Biến thể Omicron sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu như thế nào?

17:09 02/12/2021

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, bà Gina Raimondo lo ngại biến thể Omicron sẽ gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Bà Raimondo cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN: "Còn quá sớm để kết luận nhưng tôi rất lo lắng bởi vì tôi biết người dân trên toàn thế giới sợ bị nhiễm bệnh và chưa sẵn sàng đi làm trở lại". Vừa nói, bà vừa phân tích tình trạng thiếu hụt nhân công đang ảnh hưởng đến hàng loạt doanh nghiệp tại Hoa Kỳ như thế nào. Theo bộ trưởng, do công nhân các cơ sở sản xuất hầu hết phải làm trong môi trường tiếp xúc trực tiếp nên dễ xảy ra lây nhiễm. Những đợt bùng phát do biến thể Delta gây ra đã làm trầm trọng thêm tình trạng hỗn loạn chuỗi cung ứng vào đầu năm nay khiến các nhà máy phải đóng cửa, đặc biệt là tại khu vực châu Á. 

Bộ trưởng Thương mại thừa nhận sự xuất hiện của Omicron đã trở thành vấn đề toàn cầu do tính chất phức tạp của chuỗi cung ứng. Các đợt bùng phát phía bên kia địa cầu có thể gây tăng giá. Ví dụ, giá ô tô mới vào tháng 10 tăng mạnh nhất kể từ những năm 1970 vì các nhà sản xuất ô tô không thể có đủ nguồn cung chip cần thiết để chế tạo ô tô. Trong phiên điều trần hôm thứ ba, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, Jerome Powell cho hay giới chức nước này rất ngạc nhiên về mức độ và tác động do tắc nghẽn nguồn cung gây ra. Ông Powel cho biết thêm rằng những gián đoạn trên là bất thường, phi tuyến tính và khó dự báo. 

Mặc dù chuỗi cung ứng vẫn đang trong tình trạng căng thẳng nhưng phía tổng thống Biden gần đây đã cho thấy nhiều hy vọng. Trong một bài đăng, Nhà Trắng chỉ ra rằng số lượng tàu container mắc kẹt trên các bến cảng từ 9 ngày trở lên đã giảm 41% kể từ ngày 1/11, xuống còn 75.000 chiếc. Theo công ty nghiên cứu thị trường IRI, lượng phương tiện có sẵn hiện đạt 90%, chỉ giảm một điểm phần trăm so với tháng 2 năm 2020.

Joshua Bolten, giám đốc điều hành của Business Roundtable, một nhóm vận động hành lang có ảnh hưởng bao gồm các giám đốc điều hành hàng đầu của Hoa Kỳ, cũng đồng ý với nhận định trên nhưng tốc độ vẫn "chậm hơn nhiều so với những gì tổ chức mong muốn". Ông Bolten một lần nữa lặp lại mối lo ban đầu mà bà Raimondo đề cập: "Người lao động và doanh nghiệp lo lắng về sự xuất hiện của các biến thể mới giống như Omicron làm đảo lộn mọi nỗ lực". 

Trong khi đó, về phía người tiêu dùng, một số yếu tố khiến tâm lý mua hàng giảm mạnh bao gồm lạm phát cao và giá xăng tăng bên cạnh chuỗi cung ứng trì trệ. Cựu thống đốc bang Rhode Island, bà Raimondo tỏ ra không thất vọng với các cuộc thăm dò vì chúng phản ánh thực tế tình hình. Bà chia sẻ: "Tôi không thất vọng bởi đó là những gì mà mọi người cảm nhận được. Tất cả đều đang canh cánh nỗ lo, chủ yếu là Covid. Mỗi khi chúng tôi nghĩ rằng tình hình đã tốt lên thì lại xuất hiện một biến thể mới, khiến tình hình không chắc chắn". Tuy nhiên bà cũng bày tỏ sự lạc quan rằng một năm nữa sẽ qua đi tất cả những điều này chỉ là tạm thời.

TL