Bài I: Doanh nghiệp du lịch Thanh Hóa: Đang "ngồi trên đống lửa"

22:17 22/06/2021

Có thể nói trong lịch sử loài người chưa bao giờ dịch bệnh lại có sức tàn phá đến khủng khiếp như đại dịch Covid19. “Sóng thần” co ro na đã và đang gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với ngành du lịch. Rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này buộc phải “chia tay” với nghề, hoặc như đang “ngồi trên đống lửa”. Doanh nghiệp du lịch Thanh Hóa không nằm ngoài tình trạng đó và đang “gồng mình” vượt bão Covid19, cùng với chính quyền đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn như tinh thần Nghị quyết 58 của Chính phủ.

Pù Luông mùa lúa chín nhưng vắng tanh  khách du lịch vì dịch bệnh

Pù Luông mùa lúa chín nhưng vắng tanh khách du lịch vì dịch bệnh.

Như chúng ta đã biết, năm 2020, doanh nghiệp du lịch cả nước nói chung và doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã phải “ngủ dài” hoặc “thức” trong thấp thỏm, lo âu. Những tháng đầu năm 2021, khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã cùng nhau xây dựng kế hoạch vực dậy ngành du lịch. Song “Niềm vui ngắn chẳng tày gang”, làn sóng dịch bệnh Covid 19 mới bùng nổ tại Việt Nam khiến mọi kế hoạch của tỉnh, doanh nghiệp và nhân dân đành gác lại.

“Đòn đau” khi “vết thương” cũ chưa kịp lành

Ám ảnh về một mùa du lịch biển 2020 với hàng ngàn xe ô tô nằm lặng thinh trong bãi đỗ, nhà hàng, khách sạn đồng loạt treo biển “Không tiếp khách” hẳn còn in đậm trong tâm thức của mỗi chúng ta.

Những tưởng bức tranh màu xám đó sẽ dần sáng trở lại khi đến tháng 7 - 2020, khách đến Sầm Sơn (Thanh Hóa) phải “tắm đứng”. Các khách sạn, resort và dịch vụ du lịch kéo theo rơi vào tình trạng quá tải. Nhưng không được bao lâu, “cú đấm bồi” thứ 2 vào du lịch khi xuất hiện ca bệnh ở Đà Nẵng khiến du lịch Thanh Hóa gần như “đóng băng”.

Mùa du lịch năm nay, bóng ma kinh hoàng mang tên Covid -19 bất ngờ trở lại nước ta. Hàng ngàn doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch tại Thanh Hóa khó khăn chồng lên những khó khăn. Vết thương cũ của năm 2020 chưa kịp lành, dịch bệnh lại ập đến khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, nợ nần chồng chất.

Những điểm du lịch biển nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa vào những ngày chính hạ, lặng thinh như chốn không người. Ngoài việc không có doanh thu các doanh nghiệp kinh doanh du lịch còn phải bỏ ra nhiều chi phí để phòng chống dịch. Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ nương theo hoạt động du lịch cũng bị “vạ lây”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Công ty CPTM Thanh Bình đã nhiều năm kinh doanh nhà hàng, khách sạn trên đường Hồ Xuân Hương, TP Sầm Sơn cho biết: “Từ năm 2019 về trước, thời gian đầu mùa hè, khách sạn chúng tôi đã có những doanh thu đáng kể từ nhiều công ty trong và ngoài tỉnh. Mùa hè năm 2020, khách sạn Thanh Bình Good với 178 phòng của chúng tôi cũng như bao khách sạn khác phải treo biển đóng cửa, tạm dừng đón khách theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như của thành phố.

 “Ngày đó, chưa đợi đến những quy định của nhà nước, bản thân những người kinh doanh du lịch chúng tôi cũng ý thức được nên “nghỉ” vào thời điểm dịch bệnh. Tất cả vì một ngành du lịch sạch đẹp, an toàn, chúng tôi nhất quyết không vì lợi nhuận mà làm ảnh hưởng đến du khách. Những ngày chúng tôi phải “nghỉ” kinh doanh du lịch đó thật khó khăn. Những khoản nợ dây chuyền nối tiếp nhau khiến tôi không thể gồng gánh được và quyết định chuyển nhượng cho một ông chủ khác. Mặc dù rất tiếc và rất yêu nghề nhưng rồi, tôi phải quyết định chia tay với ngành du lịch sau bao khó khăn, nỗ lực”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ngoài một số khách sạn đã rao bán, chuyển nhượng bởi không thể trụ nổi thì vẫn còn những khách sạn cố cầm cự nhưng lâm vào cảnh “Tiến thoái lưỡng nan”.

Ông Lê Văn Tạo, người đã thầu lại khách sạn Sông Gianh với hơn 100 phòng (bãi A, TP Sầm Sơn, thuộc Công ty TNHH Sông Gianh)) như đang “ngồi trên đống lửa”. 3 năm thầu lại khách sạn (từ tháng 10/2019) mất 12 tỷ đồng, một phần không nhỏ phải vay ngân hàng. Thế nhưng 2 mùa du lịch ông gặp “đại hạn”. Mùa du lịch năm 2020, khách sạn kinh doanh được khoảng 20 ngày không thấm vào đâu. Khoản nợ ngân hàng không có nguồn thu nào để trả lãi, cứ “giật gấu vá vai” xoay sở từng tháng một. Hơn nữa, sau khi thuê lại, mỗi năm ông bỏ ra mấy trăm triệu tu sửa lại một số hạng mục.

Năm 2020, tình trạng khách hủy tour đã đặt, không lên kế hoạch đi du lịch là phổ biến do diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid 19. Hồi đó ông phải bán 1 xe chở khách để lấy tiền trang trải và thuê nhân viên.

