Bất động sản công nghiệp và bài toán môi trường

00:00 12/10/2020

Làn sóng chuyển dịch đầu tư thời hậu Covid-19 đồng thời đặt ra thách thức về môi trường, vấn đề này được đề cập nhiều lần tại diễn đàn “Bất động sản Việt Nam 2020: Thời cơ vàng trong vận hội mới”, diễn ra mới đây tại Hà Nội.

“Bất động sản công nghiệp nổi lên là phân khúc hấp dẫn nhất trong giai đoạn tới”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định.

Triển vọng phục hồi kinh tế ở trong nước, với nhiều tổ chức quốc tế dự báo Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng cao nhất khu vực trong năm nay; làn sóng dịch chuyển các chuỗi đầu tư đang trở nên mạnh mẽ giai đoạn hậu Covid-19, năng lực cạnh tranh lớn về nguồn nhân lực giá thấp và các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư… Tất cả đã tạo bước đệm quan trọng cho bất động sản công nghiệp phát triển.

Doanh nghiệp kiến nghị cần xem xét rút ngắn thời gian lựa chọn chủ đầu tư khu công nghiệp

Cùng với đó, đến lượt mình, sự phát triển của bất động sản lại quay trở lại đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế và mức độ lan tỏa tới các ngành, thu hút nguồn lực đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường. “Bất động sản công nghiệp đã tạo dựng được niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế”, ông Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đầu tư bất động sản công nghiệp còn giúp tạo động lực để các khu công nghiệp ở nước ta cải thiện một cách thực chất các vấn đề liên quan đến người lao động, không chỉ đơn thuần giải quyết việc làm mà còn phải trở thành nơi tạo “an sinh xã hội” cho họ, đồng thời cải thiện đáng kể liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trong xu hướng chuyển dịch đầu tư mới, vấn đề môi trường và phát triển bền vững nhất thiết phải được đặt ra, thay vì “thu hút đầu tư bằng mọi giá”. Ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, phát triển về số lượng và quy mô khu công nghiệp phải đảm bảo bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành; không dàn đều theo địa giới hành chính.

Đặc biệt phải thúc đẩy phát triển khu công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chuyển dịch cơ cấu dự án trong khu công nghiệp thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường. Đồng thời, đa dạng hóa các phương thức hợp tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khuyến khích huy động nguồn lực tư nhân trong xây dựng và phát triển khu công nghiệp.

“Phát triển bất động sản công nghiệp phải đóng góp trực tiếp và mạnh mẽ hơn vào tăng trưởng xanh, giảm khí phát thải, gắn với phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp. Đại dịch Covid-19 cũng làm gia tăng các thảo luận về yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn. Theo tôi, không có nơi nào thuận lợi hơn khu công nghiệp trong việc thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn”, bà Trần Thị Hồng Minh nói.

Để làm được như vậy, theo ông Trần Quốc Trung, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển khu công nghiệp, tăng cường quản lý và đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch khu công nghiệp, đổi mới mô hình khu công nghiệp hiện tại (đa ngành)…

Ngoài ra, đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng khu công nghiệp gắn với hạ tầng xã hội đảm bảo hoạt động của khu công nghiệp; hoàn thiện thể chế, chính sách và tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường khu công nghiệp…

Còn theo bà Minh, từng địa phương và từng khu công nghiệp phải “vượt qua được nỗi sợ khác người”. Ở góc độ chính sách, ưu tiên không chỉ hướng tới phát triển hạ tầng trong khu công nghiệp, mà cả hạ tầng kết nối giữa các khu công nghiệp. Làm được điều đó, các khu công nghiệp sẽ đóng góp trực tiếp vào cải thiện liên kết giữa các địa phương trong vùng - yêu cầu mà chúng ta đã nhìn nhận trong nhiều năm qua mà chưa hiện thực hóa một cách hiệu quả.

Hải Yến