Các "ông lớn" dược phẩm thế giới chịu sức ép giảm giá thuốc tại Trung Quốc

10:37 17/01/2022

Trung Quốc đã đại tu hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn quốc nhằm mục đích mang lại khả năng tiếp cận các loại thuốc chất lượng cao rộng rãi hơn cho dân số khổng lồ. Kết quả là giá thuốc ngày càng giảm và tỷ suất lợi nhuận cao một thời của những "ông lớn" dược phẩm cả trong và ngoài nước bị xói mòn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Đối với các nhà sản xuất thuốc, áp lực ngày càng gia tăng khi Trung Quốc xây dựng khung yêu cầu giảm giá để đổi lấy quyền lợi tiếp cận thị trường dược phẩm lớn thứ hai thế giới.

Chiến lược gồm hai hướng tiếp cận. Một là bổ sung các phương pháp điều trị mới nhất, tiên tiến nhất cũng như sản phẩm hàng đầu thị trường vào danh sách "Thuốc hoàn trả Quốc gia". Trong đó, chỉ khi các bên sản xuất đồng ý giảm giá thuốc mới có thể đưa sản phẩm tiến vào thị trường béo bở này. Quả là một viên thuốc đắng ngắt đối với các công ty dược phẩm đã chi hàng tỷ đô la để phát triển phương pháp điều trị.

Những loại thuốc mới của "gã khổng lồ" như Pfizer và Astra Zeneca cũng như các công ty công nghệ sinh học của Trung Quốc, điều trị mọi thứ từ ung thư đến các bệnh truyền nhiễm,... đều bị liệt vào danh sách những năm gần đây. Năm 2021, danh sách nói trên một lần nữa mở rộng để bổ sung các loại điều trị bệnh hiếm gặp do các công ty bao gồm Biogen Inc phát triển. 

Mặt khác, Trung Quốc thu mua số lượng lớn các loại thuốc gốc của các bên sản xuất giá rẻ để đầu tư cho nguồn dự trữ vật tư. Nước này đã khởi xướng chương trình yêu cầu các nhà sản xuất nộp hồ sơ dự thầu cung ứng cho bệnh viện công, giảm giá hơn 90% một số loại thuốc nội thay thế nhãn hiệu phương Tây như Lipitor, Viagra và Pulmicort. Tổng năm đợt mua lớn nhất kể từ 2018 đã giúp đất nước tỉ dân tiết kiệm 260 tỷ nhân dân tệ (40,8 tỷ đô la Mỹ) tính đến tháng 9 năm 2021.

Giảm giá bán chắc chắn tổn hại đến lợi nhuận của các nhà sản xuất thuốc đa quốc gia và Trung Quốc nội địa. Mặt tích cực của chương trình này là mở ra cơ hội tiếp cận cho đông đảo công chúng. Quỹ bảo hiểm y tế Quốc gia trị giá 2,34 nghìn tỷ Nhân dân tệ của Trung Quốc chi trả cho 95% dân số 1,4 tỷ dân. Một số loại thuốc đắt tiền trước đây bỗng trở nên phù hợp hơn với ví tiền của hầu hết người dân nhờ bảo hiểm y tế chi trả. 

Sau nhiều lần thắt chặt quy định, gần 70% trong số 65 nhà sản xuất thuốc được liệt kê ghi nhận tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chậm hơn. Xu hướng tương lai gần là hợp nhất ngành công nghiệp hiện đang rất phân mảnh. Nhiều nhà sản xuất dược phẩm tăng cường chi tiêu cho nghiên cứu sản phẩm mới, hỗ trợ lợi nhuận bởi những ngày tháng kinh doanh dễ dàng đã không còn. Thương hiệu thuốc địa phương và startup như Jiangsu Hengrui Medicine Co. và BeiGene Ltd. cũng đang cố gắng đẩy nhanh quá trình phát triển thuốc với mục tiêu cạnh tranh với các "gã khổng lồ" dược phẩm phương Tây trên trường toàn cầu.

Tuy nhiên "miếng bánh thơm ngon" như thị trường Trung Quốc luôn là nơi mà bất kỳ doanh nghiệp nào muốn sở hữu thị phần. Astra Zeneca cho hay công ty hy vọng các phương pháp điều trị mới nhất sẽ đóng góp 60% doanh thu tại Trung Quốc vào năm 2024.

TL