Bức tranh toàn cảnh hấp dẫn cho các nhà đầu tư châu Âu

00:00 12/10/2020

Hiệp định EVFTA có một ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam. Nó mang lại cơ hội mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp trong nước, đồng thời tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận vô số các sản phẩm chất lượng từ EU với giá thành hấp dẫn. Ở chiều ngược lại, EU cũng đã có nhiều sự chuẩn bị nhằm tận dụng tối đa lợi ích mà EVFTA mang lại. Bài viết phản ánh phần nào cơ hội dành cho các nước EU khi EVFTA có hiệu lực.

Lợi ích cơ bản của EVFTA đối với EU

Đối với các nhà đầu tư châu Âu, Việt Nam là một thị trường hết sức thú vị với mức tăng trưởng kinh tế đạt từ 6 – 7% mỗi năm. Thương mại và đầu tư hiện nay với khu vực này còn rất nhiều dư địa với thị trường sôi động và dân số trẻ. Năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa trị giá khoảng 42,5 tỷ Euro sang EU. Ngược lại, EU đã xuất khẩu khoảng 13,8 tỷ Euro hàng hóa vào Việt Nam. Với hiệp định thương mại tự do mới, sẽ có sự gia tăng xuất khẩu cả hai chiều.

Nghị viện châu Âu (EP) ngày 12/02 đã phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo vệ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA). Bước tiếp theo trước khi các hiệp định có hiệu lực là đợi sự phê chuẩn của Quốc hội Việt Nam, dự kiến ​​vào tháng 05 năm 2020. Hiệp định EVFTA là một tín hiệu mạnh mẽ ủng hộ thương mại tự do, công bằng và bình đẳng, trong bối cảnh xu hướng bảo hộ và những thách thức nghiêm trọng đang gia tăng đối với thương mại dựa trên các quy tắc đa phương. EVFTA sẽ giúp loại bỏ 99% thuế quan giữa EU và Việt Nam trong vòng 7 năm. Điều này sẽ mở đường cho 15 tỷ Euro hàng hóa lưu chuyển bổ sung mỗi năm từ Việt Nam sang EU đến năm 2035, đồng thời xuất khẩu từ EU sang Việt Nam sẽ tăng thêm 8,3 tỷ USD tương ứng. Theo đó, mỗi 1 tỷ Euro giá trị xuất khẩu từ EU sẽ mang lại cho khu vực này thêm khoảng 14.000 việc làm mới có mức lương hấp dẫn. Đến năm 2035, EVFTA có thể tạo ra 116.200 việc làm tại EU và giúp GDP tăng 29,5 tỷ USD. Thỏa thuận EVFTA cũng hoàn toàn phù hợp với tham vọng giúp EU tăng cường vị thế trong thương mại toàn cầu.

Bảng 1: Tương lai gỡ bỏ thuế quan đối với một số sản phẩm từ EU

 

Mức thuế hiện nay tại Việt Nam

Mức thuế sau khi EVFTA có hiệu lực

Máy móc và thiết bị

Lên tới 35%

Dần về 0%

Dược phẩm

Lên tới 8%

Ô tô

Lên tới 78%

Bơ sữa

Lên tới 20%

Rượu vang

Lên tới 50%

Socola

Lên tới 30%

 

Nhóm sản phẩm xuất khẩu chính giữa EU và Việt Nam cũng được cho là ít có sự đối đầu. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu thiết bị viễn thông, quần áo, giầy dép và thực phẩm sang EU. Còn EU xuất khẩu chủ yếu hàng hóa máy móc, thiết bị vận tải, hóa chất và nông sản sang Việt Nam. Các nhà đầu tư EU đang hoạt động trong 18 lĩnh vực kinh tế và 52 trong số 63 tỉnh thành của Việt Nam. Đầu tư nổi bật nhất của EU tại Việt Nam là trong lĩnh vực sản xuất, điện và bất động sản. 24 quốc gia thành viên EU đang tham gia đầu tư vào Việt Nam, trong đó Hà Lan chiếm vị trí hàng đầu, theo sau là Pháp và Anh. EVFTA sẽ mở rộng cơ hội cho các sản phẩm, dịch vụ của EU như ngân hàng, bảo hiểm, vận tải hàng hải và bưu chính. Doanh nghiệp EU cũng sẽ có thể tham gia các buổi đấu thầu công khai do Chính phủ Việt Nam và một số thành phố lớn, bao gồm cả Hà Nội và TP.HCM, tổ chức. EVFTA cũng sẽ bảo vệ 169 sản phẩm tiêu biểu của châu Âu khỏi các tác động xấu.

