Các quy tắc mới để đầu tư vào Trung Quốc: Bài học rút ra từ cuộc đàn áp ngành công nghiệp dạy thêm

13:02 24/09/2021

Khi các nhà đầu tư nước ngoài quay cuồng với các cuộc đàn áp quy định của Bắc Kinh, sự sụp đổ nhanh chóng trong một ngành như dạy kèm sau giờ học có thể là một bài học về sự cẩn trọng trong đầu tư vào Trung Quốc và câu hỏi lúc này được đặt ra là "vậy cơ hội trong đầu tư tương lai ở Trung Quốc sẽ diễn ra thế nào?"

Các công ty khởi nghiệp dạy kèm của Trung Quốc mà các quỹ đầu tư đã đặt cược từ nhiều tháng trước đó cũng đột nhiên mất đi con đường niêm yết công khai.

Các công ty khởi nghiệp dạy kèm của Trung Quốc mà các quỹ đầu tư đã đặt cược từ nhiều tháng trước đó cũng đột nhiên mất đi con đường niêm yết công khai sau khi bị đàn áp bởi chính quyền Trung Quốc. Ảnh: Internet.

Trước khi Trung Quốc đàn áp các trường dạy thêm vào mùa hè này, các công ty đầu tư lớn như SoftBank đã rót hàng tỷ đô la vào các công ty giáo dục Trung Quốc, nhiều công ty đã được giao dịch công khai ở Mỹ hoặc đang trên đường niêm yết ở đó.

Chiến lược này là một trong những cách đốt tiền mặt để tài trợ cho sự tăng trưởng người dùng theo cấp số nhân, với hy vọng thu được lợi nhuận trong tương lai. Để chiến lược hoạt động hiệu quả, các nhà đầu tư nhắm đến cách tiếp cận “người chiến thắng sẽ làm tất cả” mà họ đã sử dụng với các công ty khởi nghiệp khác của Trung Quốc như chuỗi cà phê Luckin Coffee và công ty gọi xe  Didi .

Didi về cơ bản đã sử dụng chiến lược đốt tiền mặt, chi tiền cho người tiêu dùng Trung Quốc để kích thích người dùng đi những chuyến xe giá rẻ thông qua ứng dụng của mình, điều này giúp họ đánh bại Uber để thống trị khoảng 90% thị trường đại lục và tiếp tục huy động được hơn 4 tỷ USD trong đợt IPO ở New York vào ngày 30/6.

Chỉ vài ngày sau khi Didi IPO, các nhà chức trách Trung Quốc đã ra lệnh cho các cửa hàng ứng dụng gỡ bỏ ứng dụng của Didi. Ảnh: Internet.
Chỉ vài ngày sau khi Didi IPO, các nhà chức trách Trung Quốc đã ra lệnh cho các cửa hàng ứng dụng gỡ bỏ ứng dụng của Didi. Ảnh: Internet.

Nhưng rõ ràng là chiến lược đầu tư có thể không còn hiệu quả nữa. Chỉ vài ngày sau khi Didi IPO, các nhà chức trách Trung Quốc đã ra lệnh cho các cửa hàng ứng dụng gỡ bỏ ứng dụng của Didi và bắt đầu điều tra về bảo mật dữ liệu, điều này làm tắt hẳn triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Động thái này diễn ra nhiều tháng sau những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giải quyết các hoạt động bị cáo buộc là độc quyền của những gã khổng lồ công nghệ internet của nước này như Alibaba và Tencent .

Đến cuối tháng 7, ngành giáo dục rõ ràng là mục tiêu tiếp theo của Bắc Kinh.

