Khảo sát của PwC cho thấy ngành dịch vụ tài chính sẽ chịu tác động nặng nề nhất từ các hiệu ứng bậc hai (second-order effects) ở giai đoạn hậu Covid-19. Đại dịch đã làm ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng tài chính của cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong ngành dịch vụ tài chính.
Theo đó, chất lượng tín dụng của khách hàng ngày càng suy giảm, cùng với lãi suất thấp tiếp tục được duy trì khi hậu quả của đại dịch dần bộc lộ trong toàn bộ nền kinh tế trong vài năm tới.
“Đây là giai đoạn nhiều thử thách nhưng cũng rất đặc biệt. Các thể chế tài chính cần đánh giá lại việc sử dụng công nghệ để nâng cao sức khỏe tài chính và an toàn cho người tiêu dùng, cùng với đó đặt ra chiến lược tài chính mạch lạc cho cả tổ chức,” bà Đinh Hồng Hạnh, lãnh đạo dịch vụ tài chính tại PwC Việt Nam cho biết.
Sau đây là bảy xu hướng vĩ mô dự kiến sẽ tác động tới ngành dịch vụ tài chính trong trạng thái “bình thường mới”, theo báo cáo của PwC.
Lãi suất thấp. Để đối phó với tác động của Covid-19, các chính phủ thực hiện các chính sách tài khoá và tiền tệ mang tính can thiệp mạnh. Điều này khiến các khoản nợ phình to và trở thành động lực để các quốc gia giữ lãi suất ở mức thấp, hoặc thậm chí mức âm.
Tuy vậy, lãi suất thấp cũng sẽ khiến các nhà đầu tư quay lưng với tiền mặt và lựa chọn các tài sản được quản lý bởi các công ty đầu tư. Việc này sẽ gây tác động mạnh tới tỷ suất lợi nhuận và mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp dịch vụ tài chính.
Khả năng chịu rủi ro kém đi. Thiệt hại của Covid-19 sau cùng sẽ bóp nghẹt khả năng cho vay và chịu rủi ro của các ngân hàng để hỗ trợ sự hồi phục kinh tế. Các doanh nghiệp tài chính cần phát triển các lựa chọn gọi vốn đa dạng hơn và tăng cường tham gia vào thị trường vốn cũng như các mảng tài chính ngầm và tài chính thay thế.
Vai trò của các đơn vị cấp vốn phi truyền thống gia tăng. Các chính sách hậu dịch sẽ làm gia tăng chênh lệch chi phí và mức độ hiện hữu của các đơn vị cấp vốn truyền thống và phi truyền thống. Thực tế từ sau năm 2010, vai trò của các đơn vị cấp vốn phi truyền thống đã gia tăng mạnh mẽ. Thay đổi này sẽ thách thức vai trò của các định chế tài chính truyền thống trên hệ sinh thái toàn cầu, họ cần điều chỉnh mô hình kinh doanh và tìm ra con đường mới để tham gia vào chuỗi giá trị
Các biện pháp quản lý được củng cố. Củng cố các quy định đã, đang và sẽ là xu hướng quan trọng của ngành dịch vụ tài chính. Các hành động của chính phủ cho giai đoạn sau phục hồi dự kiến sẽ biến ESG - tiêu chuẩn Môi trường - Xã hội và Quản trị - trở thành xu hướng chính trong thời gian tới.
Tình trạng đảo ngược toàn cầu hóa. Xu hướng này sẽ điều chỉnh quy mô của các tổ chức tài chính để tương ứng với tăng trưởng GDP của mỗi quốc gia. Có thể thấy quy mô và số lượng của các tổ chức tại Trung Quốc đang ngày một gia tăng, trong khi lại giảm sút ở các quốc gia châu Âu.
Bên cạnh đó, áp lực chi phí sẽ khiến các tổ chức tài chính phải duy trì việc đặt hoạt động sản xuất ở nước ngoài (offshoring). Tuy nhiên việc để nhiều trứng trong một rổ sẽ làm tăng rủi ro hoạt động toàn ngành dịch vụ tài chính.
Số hóa hoạt động kinh doanh và lực lượng lao động. Covid-19 đã trở thành chất xúc tác để các đơn vị tài chính tìm đến các giải pháp số và chưa chắc sau dịch nhu cầu dành cho các giải pháp này sẽ thoái lui.
Các tổ chức tài chính hàng đầu sẽ phải tiếp tục số hóa các mô hình tương tác với khách hàng, tăng cường tương tác giữa bán hàng và dịch vụ số, đồng thời cắt giảm đáng kể các cơ sở hạ tầng vô giá trị trong mùa dịch. Thế giới hậu Covid-19 cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các lao động sở hữu kỹ năng số và thúc đẩy nhu cầu đào tạo ra lớp lao động này.
Hệ sinh thái và các nền tảng lên ngôi. Nhằm đáp ứng cầu của khách hàng, ngành dịch vụ tài chính sẽ bắt đầu chuyển hướng sang hoạt động dựa trên nền tảng và hệ sinh thái. Điều này sẽ tạo ra một làn sóng mới, giảm bớt trung gian và tạo đột phá, ví dụ như xu hướng thanh toán không tiền mặt sẽ tạo ra nhu cầu dành cho các nền tảng thanh toán trực tuyến, thậm chí là các phát kiến như đồng tiền số.
Giang Lê