu hút gần 60% lao động.

Ngoài ra, số lượng DN qua các năm đều có mức tăng trưởng cao. Thế nhưng, đi cùng với sự phát triển trên cũng có hàng chục ngàn DN rời bỏ thị trường. Chỉ riêng năm 2020 đến hết quý 1-2021, đã có hơn 140.000 DN rời thị trường. Phần lớn trong số đó là DNNVV. Nguyên nhân, một mặt là do vốn mỏng, nội lực yếu nên không chịu được cú sốc trên thị trường như dịch bệnh, thiên tai, nhất là khả năng cạnh tranh với DN ngoại trong bối cảnh DN ngoại đang ồ ạt vào Việt Nam. Mặt khác, các DNNVV không có nhiều điều kiện để tiếp cận những chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, đặc biệt là gói hỗ trợ tài chính.

Theo nhiều chuyên gia về kinh tế, đây là đối tượng DN dễ bị “tổn thương” nhất. Nhiều DN nội cho rằng đang chịu thiệt thòi bởi chính sách “tham đó bỏ đây”. Trong bối cảnh DN ngoại được tạo nhiều điều kiện để đầu tư phát triển tại Việt Nam thì DN nội phải chật vật đấu tranh để tháo gỡ rào cản đầu tư kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN KCN TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh hiện có 18 KCX, KCN, khu công nghệ cao (KCNC) đã thu hút số lượng lớn DN trong và ngoài nước tham gia đầu tư. Trong năm 2020 mặc dù dịch COVID -19 vẫn diễn biến khá phức tạp nhưng các DN vẫn tăng trưởng tốt. Trong đó, các KCX, KCN có kim ngạch xuất khẩu 7 tỷ USD, riêng KCNC xuất khẩu đạt 20 tỷ USD và vẫn đang tiếp tục thu hút đầu tư.

“Tuy nhiên, để có môi trường đầu tư tốt thì thành phố cần phải giải quyết những “điểm nghẽn” đang còn tồn tại về vấn đề về đất đai, về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính. Để chuyển dịch đầu tư theo hướng hậu COVID – 19, tôi tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đi về hướng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, cần phải cải thiện môi trường đầu tư để đón làn sóng đầu tư mới từ các DN FDI”, ông Bé nói.

Ông Nguyễn Văn Bé
Ông Nguyễn Văn Bé.

Với một DN ngoại đầu đàn, chỉ cần vài tháng là có thể hoàn tất thủ tục đầu tư, xây dựng tại Việt Nam. Với DN trong nước, cũng công việc ấy nhưng thường phải mất vài năm. Đơn cử, tại KCN Hiệp Phước, do chưa xác định được đơn giá đất cho thuê nên đến nay nhiều DN vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ảnh hưởng tiêu cực đến việc huy động vốn của DN.

Về phía chủ đầu tư KCN Hiệp Phước cũng gặp khó khăn khi hơn 200ha đất của KCN đã hoàn thiện hạ tầng và sẵn sàng thu hút nhà đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai. Trường hợp Công ty Cơ khí Duy Khanh là một điển hình. Để có thể hoàn tất giấy phép đầu tư và khởi công xây dựng Nhà máy cơ khí chính xác Duy Khanh tại Khu Công nghệ cao TPHCM, công ty phải mất 4 năm. 

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện cơ chế một cửa nhưng thực tế chưa hiệu quả. Các nhà đầu tư vẫn phải đi qua nhiều phòng ban, sở ngành để xin được giấy phép đầu tư.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí điện TPHCM, cho biết, hiện còn rất nhiều nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nằm xen cài trong khu dân cư. Bản thân DN rất muốn di chuyển nhà máy sản xuất vào các KCX-KCN, khu công nghệ cao nhưng quá khó để chen chân. Chưa hết, nhằm tăng cơ hội kết nối giữa các DN hoạt động cùng ngành, nhiều DN cho rằng nên xây dựng các KCN chuyên ngành, nhưng vấn đề này cũng rất ít được các địa phương quan tâm và triển khai. 

Nói về việc thu hút đầu tư vào các KCX, KCN, KCNC trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội DN cơ khí điện TP Hồ Chí Minh nhìn nhận: “Chúng tôi cảm nhận thành phố hỗ trợ cho DN FDI nhiều hơn hỗ trợ cho DN trong nước, hỗ trợ DN lớn nhiều hơn DN nhỏ”.

Ông Đỗ Phước Tống
Ông Đỗ Phước Tống.