Khắc phục tình trạng dạy thêm sau giờ học

Trong các biện pháp để đàn áp, các nhà quản lý đã ra lệnh cho các công ty dạy thêm cho các môn học từ mẫu giáo đến lớp 12 phải tái cơ cấu dưới dạng phi lợi nhuận, cắt giảm giờ hoạt động và loại bỏ đầu tư nước ngoài. Cổ phiếu của các công ty hàng đầu trong ngành như Tal Education, New Oriental Education & Technology Group và Gaotu Techedu đã lao dốc vì tin đó. Họ đã chứng kiến mức sụt giảm doanh thu 75% mỗi tháng kể từ quy định đưa ra. 

Các công ty khởi nghiệp dạy kèm của Trung Quốc mà các quỹ đầu tư đã đặt cược từ nhiều tháng trước đó cũng đột nhiên mất đi con đường niêm yết công khai.

Vào tháng 10 năm 2020, công ty  khởi nghiệp dạy kèm trực tuyến Yuanfudao cho biết, họ đã huy động được tổng cộng 2,2 tỷ USD từ Tencent, Hillhouse Capital, Temasek và nhiều nhà đầu tư khác - nâng mức định giá lên thành 15,5 tỷ USD.

Hai tháng sau, đối thủ cạnh tranh là Zuoyebang đã huy động được 1,6 tỷ USD từ các nhà đầu tư bao gồm Quỹ Tầm nhìn 1 của SoftBank, Sequoia China, Tiger Global và Alibaba.

Một nhà đầu tư và đồng sáng lập của một trong những công ty giáo dục Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ cho biết: “Họ đang hy vọng tạo ra một tổ chức độc quyền khác như Didi với sức mạnh định giá thị trường".

"Tuy nhiên, ngành giáo dục đã có một số người chơi lớn trên thị trường, nhưng cho đến bây giờ, không có doanh nghiệp nào thực sự có thể đánh bại doanh nghiệp kia trước khi bị đàn áp", ông nói thêm. 

Xây dựng một công ty dẫn đầu thị trường về dạy kèm sau giờ học là một triển vọng sinh lợi rất lớn khi Trung Quốc có dân số 1,4 tỷ người và một nền văn hóa mà ở đó các bậc cha mẹ coi trọng việc giáo dục con cái của họ.

Những công ty đầu tiên trong ngành như New Oriental đã bắt đầu với các địa điểm thuê bên ngoài và lớp học trực tiếp. Nhưng đại dịch Covid-19 vào năm 2020 đã  đẩy nhanh sự chuyển dịch của ngành công nghiệp gia sư trực tuyến và cuộc chiến đốt tiền của thế giới Internet Trung Quốc đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. 

Cuộc chiến quảng cáo

Năm ngoái, các công ty dạy kèm sau giờ học ở Trung Quốc bắt đầu chi mạnh tay cho việc quảng cáo để thu hút học viên mới.

Gaotu được niêm yết tại Hoa Kỳ đã chi hơn 50 triệu Nhân dân tệ (tương đương 7,75 triệu USD) trong một tuần vào mùa đông năm ngoái cho quảng cáo trên nền tảng video ngắn Kuaishou, một người quen thuộc với vấn đề này nói với CNBC.

Trong báo cáo thu nhập ba tháng đầu năm, công ty cho biết chi phí bán hàng và tiếp thị là 2,29 tỷ Nhân dân tệ, gấp ba lần so với một năm trước.

Tal Education tiết lộ rằng chi tiêu của họ trong cùng danh mục đã tăng 172% so với một năm trước lên 660,5 triệu Nhân dân tệ trong ba tháng kết thúc vào ngày 28 tháng 2.

Cả hai công ty đều báo cáo lỗ ròng trong quý, cũng như một công ty khác trong ngành,  OneSmart International Education Group, tiết lộ chi phí bán hàng và tiếp thị tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái lên 288,8 triệu Nhân dân tệ.

OneSmart được niêm yết tại Mỹ vào năm 2018 trong một đợt IPO do Morgan Stanley, Deutsche Bank và UBS bảo lãnh. Cuối năm đó, công ty giáo dục đã mua lại Juren, một trong những doanh nghiệp lâu đời nhất trong ngành công nghiệp gia sư của Trung Quốc.

