Bộ LĐ-TB&XH đã xử lý 62 doanh nghiệp lừa người đi xuất khẩu lao động

16:51 06/06/2023

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa nhận, có một số trường hợp công ty được cấp phép nhưng cũng lừa đảo người đi xuất khẩu lao động. Bộ đã xử phạt và thu hồi giấy phép của các doanh nghiệp này.

Trong phiên chất vấn sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội- Đào Ngọc Dung đã trả lời về vấn đề lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh nhưng số lao động bị lừa đi xuất khẩu lao động dưới nhiều hình thức khá nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng. 

Cụ thể, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2022 có 142.000 người đi xuất khẩu lao động, chiếm khoảng 10% số lao động giải quyết trong một năm, thông thường trung bình mỗi năm là khoảng 10%. Số lao động này đi theo Luật Người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, do các công ty, các doanh nghiệp được cấp phép đưa đi.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, có 482 doanh nghiệp được nhà nước cấp phép, số lao động đi theo các doanh nghiệp này thì ít khi bị lừa. Phần đông các số bị lừa đều là công ty "ma", công ty không đúng địa chỉ, không được nhà nước cấp phép, công ty lừa đảo, thậm chí là trá hình, những trường hợp này bộ đã phối hợp với cơ quan chức năng, các địa phương xử lý rất nhiều.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận: "Có một số trường hợp công ty được cấp phép nhưng cũng lừa đảo, lừa đảo cả hai đầu, bên kia cũng lừa, bên này cũng lừa. Có hai dạng lừa, một là lừa đi để thu tiền môi giới cao hơn; hai là không đúng ngành nghề đào tạo, không đúng việc làm để rồi sang bên kia phải trả về hoặc có những công việc không tốt, lao động phải bỏ trốn, ở lại."

Thời gian vừa qua Bộ đã xử phạt nhiều, năm 2022 có 62 doanh nghiệp bị xử phạt chủ yếu là phạt tiền, đặc biệt thu hồi giấy phép 4 doanh nghiệp có hành vi sai phạm.

Về giải pháp, theo Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung, sẽ phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó phải tuyên truyền, xử lý vi phạm, thanh tra kiểm tra. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm, tội phạm lừa đảo thường dẫn dụ nạn nhân đến những thị trường lao động có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, một số quốc gia châu Âu… Thị trường xuất khẩu lao động đi Hàn Quốc theo thị thực E7 (loại thị thực dành cho lao động có tay nghề cao) có đặc thù là các công ty chỉ được phép tổ chức tuyển chọn lao động đi nước này sau khi được Cục chấp thuận việc chuẩn bị nguồn lao động hoặc đăng ký hợp đồng cung ứng lao động.

Dù đã liên tục cảnh báo nhưng nhiều cá nhân, tổ chức vẫn quảng cáo, mời chào; người lao động lại nhẹ dạ tin nên mất tiền “oan”. Riêng trong năm 2022, Cục đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 9 công ty vì đã chuẩn bị nguồn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo thị thực E7 ngành thợ hàn đóng tàu khi chưa có văn bản chấp thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Số tiền phạt trung bình từ 50 đến 60 triệu đồng/công ty.