Ông Tống cho rằng, một số DN hội viên đã đầu tư ở nhiều địa phương khác thì thấy thủ tục nhanh hơn ở TP Hồ Chí Minh. Và do bị vướng thủ tục nên DN chậm triển khai, đó là khó khăn của DN. Ngành cơ khí chế tạo là ngành tạo ra máy móc giúp nhiều ngành nghề khác tạo ra sản phẩm. Tuy nhiên, về đầu tư, những DN đủ tiềm lực không nhiều, đa số là DN nhỏ nên các DN trong ngành rất cần sự hỗ trợ của thành phố để tăng động lực cho các DN trong ngành đầu tư, phát triển…

Không chỉ gặp phải rào cản trong hoạt động đầu tư, hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh, thương mại… cũng có rất nhiều quy định bất cập gây khó cho DN. Nhiều nhất là những quy định về kiểm tra chuyên ngành - vẫn tiếp tục là nút thắt làm nghẽn sự bứt phá của DN.

Đơn cử, cùng một giấy phép xây dựng nhưng với ngành công nghiệp chế tạo phải đồng thời được ngành công thương và ngành xây dựng cấp phép. Hoặc cùng sản xuất sản phẩm lương thực, thực phẩm, nhưng DN bị buộc phải tách thành 2 dây chuyền sản xuất (một cho xuất khẩu và một cho thị trường trong nước). Nguyên nhân, Bộ Y tế yêu cầu sản phẩm chế biến cho thị trường trong nước phải thêm vi chất dinh dưỡng. Trong khi đó, với sản phẩm xuất khẩu thì nhiều nước trên thế giới không cho phép bổ sung vi chất dinh dưỡng này. Hay như, Chính phủ đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra DN không quá 2 lần/năm và phải hợp nhất các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh  tra, kiểm tra. Thế nhưng, trên thực tế, DN trong nước vẫn phải tiếp cả hàng chục đoàn thanh tra, kiểm tra với nội dung tương tự. 

Khảo sát của Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cũng chỉ rõ, hiện vẫn còn nhiều quy định kiểm tra chuyên ngành chưa được các bộ ngành tháo gỡ. Thậm chí có bộ ngành báo cáo Chính phủ đã tháo gỡ 50% quy định kiểm tra chuyên ngành không phù hợp, nhưng thực chất chỉ là “đánh tráo” từ kiểm tra trước sang kiểm tra sau tại kho của DN. Công tác thanh tra, kiểm tra của nhiều bộ ngành, địa phương vẫn đang gây khó cho DN. Đáng quan ngại hơn, một số bộ ngành còn “nhét” các quy định “thắt chặt” hơn so với luật vào các thông tư, hướng dẫn của ngành. Nếu tình trạng này không được xử lý triệt để, DN nội rất khó để bứt phá.

Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng: Có thể thấy điều doanh nghiệp cần là muốn Chính phủ là bà đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi ý tưởng mới, cần sự minh bạch và kịp thời trong các chính sách, để doanh nghiệp không bị chậm chân trước các cơ hội mới. Điều doanh nghiệp cần và nền kinh tế cần trong trạng thái bình thường mới lúc này phải là mở ra cho doanh nghiệp làm ăn.

Ông Nguyễn Đức Kiên
Ông Nguyễn Đức Kiên.

Một số doanh nghiệp lớn khẳng định họ tự vượt qua được khó khăn này, nhưng Chính phủ cần rõ ràng trong chính sách. Ví dụ, để xây sân bay theo mô hình PPP, doanh nghiệp đề nghị Nhà nước phải lo thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và thiết kế; còn doanh nghiệp bỏ tiền làm đường băng, nhà ga…

Như vậy, các bộ, ngành cũng cần đánh giá, xem xét những điều kiện mới, đề xuất các phương án phù hợp và quan trọng là không bỏ lỡ cơ hội mới cũng như không bị chậm chân khi các nền kinh tế trong khu vực đã có kịch bản mở cửa trở lại rất cụ thể. Doanh nghiệp chia sẻ khó khăn với Chính phủ nhưng mong Chính phủ cần linh hoạt hơn, năng động hơn trong quá trình ra quyết sách. Tình hình đặc thù cần chính sách đặc thù mà điều đó mới mang lại hiệu quả cao nhất, lợi ích lớn nhất cho người dân và doanh nghiệp thay vì phải hỗ trợ bằng bơm tiền.

Lâm Nghi