Nhưng những quy định mới sau giờ học đã giáng một đòn chí mạng vào công ty 27 năm tuổi này. Khoảng một tháng sau khi các quy tắc mới được ban hành, Juren đã sụp đổ, chỉ một ngày trước khi các trường công lập mở cửa vào ngày 1 tháng 9.

OneSmart có thể bị hủy niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York vì cổ phiếu của nó vẫn ở mức dưới 1 đô la kể từ tháng Bảy.

Các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ khác cũng đang gặp khó khăn. New Oriental không báo cáo khoản lỗ ròng trong quý kết thúc vào ngày 28 tháng 2, nhưng tiết lộ rằng họ đã chi 156,1 triệu đô la cho việc bán hàng và tiếp thị trong thời gian đó, hơn 32% so với một năm trước.

Sự gia tăng trong chi tiêu quảng cáo để tăng lượng học viên đăng ký đến khi các nhà đầu tư dồn vào ngành và sự cạnh tranh gia tăng khiến chi phí thu hút khách hàng tăng cao.

Với nguồn vốn mới, các công ty khởi nghiệp Zuoyebang và Yuanfudao, cùng với Tal Education, được cho là đã tiếp tục tài trợ cho Gala Lễ hội mùa xuân hàng năm của Đài truyền hình nhà nước CCTV vào tháng Hai.  

Trong những tháng trước cuộc đàn áp gay gắt, chính quyền Trung Quốc đã phạt 15 công ty giáo dục tổng cộng 36,5 triệu Nhân dân tệ, chủ yếu vì quảng cáo sai sự thật.

Sau đó vào tháng 7, các quy định khắt khe hơn về dạy thêm sau giờ học về cơ bản đã cấm quảng cáo, cấm chào bán cổ phiếu ra công chúng và nhận đầu tư từ nước ngoài.

‘Sự thịnh vượng chung’ ở Trung Quốc

Chính sách mới này đánh dấu nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm hạn chế sự tăng trưởng chóng mặt của ngành giáo dục và gánh nặng của nó đối với các bậc cha mẹ - một mối lo ngại đối với các nhà chức trách đang cố gắng tăng cường sinh đẻ trước tình trạng dân số già nhanh và lực lượng lao động ngày càng thu hẹp.

Ming Liao, đối tác sáng lập của Prospect Avenue Capital, có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết, việc giải quyết vấn đề dân số, tăng trưởng kinh tế chậm lại và căng thẳng với Mỹ đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của chính phủ Trung Quốc.

“Cảnh quan đã thay đổi đáng kể", ông nói và lưu ý rằng các nhà đầu tư hiện cần xem xét các chính sách quốc gia nhiều hơn là chỉ phát triển ngành.

Ngoài việc trấn áp các công ty internet và các trung tâm dạy thêm sau giờ học, chính quyền đã ra lệnh cho các công ty trò chơi điện tử trực tuyến hạn chế trẻ em chơi ba giờ một tuần.

Các bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh mục tiêu là “thịnh vượng chung”, hay còn được biết đến với mục tiêu hướng đến sự giàu có chia đều cho tất cả mọi người, thay vì tập trung của cải quá nhiều vào một số người.

Giáo dục chỉ là một trong ba mục tiêu chính mà chính quyền Trung Quốc đang giải quyết. Hai lĩnh vực còn lại là bất động sản và chăm sóc sức khỏe, tất cả các lĩnh vực mà hàng trăm triệu người dân trong nước đã phàn nàn về chi phí quá cao.

Trong 20 năm qua, lợi nhuận doanh nghiệp chủ yếu thuộc về các nhà phát triển bất động sản và các công ty dựa trên nền tảng internet, Liao nói.