Việt Nam cũng sẽ chấp nhận nhãn hiệu Made in EU, bên cạnh các nhãn hiệu xuất xứ quốc gia khác, đối với các sản phẩm phi nông nghiệp và bảo vệ các chỉ dẫn địa lý châu Âu như phô mai Roquefort và Champagne. Chỉ một số sản phẩm nông nghiệp nhạy cảm sẽ không được tự do hóa hoàn toàn, nhưng EU đã cho phép tiếp cận hàng xuất khẩu của Việt Nam thông qua hạn ngạch thuế quan (TRQs) đối với: gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, tinh bột sắn đường, surimi và cá ngừ đóng hộp...

Bên cạnh đó, EU cũng đặc biệt coi trọng vai trò của Việt Nam trong mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nghị viện Châu Âu cũng mong muốn thỏa thuận thương mại này sẽ giúp thiết lập tiêu chuẩn của EU lên quy mô mới ngoài EU, đồng thời đóng góp cho sự thịnh vượng chung của khối. Các tiêu chuẩn này bao gồm chống biến đổi khí hậu và duy trì tiến bộ xã hội ở Việt Nam. Theo đó về điều kiện lao động, Việt Nam sẽ có trách nhiệm thực hiện tất cả các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và tích hợp chúng vào bộ luật lao động của mình. Hơn nữa, các tổ chức công đoàn sẽ phải được tự do tạo lập dù Việt Nam cũng đã điều chỉnh bộ luật hình sự của mình.

Hiệp định EVFTA cũng được thông qua cùng EVIPA, hiệp định giúp đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư EU. Trong trường hợp có tranh chấp pháp lý, Việt Nam đã đồng ý áp dụng khuôn khổ hiện đại giống mô hình mà EU thiết lập với Canada, với các thẩm phán độc lập cùng bộ quy tắc ứng xử bình đẳng và thân thiện với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trong các ngân hàng thương mại cũng tăng từ 30% lên 49%. Điều này cũng góp phần giúp các công ty EU đầu tư dễ dàng hơn vào các lĩnh vực bị hạn chế trước đây.

EVFTA cũng sẽ mở đường cho nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu có chất lượng cao và giá thành hợp lý từ EU vào Việt Nam. Việc xuất khẩu 27 nhóm nguyên liệu và tài nguyên chiến lược sẽ giúp EU phát triển năng lực khai thác, sử dụng hiệu quả và tái chế các nguồn tài nguyên quan trọng, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp châu Âu trên bản đồ nguyên liệu của thế giới. 

Ba Lan, nền kinh tế lớn thứ 6 trong EU, hiện là đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong khối và là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi EVFTA có hiệu lực. Piotr Harasimowicz, giám đốc đại diện Cơ quan Thương mại và Đầu tư Ba Lan tại TP.HCM, cho biết Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng nhất mà các doanh nghiệp Ba Lan hướng đến ở Đông Nam Á. Doanh nghiệp Ba Lan hiện đang hướng đến các cơ hội trong ngành phần mềm/CNTT, các ngành công nghiệp nặng như khai thác, đóng tàu, máy móc và thiết bị cho sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm.

Giá trị xuất khẩu của Ba Lan sang Việt Nam là 247 triệu Euro trong năm 2018, giá trị nhập khẩu hàng hóa là 529 triệu Euro. Hơn 500 công ty Ba Lan xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam, trong đó hơn 70% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ: một số thuộc sở hữu của người nhập cư Việt Nam. Đại sứ quán và các nhà lãnh đạo cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan ước tính rằng có khoảng 20.000 đến 30.000 người Việt Nam có thể đang sống ở nước này.

Hơn 60% các doanh nghiệp Đức quan tâm đến thị trường Việt Nam và có ý định mở rộng thị trường đến khu vực này. 

Về thị trường lao động

Đối với Việt Nam, việc loại bỏ thuế quan sẽ có lợi cho các ngành xuất khẩu chính, bao gồm sản xuất điện thoại thông minh và các sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép và các sản phẩm nông nghiệp, như cà phê. Những ngành này cũng rất thâm dụng lao động. EVFTA sẽ tạo điều kiện mở rộng các ngành công nghiệp này, cả về vốn lẫn việc làm. Về phía EU, việc tăng cường các chương trình đào tạo nghề theo chuẩn EU sẽ giúp xây dựng và bảo đảm được nhu cầu về lao động chất lượng cao tại Việt Nam. Nhiều chương trình đào tạo liên kết chuẩn nước ngoài, hay chậm chí một số tập đoàn lớn như Bosch của Đức cũng đã có các lớp tuyển sinh với qui mô ngày càng tăng tại Việt Nam nhằm đón đầu nhu cầu này. 

