Ấn Độ có phải "thị trường tỷ đô" tiếp theo của hàng xa xỉ?

09:38 23/11/2021

Cho đến nay, ngành công nghiệp xa xỉ vẫn chưa khai thác hết khả năng của Ấn Độ trên con đường trở thành một cường quốc kinh tế toàn cầu đang lên.

Bộ sưu tập của Hermes tại thị trường Ấn Độ
Bộ sưu tập của Hermes tại thị trường Ấn Độ. (Ảnh: Hermes) 

Trung Quốc đã trải qua quá trình chuyển đổi lịch sử với sự đổ bộ của hàng loạt các thương hiệu lớn toàn cầu, đặc biệt trong thời điểm hỗn loạn chuỗi cung ứng gây ra nhiều bất ổn. Mặc dù rất khó để thoát ly hoàn toàn sự phụ thuộc vào Trung Quốc nhưng khai phá thị trường mới như Ấn Độ cũng là chiến lược mở rộng khả thi cho các thương hiệu xa xỉ. Trong nhiều năm, các nhà phân tích đã dự đoán sự trỗi dậy của Ấn Độ như một siêu cường toàn cầu, ngay cả đại dịch Covid-19 cũng không cản trở được niềm tin tăng trưởng kinh tế dài hạn và tiềm năng thị trường chứng khoán của đất nước.

Trong một báo cáo chiến lược toàn cầu do Goldman Sachs công bố vào tháng 9 này, công ty đầu tư của Mỹ cho biết, thị trường chứng khoán của Ấn Độ có thể tăng lên hơn 5 nghìn tỷ USD để trở thành thị trường lớn thứ năm trên thế giới vào năm 2024. Sự phát triển của lực lượng lao động có tay nghề cao đã giúp Ấn Độ đẩy nhanh thịnh vượng kinh tế. Tuy nhiên, ngành công nghiệp xa xỉ chưa tận dụng triệt để quá trình trỗi dậy của Ấn Độ hay thực hiện các biện pháp giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. 

Hiện nay, một số thương hiệu đi đầu như Louis Vuitton, Hermès và Gucci ngày càng củng cố mối quan hệ với khách hàng Bollywood. Tuy nhiên, không phải tất cả các nhãn hàng xa xỉ đều có thể phát triển và nhân rộng chiến lược thâm nhập thị trường. Chẳng hạn, Tờ The Economic Times nhấn mạnh rằng, chi nhánh Hermès International tại Ấn Độ báo cáo lợi nhuận ròng tăng 55% ở mức 2,5 USD cho năm tài chính 2019 với doanh thu từ hoạt động là 14,7 triệu USD.

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thách thức mới và các thương hiệu xa xỉ cần tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số. Abhay Gupta, người sáng lập kiêm CEO của Luxury Connect chỉ ra: "Dịch bệnh thúc đẩy các lựa chọn phương tiện kỹ thuật số với cổng thông tin thương mại điện tử, mở ra mạng lưới khách hàng mới cho các nhãn hiệu. Ngoài ra bán hàng trên nền tảng số hóa giúp đảm bảo mức tăng trưởng tổng thể. Ấn Độ hiện đã sẵn sàng cho vị trí trung tâm của ngành hàng xa xỉ toàn cầu". 

Bên cạnh đó, ngành này cũng được hưởng lợi từ gia tăng dân số siêu giàu của đất nước. Ấn Độ vốn nổi tiếng với các cá nhân có giá trị ròng cao và cực cao trên thế giới. Hiện tại, đây là quê hương của 6.884 người giàu và con số này được dự đoán tăng 63% lên 11.198 vào năm 2025. Tầng lớp tỷ phú của Ấn Độ cũng được dự báo sẽ tăng 43% từ 113 vào năm 2020 lên 162 vào năm 2025. Với số lượng nhóm siêu giàu tăng nhanh, dân số trẻ đông đảo, chỉnh phủ hậu thuẫn khu vực kinh tế trung tâm, Ấn Độ đang trên đà tiêu thụ hàng xa xỉ lớn hơn nhiều so với trước đây. 

Thách thức của các thương hiệu trong giai đoạn tới đây là khoảng cách thu nhập ở Trung Quốc và Ấn Độ, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu theo chủ nghĩa tiêu dùng phương Tây. Cả hai quốc gia có những lộ trình khác nhau để phát triển và xây dựng đặc điểm thị trường riêng. Trong một bài báo đăng trên Tạp chí Hành vi Khách hàng, Julie Bogaert & Teck-Yong Eng lập luận rằng “Ấn Độ sở hữu giới thượng lưu giàu có như Maharajas, tầng lớp hoàng gia tiêu thụ các sản phẩm xa xỉ từ xưa đến nay". Ngược lại, hệ tư tưởng cộng sản thế kỷ 20 của Trung Quốc hiện hữu bất đồng trực tiếp với tiêu dùng xa xỉ. Do đó, các thương hiệu xa xỉ không thể áp dụng cùng một chiến lược thâm nhập thị trường ở Ấn Độ như với Trung Quốc. Nhìn chung, thị trường xa xỉ của Ấn Độ mang đến vô số cơ hội. Tuy nhiên, khó có khả năng Bollywood sớm thay thế Mỹ và Trung Quốc trở thành thị trường hàng xa xỉ lớn nhất toàn cầu. Thực tế là quy mô thị trường hàng xa xỉ của Ấn Độ vẫn còn tương đối khiêm tốn, chỉ ở mức 6 tỷ USD. 

TL