Ăn Tết vòng quanh thế giới trong đại dịch

14:32 25/01/2022

Tết đến xuân về cũng là lúc gia đình đoàn tụ xum vầy, là dịp để những người con xa xứ tìm về với đất mẹ. Ấy vậy mà sự xuất hiện của biến thể Omicron cũng như Delta đang hoành hành tiếp tục phủ bóng đen ngay trước thềm thế giới đón năm mới. Bước sang năm thứ ba của đại dịch, dù không còn những dịp huyên náo, nô nức trẩy hội nhưng dường như người dân các nước đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng bởi ai nấy đều biết rằng: Chỉ cần một năm mới bình yên là đã đủ.

Năm mới Nhật Bản và những phong tục “đầu tiên” 

Hatuhinode – The first Sunrise tức là mặt trời mọc đầu tiên là một phần lễ mừng năm mới tại Nhật Bản
Hatuhinode – The first Sunrise tức là mặt trời mọc đầu tiên là một phần lễ mừng năm mới tại Nhật Bản. 

Khi số ca lây nhiễm vi-rút Corona giảm dần cũng là lúc người dân Nhật Bản rục rịch lên kế hoạch lễ tết trở lại. Đã đến lúc tạm biệt năm cũ và đón chào năm mới với khởi đầu đầy hứa hẹn. Năm 2020, xứ sở Hoa Anh Đào cũng như phần đông các quốc gia đón Tết trong không khí ảm đạm chưa từng có, ai nấy đều căng mình chống dịch, thậm chí sự kiện chúc mừng năm mới theo thông lệ của Nhật Hoàng cũng bị hủy bỏ và phát sóng trực tuyến thay thế.

Đến với năm 2022, dường nhưmọi thứ đều trở nên khác biệt, tích cực hơn, chủ động hơn và lạc quan hơn. Tỷ lệ tiêm vắc xin của Nhật Bản được xếp hạng trong top 3 các nước G7 với số ca mắc mới được kiểm soát tương đối tốt. Nhật Hoàng và các thành viên hoàng gia một lần nữa sẽ xuất hiện trang trọng trên ban công của cung điện, vẫy chào công chúng và chúc tụng cho năm mới nhiều may mắn.Năm mới ở Nhật được tính từ lúc nửa đêm ngày 1/1 và trải qua quãng thời gian lịch sử 150 năm. Năm 1873, năm năm sau thời kỳ Minh Trị(1868-1912), đất nước đã đổi sang sử dụng Dương lịch (lịch Gregory).

Ngày 1/1 trở thành ngày đầu nămchính thức và hầu hết các sự kiện văn hóa cũng theo đó xoay vần. Trước khi Shogatsu – tên gọi năm mới của Nhật Bản bắt đầu, ngày cuối cùng của năm được gọi là Omisoka có nghĩa làGiao thừa. Trong ngày 31/12, người dân cả nước hoàn thành mọi công việc còn dang dở, rà soát các khoản nợ trước thềm năm mới cũng như dọn dẹp nhà cửa, tắm rửa sạch sẽ. Chắc chắn rằng sẽ rất khó để cả thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng được đón một năm mới trọn vẹn, đủ đầy như trước khi Covid xuất hiện, nhưng xin đừng vì thế mà nản lòng, dù là năm 2020 bước sáng 2021 hay chuẩn bị đón chào 2022, trong nguy có cơ, chúng ta vẫn lạc quan, vui vẻ khắc phục cái cũ, đón nhận cái mới.Ngày đầu tiên của nămlà thời điểm thiêng liêng để thực hiện những nghi lễ đầu tiên như Kakizome - Bức thư pháp đầu tiên và Hatuyume - Giấc mơ đầu tiên.

Văn hóa người Nhật thường dành thời gian quây quần bên gia đình,có lẽ vì lẽ này mà người dân nơi đây không cảm thấy quá bức bí khi phải ở nhà xuyên suốt mùa nghỉ lễ năm ngoái. Từ năm 1951, truyền hình Nhật Bản đã phát sóng chương trình Kohaku uta Gassen giải trí đêm giao thừa tại nhà. Cuộc thi hát trực tiếp kéo dài bốn giờ đến tận gần nửa đêm với sự góp mặt của các danh ca được yêu thích nhất năm. Chủ đề năm nay là “Sắc màu” nhằm vẽ nên bức tranh tương lai tươi sáng, cổ vũ tinh thần chống dịch.