Ông nói, đối với các ưu tiên chính sách mới, điều quan trọng là các nhà đầu tư phải phân biệt giữa các doanh nghiệp dựa trên internet và những doanh nghiệp đang phát triển các loại công nghệ hữu hình hơn như phần cứng - ngay cả khi cả hai loại công ty này đều được gọi chung là doanh nghiệp “Tech (công nghệ)” trong ngôn ngữ tiếng Anh.

Với việc Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Joe Biden và đang muốn cạnh tranh với Trung Quốc, Bắc Kinh đang tăng cường đầu tư vào một kế hoạch nhiều năm đầy tham vọng nhằm xây dựng công nghệ nội địa của mình, từ chất bán dẫn đến điện toán lượng tử.

“Thị trường Trung Quốc vẫn có thể mang lại lợi nhuận đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư toàn cầu và thách thức nằm ở việc xác định những người chiến thắng tiềm năng trong tương lai trong bối cảnh tái cân bằng của Trung Quốc", các nhà phân tích của Bank of America Securities viết trong một báo cáo ngày 10 tháng 9.

Họ chỉ ra sự thay đổi trong hai thập kỷ qua ở các công ty lớn nhất Trung Quốc theo giá trị vốn hóa thị trường - từ viễn thông, ngân hàng, sang cổ phiếu internet. Trong tương lai, họ kỳ vọng sẽ có nhiều quy định hơn đối với các ngành công nghiệp bất động sản và internet, “trong khi các lĩnh vực liên quan đến sản xuất, công nghệ và năng lượng xanh tiên tiến sẽ được thúc đẩy”.

Tương lai đầu tư vào Trung Quốc

Đối với các công ty dạy kèm sau giờ học của Trung Quốc từng thu hút hàng tỷ đô la, giờ đây họ đang cố gắng tồn tại bằng cách xây dựng các khóa học về các lĩnh vực không mang tính học thuật như nghệ thuật hoặc giáo dục kĩ năng cho những người trưởng thành. Những người trong ngành nói rằng, đó là một con đường không chắc chắn bởi thị trường đó chỉ bằng một phần nhỏ so với những gì các công ty từng hoạt động.

SoftBank đang chờ đợi sự rõ ràng về mặt pháp lý trước khi tiếp tục "đầu tư tích cực vào Trung Quốc”, Giám đốc điều hành Masayoshi Son của họ cho biết trong một cuộc gọi thu nhập vào ngày 10 tháng 8.

“Chúng tôi không nghi ngờ gì về tiềm năng tương lai của Trung Quốc ... Nhưng có lẽ sau một hoặc hai năm theo các quy định mới và theo lệnh mới, tôi nghĩ mọi thứ sẽ rõ ràng hơn nhiều,” Son nói.

Khi được CNBC liên hệ vào tuần trước về kế hoạch đầu tư của mình vào Trung Quốc, Softbank đã chỉ ra cách họ dẫn đầu các vòng đầu tư trong vài tuần qua vào Agile Robots, một công ty robot công nghiệp của liên minh Trung Quốc- Đức và Ekuaibao, một nền tảng quản lý tiêu dùng và bồi hoàn doanh nghiệp trực tuyến có trụ sở tại Bắc Kinh.

“Cam kết của chúng tôi với Trung Quốc là không thay đổi. Chúng tôi tiếp tục đầu tư vào thị trường năng động này và giúp các doanh nhân thúc đẩy làn sóng đổi mới", SoftBank cho biết trong một tuyên bố.

Nhưng khi đặt cược vào ngành giáo dục, một số nhà đầu tư đã quyết định tìm đến những nơi khác ở châu Á.

Vào tháng 6, công ty giáo dục trực tuyến Byju có trụ sở tại Bangalore đã trở thành công ty khởi nghiệp giá trị nhất ở Ấn Độ sau khi huy động được 350 triệu USD từ UBS, người sáng lập Zoom Eric Yuan, Blackstone và những người khác. Theo CB Insights, Byju được  định giá 16,5 tỷ USD.

Bảo Bảo