Ấn Độ cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc và Đông Nam Á trong đầu tư sản xuất

10:20 16/12/2021

Chính phủ Ấn Độ quyết tâm đầu tư 10 tỷ đô la hỗ trợ chuỗi cung ứng công nghệ trong nước, cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Quốc gia Nam Á đã thông qua các ưu đãi trị giá 760 tỷ rupee tương đương gần 10 tỷ đô la để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn và màn hình nội địa trong bối cảnh nước này cạnh tranh với Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam nhằm gây dựng chỗ đứng vững chắc hơn trong lĩnh vực điện tử toàn cầu. 

Theo đề án, một nửa chi phí viện trợ sẽ được cung cấp cho các dự án sản xuất đủ điều kiện. Trước đó, chính phủ đã dành 553 tỷ rupee cho hoạt động sản xuất hàng điện tử quy mô lớn và 980 tỷ rupee phát triển pin tiên tiến, linh kiện ô tô và các sản phẩm viễn thông mạng. Ấn Độ đã đạt được những bước tiến lớn trong lĩnh vực sản xuất ô tô, hàng công nghiệp và dược phẩm tại địa phương đồng thời trở thành nhà sản xuất xe hai bánh, ba bánh và dược phẩm gốc lớn nhất thế giới. Nước này cũng đạt danh hiệu nhà sản xuất thép và nhôm lớn thứ hai toàn cầu. Mặc dù có được nhiều tiến bộ đa dạng nhưng "gã khổng lồ" châu Á vẫn là kẻ tụt hậu trong lĩnh vực điện tử, đặc biệt là khi nhu cầu toàn ngành tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Chính phủ Ấn Độ tuyên bố: "Chương trình sẽ đẩy mạnh gia tăng giá trị nội địa cao hơn trong sản xuất điện tử và góp phần đáng kể hiện thực hóa tham vọng một nền kinh tế kỹ thuật số trị giá 1 nghìn tỷ đô la".

Ashwini Vaishnaw, Bộ trưởng Công nghệ Thông tin của Ấn Độ trả lời phóng viên rằng gói hỗ trợ trên là một "quyết định mang tính lịch sử chiến lược, làm tiền đề cho hệ sinh thái chất bán dẫn phát triển toàn diện bao gồm thiết kế, chế tạo, đóng gói và thử nghiệm". Hiệp hội Di động và Điện tử Ấn Độ ước tính trong năm kết thúc vào tháng 3 năm 2019, hàng điện tử chỉ chiếm 4,9% xuất khẩu sản xuất của Ấn Độ, so với con số 33,3% của Trung Quốc và 44,1% của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu hàng điện tử của Trung Quốc cùng năm gấp 81 lần Ấn Độ, trong khi của Việt Nam gấp 11 lần.

New Delhi đã công bố Chính sách Quốc gia về Điện tử vào năm 2019 nhằm thiết lập Ấn Độ trở thành trung tâm toàn cầu về sản xuất điện tử và đạt doanh thu 400 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025. Kế hoạch dự kiến ​​sản xuất 1 tỷ điện thoại di động trong nước vào năm 2025, trị giá 190 tỷ đô, bao gồm 600 triệu thiết bị cầm tay xuất khẩu có giá trị 110 tỷ đô la. Hàng loạt các ưu đãi được công bố sau đó đã tạo điều kiện cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh từ Apple và các công ty Trung Quốc như Xiaomi, Oppo cam kết đặt dây chuyền sản xuất tại Ấn Độ/ Một số đối tác từ Đài Loan như Foxconn và Pegatron xây dựng nhà máy ở bang Tamil Nadu. "Ông lớn" Samsung đã mở một đơn vị sản xuất màn hình ở bang Uttar Pradesh trong kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. 

Công ty tư vấn KPMG và ngân hàng HSBC lưu ý trong một báo cáo: "Hiện tại, Ấn Độ có khả năng sản xuất các thành phần quan trọng của điện thoại thông minh như bộ sạc, pin, tai nghe có dây nhưng chưa mạnh. Việc thiếu năng lực sản xuất trong nước buộc doanh nghiệp phải nhập khẩu linh kiện như chip, màn hình, mô đun camera và cảm biến hình ảnh, vốn chiếm một phần đáng kể chi phí cho một chiếc điện thoại". Bộ trưởng Bộ Đường sắt Ấn Độ, ông Vaishnaw trích dẫn số liệu trong dự án "lộ trình 20 năm" để đào tạo 85.000 "kỹ sư có trình độ cao" rằng khoảng 1/5 kỹ sư trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đến từ Ấn Độ.

Đồng thời ông nhấn mạnh: "Hầu như tất cả các nền kinh tế lớn hiện nay đang dành ưu đãi gần 50% vốn để thiết lập một nhà máy sản xuất chất bán dẫn và chúng tôi cũng đưa ra hỗ trợ tương tự. Những gì Ấn Độ đang làm nhằm củng cố cho lộ trình 20 năm, trọng tâm là đào tạo, nuôi dưỡng tài năng và đảm bảo rằng có đủ số lượng kỹ sư đạt chuẩn khi toàn ngành đã sẵn sàng. Ấn Độ sẽ được hưởng lợi lớn từ cách làm này".

TL