Cà Mau: hướng đi mới để phát triển du lịch bền vững

09:01 08/05/2021

Những năm vừa qua, nhờ tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng bằng các nguồn lực có sẵn, ngành du lịch Cà Mau đang trên đà phát triển một cách bền vững.

Du lịch sông nước đang thu hút nhiều du khách (ảnh: Internet)
Du lịch sông nước đang thu hút nhiều du khách (ảnh: Internet).

Cà Mau được mệnh danh là vùng đất Cực Nam của tổ quốc, nơi đây nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên sông nước hữu tình đậm chất dân dã miền Tây Nam bộ, bên cạnh đó một điểm thu hút nhiều du khách đó chính là ở tính cách con người nơi đây: chân chất, thật thà và vô cùng mến khách.

Vốn được thiên nhiên ban tặng cho nhiều lợi thế để phát triển du lịch, từ cảnh quan đến sản vật cây trái. Trong số đó, không thể không nhắc đến Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Nơi đây đang được Ngành du lịch Cà Mau đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái cộng đồng và tạo được ấn nhiều tượng cho khách tham quan.  

U Minh Hạ từ xưa đã nổi tiếng là nơi giàu sản vật bậc nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, Trong đó bao gồm nhiều loại động vật như: cá đồng, trăn, rắn, rùa,… và cả những loài động vật quý hiếm như khỉ, tê tê, nai... Đặc biệt “Mật ong U Minh Hạ” là một trong những loại sản vật nổi tiếng cả nước.

Tận dụng tốt lợi thế vốn có, Cà Mau đang đẩy mạnh Du lịch cộng đồng

Người dân đất rừng U Minh Hạ đã tận dụng lợi thế của thiên thiên, của giá trị văn hóa để vươn lên bằng cách làm du lịch sinh thái cộng đồng. Vùng đệm đất rừng U Minh Hạ hiện đã hình thành nhiều điểm du lịch sinh thái như Mười Sử, HTX Trang Trại Xanh (ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh), Vườn cò Tư Sự (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình)...

Với các cánh rừng ngập mặn bạt ngàn cùng với các Vườn quốc gia, Cá Mau đang tận dụng tốt các lợi thế và đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Ngoài ra, các sản vật đặc sản nơi đây cũng vô cùng phong phú và nổi tiếng có thể kể đến như “Tôm khô Rạch Gốc”, “Cua Cà Mau”, “muối ba khía”,…

Người dân vùng đất tận cùng Tổ quốc đã khéo léo tận dụng những lợi thế đó để phục vụ du khách. Ai ghé điểm dừng chân Tư Tỵ (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) cũng muốn cầm cần câu câu loài cá leo được trên cây, cùng người dân địa phương đi đặt lú bắt tôm, câu cua để 1 lần biết về nghề truyền thống bao đời nay của cư dân địa phương. Về với Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển), du khách có thể đứng ở chóp mũi buổi sáng ngắm bình minh, buổi chiều ngắm hoàng hôn cũng là điều rất đặc biệt. Đến Khu du lịch sinh thái cộng đồng Hoàng Hôn (xã Đất Mũi), nhiều người sẽ muốn 1 lần trải nghiệm chuyến đi xuyên rừng để tận hưởng cảnh mênh mông sông nước…

Đó là những lợi thế của Cà Mau để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng mà không phải nơi nào cũng có. Bằng cách phát triển du lịch nội vùng kết hợp với du lịch sinh thái đã mang đến một diện mạo mới cho nghành du lịch Cà Mau: Năng động hơn, phát triển hơn theo hướng bền vững.

P.V