Lễ hội sẽ không còn là lễ hội nếu thiếu đi những món ăn chậm chất văn hóa dân tộc. Năm mới ở Nhật Bản gắn liền với danh sách dài ẩm thực truyền thống. Đầu tiên phải kể đến món mỳ trường thọ Toshi-koshi soba cầu chúc sức khỏe. Ẩm thực mỗi vùng sẽ có sự khác biệt nhất định nhưng nổi bật vẫn là phong tục “tẩy trần” bằng một ngụm Toso, một hỗn hợp rượu sake ngâm với gừng khô, hạt tiêu Nhật và quế. Người ta tin rằng nhấp một ngụm rượu sẽ giúp đẩy bệnh tật còn sót lại trong năm cũ ra khỏi cơ thể và ban phước lành.

Khi thời khắc giao thừa đã điểm, người Nhật ghé thăm đền dâng lễ được coi là chuyến viếng thăm đầu tiên trong năm. Nếu là trước đây, người dân đi lễ vui như hội, giữa không gian linh thiêng, cả biển người chắp tay cầu nguyện. Năm nay, do tình hình dịch bệnh khó lường, nhiều người chia sẻ họ sẽ chỉ đi thăm đền tại địa phương hoặc khu vực lân cận. Những địa điểm này quy mô nhỏ, không quá đông đúc, phù hợp gặp mặt gia đình, bạn bè. Giống như chuyến thăm đền đầu tiên, phong tục Hatuhinode – The first Sunrise tức là mặt trời mọc đầu tiên cũng là một phần lễ mừng năm mới. Như tên gọi “đất nước mặt trời mọc”, phong tục này đã thêu dệt nên bản sắc riêng của cả một dân tộc. Ngắm nhìn mặt trời mọc được bình chọn là lựa chọn thơ mộng nhất để bắt đầu năm 2022.

Giao thừa đến sớm ở Canada 

Nếu không vì tình hình dịch bệnh căng thẳng, người dân Canada sẽ đón năm mới với màn pháo hoa tưng bừng như vậy
Nếu không vì tình hình dịch bệnh căng thẳng, người dân Canada sẽ đón năm mới với màn pháo hoa tưng bừng như vậy. 

Trước ngày 17/12, điểm sáng tích cực nhất khởi đầu năm 2022 là Toroto tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Theo đúng lịch chương trình, pháo hoa sẽ bắn tầm cao dọc theo bờ sông của Toronto để người dân không phải tập trung ở một địa điểm cụ thể. Cho đến thời điểm đó, ông Tory vẫn tràn đầy niềm tin và hy vọng màn bắn pháo hóa sẽ mở ra khởi đầu mới rực rỡ hơn, thuận lợi hơn và đất nước có thể “mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.

Thế nhưng, niềm vui chẳng tày gang, chiều thứ sáu 17/12, giới chức Canada tuyên bố tất cả các bữa tiệc và sư kiện trong đêm trọng đại sẽ bị hủy bỏ. Tiến sĩ Bonnie Henry từ cơ quan y tế chia sẻ đầy tiếc nuối: “Tất cả các bữa tiệc đêm giao thừa sẽ bị dừng lại, bất kể quy mô. Các nhà hàng có thể hoạt động nhưng có một số yêu cầu bắt buộc về số lượng đơn hàng và đảm bảo biện pháp phòng dịch”.

Cũng chính vì lẽ này, người dân vùng Quebec nô nức đón giao thừa sớm. Tại một trong những thành phố quyến rũ, xinh đẹp, nóng bỏng với những bữa tiệc tùng bất tận là Quebec, hàng loạt sự kiện dường như đang chạy đua với thời gian sau thông báo đóng cửa quán bar, rạp chiếu phim,... lúc 5h chiều 20/12. Bỏ qua mối bận tâm Covid, tạm gác nỗi lo số ca mắc tăng cao nhất mọi thời đại, người dân Quebec quyết định đón giao thừa sớm trước khi lệnh hạn chế có hiệu lực. Video lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh một căn phòng chật ních người đang nhảy múa, uống rượu, đếm ngược năm mới tại câu lạc bộ Kampai Garden, trung tâm thành phố Montreal. Tiến sĩ Donald, chuyên gia tại Trung tâm Y tế Đại học McGill cho hay: “Mặc dù thủ tướng và bộ trưởng bộ y tế yêu cầu dừng mọi hoạt động nhằm đảm bảo tình hình dịch bệnh không vượt tầm kiểm soát, rất nhiều người dân coi đây là dịp cuối để ăn mừng trước ‘ngày tận thế’, tiệc tùng thì vui đấy nhưng họ bất cẩn quá”.