Để có được điều này, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ việc tuân thủ nội dung tuyên bố ILO năm 1998 về các nguyên tắc và quyên cơ bản của người lao động. Nhiệm vụ của các quốc gia thành viên ILO bao gồm tôn trọng và thúc đẩy tám công ước cốt lõi về xóa bỏ lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, không phân biệt đối xử trong công việc và bình đẳng giới, tự do lập hội và công nhận quyền thương lượng tập thể. EVFTA cũng tạo tiền đề thành lập Nhóm Tư vấn trong nước (Domestic Advisory Group – DAG), có mục đích theo dõi và giám sát việc thi hành các thỏa thuận. DAG sẽ bao gồm đại diện của chủ lao động, người lao động và các tổ chức môi trường, một ở châu Âu và một ở Việt Nam. EU hiện đang lưu tâm vấn đề rằng liệu tổ chức nào có thể đảm nhận vai trò này về phía Việt Nam. Việt Nam khẳng định các thuật ngữ về “xã hội dân sự” hay “tổ chức xã hội dân sự” không xuất hiện trong văn bản thảo luận, mở ra dấu hỏi lớn việc liệu các tổ chức phi Chính phủ và công đoàn độc lập có thể đảm nhiệm vai trò trong DAG hay không.

Về thị trường công nghiệp phụ tùng

Theo EVFTA, 65% hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ được miễn thuế ngay lập tức, phần còn lại, bao gồm xe máy, ô tô, dược phẩm, hóa chất, rượu vang, thịt gà và thịt lợn – sẽ dần được tự do hóa trong 10 năm. Hàng rào phi thuế quan sẽ được loại bỏ trong lĩnh vực ô tô, cấp phép xuất nhập khẩu và thủ tục hải quan. 

Một trong những lợi ích quan trọng của EVFTA đối với EU là giúp cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho xe hơi châu Âu đến với Việt Nam. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp EU cũng sẽ phải đối phó với các doanh nghiệp xe hơi Việt Nam mà tiêu biểu là Vinfast. Trong vòng 5 năm tới, VinFast đặt mục tiêu sản xuất khoảng 250.000 xe/năm, chiếm 92% tổng số xe được bán tại Việt Nam vào năm ngoái. Miễn các rào cản hải quan sẽ có lợi cho kế hoạch này và cũng tạo ra sự cạnh tranh mới trong thị trường xe hơi EU.

Việc nhập khẩu và xuất khẩu tạm thời nhóm hàng hóa qua sửa chữa cũng sẽ được miễn thuế. Điều này góp phần giúp doanh nghiệp EU có cơ hội tham gia bình đẳng vào dịch vụ bảo trì chuyên dụng như máy bay, thiết bị máy móc. 

Về thị trường dược phẩm

Thị trường dược phẩm Việt Nam luôn có hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư EU. Khi EVFTA có hiệu lực, khoảng một nửa nhập khẩu dược phẩm của EU sẽ được miễn thuế ngay lập tức và phần còn lại được miễn thuế sau 7 năm. Các công ty dược phẩm nước ngoài sẽ được bảo đảm bằng sáng chế và dữ liệu thí nghiệm. Ngoài ra, họ còn được phép thành lập công ty nhập khẩu Dược phẩm được ủy quyền để bán tại thị trường Việt Nam. Các đơn vị này sẽ nhập khẩu và kết nối đến các nhà phân phối hoặc bán lẻ tại Việt Nam. Họ cũng được phép xây dựng những kho bãi độc lập để chứa thuốc.

Mặc dù thị trường dược phẩm Việt Nam đã có sự phát triển đáng kể, nhưng hiện vẫn chỉ đáp ứng 52% nhu cầu trong nước và đa phần là thuốc generic (thuốc phổ dụng). FTA mới sẽ mang lại sự tiếp cận công bằng và bình đẳng vào thị trường cho phép các nhà đầu tư EU mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh của họ và do đó cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành dược phẩm.

Tất cả những lợi thế và sự chuẩn bị trên đều hứa hẹn giúp lục địa già có cơ hội tận dụng tối đa lợi ích mà EVFTA mang lại, cả về góc độ kinh tế, chính trị và xã hội. Đây cũng là Hiệp định thương mại tự do quan trọng, giúp EU chống đỡ các vấn đề gây ảnh hưởng lớn trong khối như chủ nghĩa bảo hộ, li khai, tị nạn mà mới đây nhất Brexit đã chính thức được kích hoạt. 

Một bước lùi vì COVID-19

Đại dịch Covid-19 đang có nguy cơ khiến châu Âu bước vào một thời kỳ suy thoái mới ngày càng rõ nét. Việc cấm đi lại, cấm tụ tập công cộng cùng nỗi sợ hãi và áp lực bao trùm người dân cũng như hệ thống y tế tại châu Âu đang khiến mọi kế hoạch kinh doanh bị tạm hoãn và thậm chí đẩy nhiều doanh nghiệp đến bờ vực phá sản. Có lẽ phải đến khi đại dịch Covid-19 có dấu hiệu được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, các doanh nghiệp EU cũng như Việt Nam mới có thể quay lại phát triển và tận dụng Hiệp định EVFTA theo đúng kế hoạch ban đầu.

Nguyễn Trần Minh Trí