Được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ tỉnh Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn và nguồn vốn từ ngân hàng, ông Tạo đã dồn hết tâm lực và tài lực cho mùa du lịch năm nay. Hi vọng du lịch khởi sắc để bù cho những khoản lỗ của năm ngoái.

Sau đêm khai trương du lịch Sầm Sơn 2021, bất ngờ dịch bùng phát trở lại, khách đặt phòng lần lượt gọi hủy. Một ngày sau ca nhiễm Covid19 ở Hà Nam, nhân viên của ông Tạo chỉ làm một việc duy nhất là hoãn, hủy dịch vụ cho khách. Cú đấm bồi lần này đối với những người kinh doanh du lịch như ông Tạo là quá sức, thiệt hại về tài chính là vô cùng nặng nề.

Ông Tạo lo lắng: “Năm ngoái mặc dù thất bại nhưng còn đỡ lo, năm nay lo lắm. Mở rộng kinh doanh du lịch chưa được gì, giờ tôi còn nghĩ đến chuyện mất nhà. Làm nghề du lịch thời đại dịch thật "đau tim”. Bây giờ từ bỏ cũng chết mà tiếp tục cố gắng sẽ không biết đi về đâu”.

Doanh nghiệp du lịch, người dân vùng du lịch đang sống trong cảnh thấp thỏm lo âu. Vỡ nợ thậm chí khánh kiệt là nguy cơ hiện hữu với ông ít ông chủ nhà hàng khách sạn tại Thanh Hóa trước tình hình Covid19 đang “căng như dây đàn”.

Nhiều khách sạn ở Sầm Sơn đã phải rao bán vì dịch bệnh Covid 19
Nhiều khách sạn ở Sầm Sơn đã phải rao bán vì dịch bệnh Covid 19.

Lao động ngành du lịch lao đao

Những khó khăn trong thời điểm này không chỉ là câu chuyện riêng của các chủ doanh nghiệp du lịch mà còn là câu chuyện của rất nhiều lao động trong các ngành du lịch và dịch vụ ăn theo.

Giữa ngày hè nắng như đổ lửa, trên đường Hồ Xuân Hương, TP Sầm Sơn, bác chạy xe xích lô, trạc gần 60 tuổi vẫn bon bon trên đường. Mặc dù không hề có khách, 15 ngày nay bác chưa có một đồng nào nhưng thi thoảng vẫn chạy xe cho ắc quy không bị hỏng. Phần nữa cũng vì buồn, chẳng có việc làm và nhớ “nghề”.

Anh Nguyễn Tiến Cường, nhân viên lễ tân khách sạn Biển Đợi ngay bãi B của Sầm Sơn cho biết: “Dù có nhiều năm hoạt động trong ngành du lịch nhưng chưa bao giờ tôi chứng kiến các nhà hàng, khách sạn gặp khó khăn đến vậy. Thông thường, thời điểm hè này là mùa cao điểm của du lịch tại Sầm Sơn, chúng tôi hầu như không có thời gian để nghỉ.

2 mùa hè năm nay thì ngược lại, do ảnh hưởng dịch Covid-19 đã khiến nhân viên chúng tôi lao đao vì khách sạn ế ẩm. Đến nay cả khách sạn 160 phòng ngay bãi biển chỉ có 2 nhân viên trông coi. Trong khi thời cao điểm có 60 lao động, nhân viên mùa vụ và hợp đồng. Tôi là một trong 2 nhân viên may mắn được giám đốc giữ lại và hưởng lương mùa Đông (bằng 60% lương ngày hè). Những nhân viên ở đây nếu là thanh niên thì họ đi làm việc khác, số còn lại thất nghiệp.

Từng là nhân viên viên cho Công ty Bằng Giang, chị Nguyễn Thị M. (trú tại phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn) đã phải nghỉ việc từ mùa hè năm 2020 đến nay. Thời gian đầu nghỉ dịch, chị vẫn có tiền tích lũy để trang trải cuộc sống. Mùa hè năm nay chị đang chuẩn bị tinh thần đến làm việc thì dịch lại bùng phát. Không còn nghĩ đến việc sẽ tiếp tục làm du lịch do dịch dã phức tạp, chị đã phải bán hàng online để có thêm tiền trang trải cuộc sống. Chị M. cho biết, dù rất trông đợi tình hình dịch bệnh khả quan và khách sẽ sớm quay lại với Sầm Sơn, song vẫn phải nhìn nhận thực tế là rất ít hi vọng. 

Chị M.cho biết: “Thường chúng tôi làm 3 tháng du lịch cũng đủ trang trải sinh hoạt được cả năm. 2 năm nay công việc không ổn định nên không có tiền nuôi con ăn học, làm những công việc mới này thu nhập bấp bênh lắm! Tôi cầu mong nhanh hết dịch để được tiếp tục công việc ở khách sạn”.             

Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Thiện Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Sầm Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn, cho biết: Số lượng doanh nghiệp kinh doanh du lịch, thương mại, vui chơi giải trí chiếm số lượng lớn trong cộng đồng doanh nghiệp của Sầm Sơn. Những doanh nghiệp này đang bị thiệt hại quá tầm kiểm soát khi có dịch bệnh. Tình hình này kéo dài những doanh nghiệp mới thành lập trên địa bàn có nguy cơ phá sản rất cao. Có nhiều doanh nghiệp vẫn phải duy trì bộ máy công nhân, đóng bảo hiểm cho người lao động nên khó khăn chồng chất. Rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này buộc phải “chia tay” với nghề, hoặc như đang “ngồi trên đống lửa”.

“Tình hình này kéo dài doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ thương mại có nguy cơ không chết vì dịch bệnh Covid-19 mà chết vì đói”, ông Tâm nói.

Hiền Minh