Các tổ chức tín dụng đã rót 700.000 tỷ đồng vốn ra nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm

23:35 30/04/2022

Ước tính từ đầu năm đến ngày 25/4/2022, hệ thống tổ chức tín dụng đã "bơm" ra nền kinh tế hơn 700.000 tỷ đồng tín dụng.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2022, tăng trưởng tín dụng dự kiến khoảng 14%. Tín dụng đã tăng tốc đáng kể trong tháng 3 và tháng 4, tăng trưởng tín dụng đến ngày 25/4 đạt 6,75% so với cuối năm 2021, cho thấy nhu cầu tín dụng rất lớn của nền kinh tế trong bối cảnh phục hồi mạnh mẽ.

Được biết, cuối năm 2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế là hơn 10,44 triệu tỷ đồng. Như vậy, ước tính từ đầu năm đến ngày 25/4/2022, hệ thống tổ chức tín dụng đã "bơm" ra nền kinh tế hơn 700.000 tỷ đồng tín dụng.

Các tổ chức tín dụng đã rót 700.000 tỷ đồng vốn ra nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm
Các tổ chức tín dụng đã rót 700.000 tỷ đồng vốn ra nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm.

Ngày 29/4, hoạt động đấu thầu trên thị trường mở (OMO) ghi nhận phiên có kết quả đột biến về lượng tiền Ngân hàng Nhà nước bơm ròng, hỗ trợ cân đối thanh khoản ngắn hạn của hệ thống.

Cụ thể, như ổn định suốt thời gian qua, cơ quan này hàng ngày vẫn chào thầu quy mô 10.000 tỷ đồng, kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm. Lượng trúng thầu rất thấp thể hiện suốt thời gian dài, chỉ quanh 350 tỷ đồng/phiên.

Do tính chất xoay vòng, lượng bơm ròng nói trên lần lượt đáo hạn song song với lượng bơm mới, nên số dư lưu hành nguồn bơm ròng qua OMO chỉ ở mức thấp. Tính đến ngày 28/4, số dư lưu hành chỉ 3.209,12 tỷ đồng. Đáng chú ý, số thành viên tham gia mượn vốn ở đây cũng rất ít, chủ yếu chỉ 1-2 thành viên mỗi phiên.

Trong phiên 29/4 chỉ có 2 thành viên tham gia mượn vốn của Ngân hàng Nhà nước qua OMO, tuy nhiên khối lượng đột biến với 3.109,44 tỷ đồng, vẫn kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm.

Đây cũng là phiên duy nhất trong tháng 4 kênh OMO ghi nhận khối lượng bơm tiền lớn như vậy. Đây là phiên cuối cùng của hệ thống trước thềm kỳ nghỉ lễ 30/4 và 01/5 khá dài, đến thứ Tư (04/5) tuần sau thị trường mới mở cửa trở lại. Kỳ nghỉ lễ này hàng năm thường không tạo áp lực lớn, nhưng nhu cầu tiền mặt và thanh toán chi trả cao hơn thông thường, nhất là khi hoạt động du lịch năm nay đã mở rộng cửa…

Tuy nhiên, so với quy mô chào thầu 10.000 tỷ đồng/phiên mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra, quy một bơm ròng nói trên, cùng tổng lượng hỗ trợ đang lưu hành quanh 5.000 tỷ đồng, là không lớn so với các đợt bơm ròng quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng những năm trước đây.

PV