An Giang: sắp có khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn

17:05 19/11/2021

Tỉnh An Giang vừa phê duyệt đề án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí thuộc khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến, xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn.

An Giang: sắp có khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn
An Giang: sắp có khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn. 

Cụ thể, ngày 18/11 UBND tỉnh An Giang cho biết đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí thuộc khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến, xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn.

Theo đó, khu du lịch sinh thái nói trên có tổng diện tích hơn 256 ha, trong đó có 3 phân khu chức năng, bao gồm: Khu bảo vệ nghiêm ngặt; khu phục hồi sinh thái và khu dịch vụ - hành chính.

Trong giai đoạn từ năm 2021 - 2030, An Giang chỉ cho một nhà đầu tư thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái theo nguyên tắc không đánh đổi hoặc làm quá tải gây tác động đến hệ sinh thái rừng tràm, đất ngập nước và tài nguyên thiên nhiên để lấy giá trị kinh tế.

Du khách đến đây sẽ được đưa đi bằng xuồng chèo tay hoặc xuồng máy để tham quan, khám phá cảnh quan kênh, mương, trảng cỏ, rừng tràm, đầm lầy…Trong hành trình khám phá, du khách được trải nghiệm với việc tự tay trồng những cây tràm trên diện tích đất trống hoặc bờ kênh.

Chủ đầu tư có trách nhiệm làm bảng đánh dấu số hiệu cây, làm bảng điện tử ghi tên người trồng và số hiệu cây để ghi nhận đóng góp của du khách để họ sẽ nhìn thấy cây mình trồng còn sống và lớn lên trên khu du lịch này.

Khách du lịch còn được tập đánh bắt cá trên kênh bằng các dụng cụ truyền thống. Khi cá được đánh bắt sẽ có kỹ sư thủy sản giới thiệu cho khách biết về tên, giá trị của nó cũng như các quy định của pháp luật về những loài cá được đánh bắt và sử dụng. Nếu cá được đánh bắt là loài quý, hiếm thì kỹ sư thủy sản hướng dẫn khách du lịch thả chúng để bảo tồn.

Cũng theo đề án này, UBND tỉnh An Giang yêu cầu chủ đầu tư phải duy trì được tính "thiên nhiên" của khu rừng ngập nước nên không được bao kín khu vực thuê môi trường rừng bằng bất cứ vật liệu gì. Đồng thời, gắn với phát triển các làng nghề truyền thống, tạo sinh kế và thu nhập cho cộng đồng. Các công trình nghỉ dưỡng cao không quá 12m và chỉ được xây dựng ở những nơi đất trống, trảng cỏ hoặc đất có cây bụi không có khả năng tự phục hồi.

Theo báo Người lao động