Ca sĩ Nathan Lee mua độc quyền 4 ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung gồm: Pha lê tím, Con đường mưa, Tình yêu trở lại, Cầu vồng sau mưa... khiến dư luận xôn xao nhiều ngày qua với nhiều ý kiến trái chiều. Ngoài ra, Nathan Lee còn thương thảo hai bài hát khác là Bình yên nhé và Yêu thương quay về từ nhạc sĩ Khắc Việt.

Dư luận xì xào một phần bởi, đây là những ca khúc góp phần làm nên tên tuổi của ca sĩ Cao Thái Sơn, cũng là những bản hit trong sự nghiệp của nam ca sĩ này.

Có những ý kiến từ công chúng cho rằng, Nathan Lee cao tay khi mua độc quyền trọn đời các ca khúc này khiến đối phương không kịp xoay xở.

Nhưng xì xào chưa dừng lại ở đó, mũi dùi lại chĩa về phía nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung - người bán độc quyền các sáng tác của mình cho Nathan Lee.

Người ta lạnh lùng chỉ trích, nhạc sĩ tham lam và không nghĩ đến tình thân gây dựng bao năm qua.

Vậy việc mua bán ca khúc độc quyền có “hợp tình hợp lý”, việc nhạc sĩ bán, sáng tác độc quyền có đáng bị lên án?

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ca sĩ Long Nhật cho hay: “Việc mua bán ca khúc độc quyền là quyền tự do của hai bên nhạc sĩ và ca sĩ. Có nhiều quan điểm khác nhau về điều này. Có người sẽ rao bán giá ca khúc rất cao, có người chấp nhận mua. Nhưng cũng có người tặng không, tặng miễn phí ca khúc cho ca sĩ miễn là bài hát của họ được "sống" với khán giả. Người ta vẫn gọi là “thị trường âm nhạc”, mà đã là thị trường thì vẫn có những trao đổi thuận mua vừa bán.

Bản thân Long Nhật từng có hai bài hát hit là Tóc em đuôi gà và Lặng thầm của nhạc sĩ Thế Hiển mà tôi mua được hai căn nhà. Sự thật là, có những ca sĩ hát bài đó trước thành công, rồi có ca sĩ khác mua lại nhưng hát không có duyên, không tạo ra một hiện tượng là chuyện bình thường”.

Còn nhạc sĩ Lê Thanh Phương nêu quan điểm: “Pháp luật không cấm việc nhạc sĩ bán bài hát độc quyền cho ca sĩ. Miễn là việc mua bán diễn ra văn minh, đúng luật.

Khán giả cứ nghĩ, nghệ sĩ thì phải bay bổng, cứ nói đến tiền nong là hết lãng mạn. Nhưng ca sĩ có một bài hát, hát đi hát lại, biểu diễn ở nhiều show thì có tiền cát xê, mua được nhà, được xe, còn người sáng tác nhạc có gì? Nếu họ đăng ký với trung tâm Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam thì sẽ được một chút tiền bản quyền thôi. Vậy là quá thiệt thòi.

Nếu có người muốn mua, thì việc bán ca khúc độc quyền cũng là bình thường. Không phải tranh cãi”.

Nhà biên kịch Chu Thơm cho hay: “Việc bán bài hát độc quyền cho ca sĩ cũng như việc bán kịch bản cho một nhà hát thôi, đây là giao dịch bình thường như các mẹ, các chị ra chợ mua đồ ăn. Có nhu cầu là sẽ có nguồn cung.

Có điều, việc mua bán lại là ở lĩnh vực nghệ thuật nên nhiều người không thích sự “trần trụi” này. Còn chuyện khán giả “hoắng” lên, tôi cho rằng, đây là xấu tính, đố kỵ không muốn người khác hơn mình.

