Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trong nước vẫn loay hoay tìm kiếm và mở rộng thị trường

17:17 07/06/2023

Giải pháp nào giúp các doanh nghiệp ổn định và phát triển khi các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trong nước đang phải đối diện với những khó khăn thách thức và mở rộng thị trường.

Xuất khẩu đối diện nhiều khó khăn

Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Gia Khang, chuyên sản xuất nội thất ở tỉnh Gia Lai đang ở giai đoạn khó khăn chưa từng có. Ông Nguyễn Văn Khánh – Giám đốc công ty cho biết, vào thời điểm thị trường ổn định, hằng năm, công ty đạt doanh thu từ 50 đến 100 tỷ đồng. Nhưng gần 1 năm nay, doanh thu giảm 70%. Từ mức 200 công nhân, hiện tại nhà máy chỉ còn 40 người làm việc cầm chừng.

Giống như nhiều ngành hàng xuất khẩu khác, xuất khẩu gỗ đang gặp vô vàn khó khăn vì thiếu đơn hàng. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), cho biết, đơn hàng cho các tháng tới ở mức thấp bởi nhu cầu thị trường yếu, chưa kể gỗ Việt xuất khẩu sang Mỹ còn đối mặt với các vụ kiện về ván dán và các vụ điều tra về mặt hàng tủ bếp.

Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ gặp khó khăn
Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ gặp khó khăn. (Ảnh: Internet)

Dự báo, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa đầu năm 2023 giảm 28-32% so cùng kỳ năm 2022. Thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc, xuất khẩu nhiều ngành hàng cũng khó lạc quan và mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% cho cả năm tiếp tục là thách thức lớn.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đạt 5,1 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2023, giảm 27,3% so cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu gỗ đang gặp rất nhiều khó khăn ở các thị trường chủ lực. Đơn cử, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hoa Kỳ trong tháng 4/2023 đạt 633,5 triệu USD, giảm 32,2% so với tháng 4/2022. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hoa Kỳ đạt 2 tỷ USD, giảm 39,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Lạm phát ở Hoa Kỳ vẫn ở mức cao, sức cầu yếu, hầu hết mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đều ghi nhận mức giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm 2023. Trong đó, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính chiếm tỷ trọng cao, đạt 1,2 tỷ USD, giảm 41,9% so cùng kỳ năm 2022; tiếp theo là mặt hàng gỗ, ván và ván sàn đạt 97,7 triệu USD, giảm 53,8%; cửa gỗ đạt 4,1 triệu USD, giảm 42,9%…

Hiện nay, đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ giảm từ 50-55% tùy từng chủng loại sản phẩm gỗ, đồ gỗ. Riêng đối với mặt hàng gỗ dán, hiện chỉ còn 1 vài doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu sang thị trường này, tương tự đối với mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm, đơn hàng giảm sâu, nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn hàng mới.

Đối với nhóm sản phẩm khác nhận được đặt hàng trong ngắn hạn, nhiều doanh nghiệp cho biết chỉ tới từ sau tháng 7 không có đơn hàng. Tương tự, đối với thị trường EU đã giảm tới 60%, các đơn hàng mới hiện rất ít, mặc dù hiện đang là mùa hàng của EU. Hoa Kỳ chính là thị trường chủ lực của gỗ Việt Nam, cho nên khi thị trường này gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu đồ gỗ nói chung.

Cần thêm nhiều giải pháp xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp.
Cần thêm nhiều giải pháp xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp.. (Ảnh: Internet)

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương cho hay, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn, hiện doanh nghiệp đang phải cắt giảm công suất 60-70%. “Tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay thị trường rất khó tiên liệu, lạm phát tại Hoa Kỳ vẫn tăng, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ (FED) vẫn tăng lãi suất, tất cả mọi tín hiệu thị trường đều kém sáng”, ông Nguyễn Liêm cho biết.

Các chuyên gia nhận định, động thái tăng lãi suất lên mức 5-5,25% của FED, cùng với tình trạng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường của người tiêu dùng Hoa Kỳ, sẽ tiếp tục gia tăng thêm khó khăn cho các ngành hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam, trong đó có mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Nhu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ có thể tiếp tục sụt giảm trước những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp. 

Giải pháp giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường

Tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay thị trường rất khó tiên liệu, lạm phát tại Hoa Kỳ vẫn tăng, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ (FED) vẫn tăng lãi suất, tất cả mọi tín hiệu thị trường đều kém sáng. Trước những khó khăn về thị trường hiện nay, các doanh nghiệp đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư, mở rộng các mặt hàng gỗ có tính cạnh tranh cao hơn. Trước mắt tập trung vào các thị trường chính như: Bắc Mỹ, Anh, châu Âu và thị trường Đông Bắc Á.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản cũng đề xuất các bộ, ngành và địa phương ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gỗ và chế biến lâm sản xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường thông qua việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại. Hỗ trợ thành lập các cụm, khu công nghiệp tập trung của ngành gỗ và chế biến lâm sản tại các vùng, địa phương có tiềm năng như: Miền núi phía Bắc, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Hỗ trợ thành lập trung tâm thương mại quốc tế có tầm cỡ, quy mô để tổ chức các sự kiện, hội chợ giới thiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại các sản phẩm ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực để có thể chủ động giải quyết các vụ việc cạnh tranh thương mại. Hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của ngành gỗ như: sơn, keo, đinh vít, bao bì, logistic.

Đồng thời, hỗ trợ đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng tập trung trong nước, rừng gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng; có các chính sách hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Các nhà máy sản xuất đồ gỗ cũng ưu tiên tái cấu trúc lại dây chuyền sản xuất, đầu tư trang thiết bị để giảm chi phí nhân công. Bên cạnh đó, bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới, các doanh nghiệp cũng đa dạng hóa sản phẩm, vẫn lấy gỗ làm nguyên liệu chính nhưng gia tăng sự phối hợp với các loại vật liệu khác như kim loại, đá, kính, vải… để tăng tính thẩm mỹ và ứng dụng theo nhu cầu của khách hàng.

Thực tế trong giai đoạn hiện nay, không chỉ ngành hàng gỗ và lâm sản gặp khó khăn mà nhiều mặt hàng nông sản khác cũng rơi vào cảnh tương tự khi tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng của lạm phát. Do đó, đây cũng là khoảng thời gian khó khăn của hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Bởi vậy, trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp ngành gỗ cần có nhiều nỗ lực để tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thêm các thị trường, nắm bắt tốt các thông tin từ các thị trường, đồng thời, phát huy các phân khúc sản phẩm đang có thế mạnh tại các thị trường để đẩy mạnh thêm số lượng đơn hàng, tăng doanh thu.

Bên cạnh đó, tích cực xúc tiến thương mại thông qua việc tổ chức, tham gia các triển lãm, hội chợ thương mại, giới thiệu sản phẩm đến các doanh nghiệp đối tác và người tiêu dùng để tạo thêm các mối quan hệ, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2023, ngành gỗ và lâm sản đặt mục tiêu kim ngạch giá trị xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD, không tăng nhiều so với kết quả đạt được trong năm 2022 là 17,1 tỷ USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh năm 2023 với nhiều điều kiện ngày càng khó khăn hơn, để đạt được con số trên không phải là điều dễ dàng.

P.V (T/h)