Trung Quốc: Vẫn sẽ là một năm mới sum vầy 

Treo câu đối đỏ là phong tục truyền thống của Trung Quốc
Treo câu đối đỏ là phong tục truyền thống của Trung Quốc. 

Tết Nguyên Đán 2021 rơi vào ngày 12/2 trong bối cảnh số ca mắc mới Covid-19 gia tăng trên cả nước, chính phủ Trung Quốc khuyến cáo người dân không nên đi du lịch, thay vào đó kêu gọi đón năm mới tại nơi cư trú, làm việc, gây xáo trộn không nhỏ.  Năm nay, trước thềm hai dịp lễ quan trọng nhất, một số thành phố và khu vực đã công bố chính sách khuyến khích người dân ở lại trong hai kỳ nghỉ lễ. Không giống như trước đây, các đề xuất hiện nhắm mục tiêu rõ ràng hơn, cân nhắc và phù hợp với điều kiện từng địa phương. Tại cuộc họp báo vừa qua, người đứng đầu nhóm chuyên gia ứng phó Covid-19 của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, Liang Wannian cảnh báo các khu vực có nguy cơ trung bình và cao, cảng và thành biên giới cũng như các điểm nóng du lịch thực hiện nghiêm công tác chống dịch. Các khu vực khác nên áp dụng chính sách linh hoạt dựa trên tình hình cụ thể thay vì đóng băng toàn bộ hoạt động.

Theo tục lệ, Tết là thời gian dành cho gia đình, sum vầy tổ ấm. Hoạt động phổ biến nhất là cả nhà quây quần bên bữa tối đêm giao thừa (84%) nhưng từ năm ngoái, số lượng người dùng bữa tại nhà gần như đạt 100%. Kế đến là phong tục mừng tuổi và đón xem các chương trình năm mới.Dự kiến, người dân Trung Quốc đón chào năm 2022 sẽ không có quá nhiều khác biệt so với năm trước. Đoàn tụ gia đình, cùng nhau thực hiện các nghi lễ truyền thống vẫn là đóng vai trò chủ đạo.

Đêm giao thừa, người người nhà nhà bận rộn trang hoàng nhà cửa bằng sắc đỏ may mắn. Nào là đèn lồng, nào là treo câu đối, trẻ em trong nhà thi nhau cắt giấy với quan niệm xua đuổi tà ma, cầu mong phước lành, sức khỏe và bình an. Bữa tối sum họp ngày cuối năm là tục lệ bắt buộc. Con cháu trong nhà cố gắng thu xếp về cho kịp cái Tết nhưng thực tế mà nói, năm nay mọi thứ vẫn chưa ổn định. Quây quần bên bàn tròn là một đại gia đình nhiều thế hệ cùng thưởng thức các món ăn mang ý nghĩa may mắn như cá, bánh bao, bánh nếp,... đều là ẩm thực mang tính biểu tượng. Còn gì vui thú và ấm áp hơn khi vừa thưởng thức bữa cơm nhà bấy lâu trông ngóng, vừa đón xem Gala năm mới. Chương trình bắt đầu từ lúc 8 giờ và kết thúc đúng nửa đêm với các màn trình diễn kết hợp hài hòa giữa dân gian, cổ truyền và hiện đại, phù hợp mọi lứa tuổi.