Ở mảng biên kịch, kịch bản, nhiều đơn vị như hãng Phim truyện Việt Nam, cục Điện ảnh… họ cũng tổ chức các cuộc thi để làm dồi dào hơn số lượng kịch bản phim. Sau đó nếu các kịch bản không được chọn, các nhà biên kịch cũng “rao bán” đến các Nhà hát, sân khấu cần. Cũng chẳng khác gì nhau.

Showbiz này ồn ào quá, hết bị ném đá vụ quảng cáo sai sự thật, vụ đi từ thiện và lại đến việc “bóc phốt” chuyện mua bán bài hát.

Đừng thần thánh hoá nghệ sĩ, họ cũng là người, vẫn phải có kinh tế để ăn. Không riêng gì ở Việt Nam mà trên thế giới, họ mua bản quyền bài hát nhiều lắm.

Việc mua bán sáng tác là chuyện có gì mà xấu hổ? Như hoạ sĩ vẽ ra thì bán tranh thôi, cũng là mua bán nghệ thuật đấy. Thậm chí, hoạ sĩ nổi tiếng còn rất giàu bằng nghề nữa cơ. Đừng vì sự nhỏ nhen ích kỷ của mình mà làm ồn ào thêm showbiz vốn rất phức tạp này”.

Nhạc sĩ Khắc Việt cũng cho hay: “Tôi luôn tặng bài hát cho đồng nghiệp của mình không lấy tiền, không phải vì tôi không thích tiền, mà có những tình cảm trân quý hơn tiền. Kể cả nhiều khi viết bài nhạc phim thương mại tôi cũng không lấy tiền, vì tôi sướng khi họ còn nhớ và tìm đến tôi, và tôi may mắn hơn các tác giả khác vì có làm kinh tế ở những phía cạnh khác để có thu nhập. Tôi sẽ bán bài hát khi nó đầy đủ yêu cầu về mặt thương mại do tôi đề ra. Vấn đề của tôi không phải là tiền, mà phải là nhiều tiền. Nếu 10 năm trước, con số nhạc sĩ nhận được cho một bài hát độc quyền chỉ vài triệu đồng nhưng hiện tại có thể lên tới 5.000 USD, phụ thuộc vào độ “hot” của nhạc sĩ, nhạc sĩ có làm hòa âm, phối khi hoặc sản xuất không. Với một số nhạc sĩ như Khắc Hưng, Tiên Tiên số tiền cát-xê còn có thể cao hơn thế”.

“Khi họ làm đúng và không vi phạm pháp luật thì khán giả không có lý do chỉ trích họ. Đó là chất xám, là công sức của nhạc sĩ, họ có quyền bán độc quyền cho ca sĩ. Người hát trên sân khấu được hưởng lợi rất nhiều, họ cũng không có quyền nói nhạc sĩ tham lam.

Ở các nước phương Tây, việc mua bán ca khúc là việc làm văn minh, thậm chí có cả một công ty trung gian đứng ra làm việc này.

Người ta cứ nghĩ rằng, có bài hát đó, cứ lấy hát là được, không cần xin phép ai. Nhưng một khi bài hát được đăng ký sở hữu trí tuệ, được mua bán đúng luật thì việc "dùng nhầm" như vậy là không được. Nếu tôi mua ca khúc độc quyền trọn đời mà anh dùng hát trên sân khấu là anh sai” - Ca sĩ Ngọc Anh cho PV Người Đưa Tin Pháp Luật hay.

Tôi còn gia đình và con cái để lo. Tôi bán các tác phẩm của mình để thu lợi nhuận có gì mà tham tiền?

Cá nhân tôi mất 8 năm, bỏ gần 900 triệu đồng để đưa 300 bài hát thiếu nhi đến với nhà trường, phụ huynh cả nước mà hoàn toàn không thu lại đồng nào. Bản thân Cao Thái Sơn cũng thừa nhận với tôi, nhờ những bài đó mà Sơn có cuộc sống tốt hơn rất nhiều nhờ đi show. Một bài hit có thể thay đổi cuộc sống của ca sĩ, nhưng chẳng thay đổi gì với cuộc sống của một nhạc sĩ.

