Bộ NN&PTNT: Những giải pháp về thị trường để thúc đấy sản xuất nông nghiệp

22:52 31/03/2023

Tại cuộc họp thường kỳ quý I/2023 của Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 31/3, một trong những nội dung thu hút sự quan tâm là những giải pháp về thị trường để thúc đấy sản xuất cũng như giảm áp lực về giá vật tư nông nghiệp đầu vào.

Ảnh minh họa
Cuộc họp thường kỳ quý I/2023 của Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 31/3

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Việt cho biết kết quả xuất khẩu nông lâm, thủy sản trong quý I/2023 chỉ đạt hơn 11 tỷ USD và giảm tới 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đặt ra nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh trong sản xuất và xuất khẩu nông sản.

Thực tế sau đại dịch Covid-19 nhiều nước đã điều chỉnh theo hướng tăng sản xuất trong nước để giảm nhập khẩu, điều này khiến cho những sản phẩm cùng loại của Việt Nam có thêm những rào cản thương mại đòi hỏi phải tìm ra lối đi mới cũng như những bạn hàng mới trên cơ sở chất lượng là yếu tố quyết định đến giá trị xuất khẩu.

“Kim ngạch xuất khẩu quý I/2023 giảm 14,4%, khó khăn lớn nhất mà ngành cần tháo gỡ hiện nay là vấn đề về thị trường, qua đó thúc đẩy sản xuất, đồng thời giảm áp lực tăng cao về giá vật tư nông nghiệp đầu vào để ổn định sản xuất…” - ông Nguyễn Văn Việt thông tin thêm.

Liên quan đến giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trong khi giá lợn hơi giảm mạnh không đủ bù giá thành, Phó cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ N&PTTN) Tống Xuân Chinh, cho rằng đây là xu hướng chung của nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc sau ảnh hưởng của hậu Covid-19. Giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng và chưa có cơ sở cho rằng giá sẽ ổn định thời gian tới. Cục đã tham mưu lãnh đạo Bộ để báo cáo Chính phủ xem xét giảm thuế nhập khâu đậu tương và khô dầu đậu tương.

Đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, Bộ có giải pháp hỗ trợ là hướng dẫn người chăn nuôi những biện pháp kỹ thuật để giám giá thành sản xuất như phối trộn thức ăn tại chỗ, tận dụng tối thiểu phế phụ phẩm và chất thải chăn nuôi để gia tăng thêm giá trị chăn nuôi. Chăn nuôi trong thời điểm này cần tập trung vào thị trường trong nước là chính, đồng thời nhanh chóng định hướng để xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi để giảm sức ép về mặt thị trường.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, trong quý II/2023, ngành NN&PTNT hướng đến mục tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành đạt từ 2,9 - 3%, với tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 14 tỷ USD. Do đó, toàn ngành xác định, càng khó khăn, thách thức càng “dốc hết sức” thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và tiếp tục đổi mới, mở rộng tư duy; hành động nhanh; kết quả thật để khai thông thị trường, tạo động lực tăng trưởng mới phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong quý II/2023, Bộ NN&PTNT xác định tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp như:

Về trồng trọt, bảo vệ thực vật, theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng, cây có múi đề xuất chỉ đạo rải vụ cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ, có giá bán tốt và hiệu quả kinh tế cao.

Chăn nuôi, thú y chú trọng kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh; theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh tình trạng tăng đột biến về giá cả. Nghiên cứu, đề xuất kế hoạch xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (ngô, sắn), tập trung vào một số khu vực có tiềm năng như Tây Nguyên, miền núi phía bắc.

Kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật về thủy sản tại địa phương, chống khai thác IUU. Theo dõi diễn biến của thời tiết, dự báo ngư trường, nhu cầu của thị trường, kịp thời chỉ đạo sản xuất nuôi trồng, khai thác thủy sản hiệu quả, đạt các mục tiêu kế hoạch năm.

Về lâm nghiệp, theo dõi, đôn đốc các địa phương chuẩn bị đủ cây giống, hiện trường để trồng rừng theo kế hoạch, chủ động kiểm soát chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp; thông tin, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; chỉ đạo, đôn đốc hệ thống kiểm lâm cả nước thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng, bố trí lực lượng thường trực tại các vùng rừng có nguy cơ cháy cao. 

Đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Tổ chức Hội nghị các tỉnh biên giới về kết nối giao thương, thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam –Trung Quốc; tham gia chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt Nam tại Vương quốc Anh...

Cùng với đó theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn để chỉ đạo ứng phó chủ động, kịp thời, hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, lũ năm 2023.

“Tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Cuối quý II/2023 sẽ là thời điểm phục hồi của các thị trường, vì vậy phải chủ động về thông tin và hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân thúc đẩy sản xuất, tận dụng cơ hội để phục hồi xuất khẩu…”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Mai Anh