Sau bữa cơm, cha mẹ thường tặng con cái phong bao đỏ với ý nghĩa cầu chúc cho con mạnh khỏe, học giỏi, chóng lớn trong năm tới. Tiền trong phong bao lì xì được cho sẽ mang lại may mắn cho người nhận vì màu đỏ vốn là màu may mắn theo Trung Quốc quan niệm. Thú vị hơn cả, người Trung Quốc tin rằng những gì họ làm vào ngày đầu năm âm lịch sẽ ảnh hưởng đến vận may cả năm. Thời khắc năm mới gõ cửa, từ khắp thành thị đến miền quê, đâu đâu cũng nổ pháo vang trời, ròn rã, ánh sáng chói lòa cả bầu trời đem lại khoảnh khắc vui vẻ, tiếng pháo càng to gia chủ càng làm ăn tấn tới và gặp nhiều may mắn.

Singapore đón năm mới theo phong cách “công nghệ cao” 

Múa Lân tại Singapore
Múa Lân tại Singapore. 

Lại là một năm Singapore ăn Tết trong các hạn chế nghiêm ngặt. Trước sự hoành hành của biến thể Omicron, mặc dù đất nước đã bước vào giai đoạn 3 của quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế, người dân Singapore vẫn được yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi công cộng và chính phủ đang dốc toàn lực tăng cường tiêm chủng khi năm mới cận kề. Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi người dân hạn chế thăm nhà bạn bè, các mối quan hệ xã giao và chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình hoặc gặp mặt online. Người gốc Hoa chiếm 74 tổng dân số 5.69 triệu người của Singapore, do đó, số lượng khách mà mỗi nhà tiếp đón có thể lên tới hàng chục người trong ngày.

Thay vì tay bắt mặt mừng chúc tụng, năm ngoái cũng như năm nay, người dân Singapore đổi sang hình thức “công nghệ cao” là tặng tiền điện tử thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Ăn Tết ở Singapore là một trải nghiệm thú vị pha trộn giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Theo tục lệ bắt nguồn từ Trung Quốc, người dân có truyền thống lì xì hay còn gọi là “hongbao”. Hệ thống “e-hongbao” trở nên phổ biến song hành với sự phát triển của kỹ thuật số, cho phép mọi người chuyển tiền thông qua các ứng dụng thanh toán di động như WechatPay.

Trợ lý giám đốc điều hành MAS về tài chính, rủi ro và tiền tệ, ông Bernard Wee, lưu ý rằng xu hướng áp dụng thanh toán kỹ thuật số đã tăng đáng kể trong năm qua và tỏ ra tiện lợi hơn so với tiền mặt. Wee nói: “Tết Nguyên đán sắp tới là cơ hội để chúng tôi xây dựng trên đà phát triển lợi ích của tặng quà điện tử”. Số hóa quà tặng không chỉ là biện pháp hữu hiệu để đối phó với đại dịch mà còn được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế.

Nhận định về Tết Nhâm Dần, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Lawrence Wong chia sẻ: “Chúng ta hãy chuẩn bị tinh thần rằng Tết năm nay không giống như trước nhưng sẽ yên tĩnh và nhẹ nhàng hơn”. Một trong những hoạt động chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là truyền thống múa lân đã diễn ra hàng thế kỷ. Người Singapore gốc Hoa không còn được nghe tiếng chiêng, tiếng trống rền vang, chiêm ngưỡng các màn nhào lộn trên không điêu luyện. Tưởng chừng cái Tết tới đây sẽ lặp lại lịch sử chán chường như năm ngoài nhưng ánh sáng từ vịnh Marina sẽ là điểm sáng nổi bật nhất tại Singapore năm 2022.

Hàng năm, Singapore bắn pháo hoa đêm giao thừa tại khu vực vịnh Marina, thế nhưng để đảm bảo công tác phòng dịch, chính quyền đã chia nhỏ các địa điểm bắn pháo khác nhau ở trung tâm Đảo quốc Sư tử, giảm thiểu rủi ro tụ tập. Vịnh Marina năm nay sẽ trình diễn ánh sáng nghệ thuật, thể hiện sức mạnh của đất nước trong đại dịch. Marina Bay Countdown cũng sẽ mang đến chương trình “Share the moment” giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật của sinh viên địa phương. Mỗi bức tranh đều tái hiện khoảnh khắc người dân Singapore xích lại gần nhau và cống hiến hết mình cho tổ quốc. Thật lấy làm tiếc khi vịnh Marina không bắn pháo hoa nhưng toàn bộ Singapore năm nay vẫn sẽ được thắp sáng đúng nghĩa đại diện cho một tương lai sán lạn.

TL