Tôi từng bán bài độc quyền cho Cao Thái Sơn trong 2 năm (2008-2010). Sau khi hết hạn độc quyền, Cao Thái Sơn không tiếp tục gia hạn độc quyền mà mua tác quyền để sử dụng ca khúc.

Thực tế là sau năm 2010 đến giờ, Sơn vẫn thoải mái hát những bài đó ở rất nhiều sân khấu. Cũng có lần Sơn thừa nhận nhờ những bài đó mà Sơn có cuộc sống tốt hơn rất nhiều nhờ đi show.

Tôi bán bài hát cho Nathan Lee vì ca sĩ này đặt vấn đề làm mới hit cũ của mình. Tôi bán độc quyền thay vì bán tác quyền để ca sĩ dồn hết tâm sức đầu tư bài hát tương xứng với số tiền bỏ ra.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật Kết Nối (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) chia sẻ: “Khi một nhạc sĩ sáng tác ra một bài hát thì bài hát đó được gọi là tác phẩm và người nhạc sĩ được gọi là tác giả của tác phẩm đó.

Theo đó người nhạc sĩ đã tự xác lập cho mình một quyền đối với bài hát là quyền tác giả. Quyền này được quy định tại luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019.

Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm. Quyền tài sản là những quyền trị giá được tính bằng tiền, là những quyền mà người ta có thể sử dụng nó để tạo ra các lợi ích vật chất.

Trong quyền tác giả, quyền tài sản bao gồm quyền làm tác phẩm phái sinh, quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng, sao chép tác phẩm, phân phối nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, truyền đạt tác phẩm đến công chúng, cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

Quyền tài sản được coi là một loại tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, nó giống như tiền, vật… Quyền tài sản có thể được chuyển giao cho người khác. Ví dụ nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là tác giả của bài hát Cầu vồng sau mưa thì ca sĩ nào muốn biểu diễn bài hát đó trước khán giả phải được sự đồng ý của anh. Như vậy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đang thực hiện quyền tài sản trong quyền tác giả của mình”.

Việc bán độc quyền tác phẩm như vậy hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Bởi vì như tôi đã nói, quyền tài sản là một loại tài sản và pháp luật không cấm mua bán. Mặc khác, luật Sở hữu trí tuệ cũng thừa nhận tư cách chủ sở hữu tác phẩm cho người được chuyển giao quyền tài sản. Trên thực tế các hợp đồng chuyển giao quyền tài sản đối với tác phẩm được xác lập thực hiện rất phổ biến và đó là nguồn thu nhập không nhỏ của các tác giả.

Trong thời gian gần đây, xuất hiện trường hợp một ca sĩ có nguy cơ không còn bài hát để biểu diễn do những bài hát làm nên tên tuổi của mình đã bị tác giả bán độc quyền cho một ca sĩ khác. Điều này thể hiện nhận thức chưa đầy đủ về pháp luật của nghệ sĩ, không biết về quy định của pháp luật cho phép những giao dịch kiểu như vậy và một phần vì quá tin tưởng vào nhạc sĩ sáng tác những tác phẩm đó cho mình.

Do đó tôi khuyên các nghệ sĩ nếu muốn hoạt động biểu diễn thuận lợi thì nên có những hợp đồng bằng văn bản với nội dung rõ ràng về quyền đối với tác phẩm. Nội dung như: bài hát này nghệ sĩ được độc quyền biểu diễn, thời gian độc quyền biểu diễn là bao lâu, sau mỗi lần biểu diễn phải trả cho tác giả bao nhiêu tiền…

Như vậy sẽ tránh những tranh chấp không đáng có sau này và không bị mất đi cần câu cơm nhất là khi tác phẩm làm nên tên tuổi của nghệ sĩ”.

Lạc Thành

Theo người đưa tin