53/63 địa phương có số thu ngân sách đạt trên 35% dự toán

16:06 09/05/2021

Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, cả nước hiện có 53/63 địa phương có số thu 4 tháng đạt trên 35% dự toán. Tuy nhiên, số thu ngân sách đang có dấu hiệu chững lại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Báo cáo của Tổng cục Thuế, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế 4 tháng đầu năm 2021 đạt 468.088 tỷ đồng, bằng 41,9% dự toán và tăng 5,9% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ cả 3 khu vực kinh tế đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ và đạt tiến độ thu khá so với dự toán, cụ thể: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 35,9% dự toán và tăng 3,3% cùng kỳ; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 42,8% dự toán và tăng 9,3% cùng kỳ; khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 46,1% dự toán và tăng 37,2% so với cùng kỳ.

Trong đó, thu từ các sắc thuế chính đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, cụ thể: thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đạt 49,8% dự toán và tăng 20% cùng kỳ; thuế tiêu thụ đặc biệt đạt 40,1% dự toán và tăng 24% cùng kỳ; thuế giá trị gia tăng (GTGT) đạt 37,5% dự toán và tăng 15% cùng kỳ; thuế thu nhập cá nhân đạt 48% dự toán và tăng 3% so với cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất đạt 50% dự toán và tăng 25% cùng kỳ.

Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, cả nước hiện có 53/63 địa phương có số thu 4 tháng đạt trên 35% dự toán. Tuy nhiên, số thu ngân sách đang có dấu hiệu chững lại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cụ thể, thu NSNN tháng tư chỉ đạt 8,8% so với dự toán. Trong đó, thu từ 3 khu vực kinh tế tháng 4 chỉ đạt khoảng 26.500 tỷ đồng, bằng 7,8% dự toán. Việc gia hạn nộp thuế từ tháng 4/2021 theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ cũng khiến số thu các sắc thuế GTGT và TNDN dự kiến chỉ đạt lần lượt là 7,1% và 8,3% dự toán. 

53/63 địa phương có số thu 4 tháng đạt trên 35% dự toán.

53/63 địa phương có số thu 4 tháng đạt trên 35% dự toán. 

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn yêu cầu các Vụ/đơn vị chức năng cần đánh giá kỹ tác động của việc thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ đến số thu NSNN các tháng và việc dịch chuyển số thu này đến các tháng cuối năm.

Đồng thời, cần rà soát, đánh giá tác động của việc thực hiện Thông tư số 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về trích lập dự phòng rủi ro, các tổ chức tín dụng, ngân hàng đối với số thu NSNN; tiếp tục phân tích, đánh giá kỹ tình hình thực hiện dự toán thu 4 tháng 2021, trên cơ sở phân tích tình hình sức khỏe doanh nghiệp, việc kê khai, nộp thuế GTGT, TNDN; các khoản thu, sắc thuế thu đột biến trong 4 tháng đầu năm.

Liên quan đến quản lý nợ thuế, theo ông Cao Anh Tuấn, hiện tổng số nợ thuế do ngành Thuế quản lý còn khá cao so với chỉ tiêu. Do đó, Vụ Quản lý nợ cần đề xuất các biện pháp xử lý nợ thuế hiệu quả hơn, trong đó bao gồm cả xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp không còn khả năng nộp NSNN theo Nghị quyết 94/2019/QH14.

Bên cạnh đó, các Cục Thuế địa phương cần tiếp tục tăng cường triển khai các giải pháp thu ngân sách đã được triển khai từ đầu năm 2021, đồng thời quyết liệt thu nợ của những đơn vị có số nợ lớn, thường xuyên nợ NSNN. Thực hiện giao nhiệm vụ thu nợ đọng thuế đến các phòng, chi cục thuế, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra thuế Tổng cục trưởng lưu ý cần bố trí, huy động nhân sự đảm bảo hiệu quả cả về tiến độ cũng như chất lượng các cuộc thanh, kiểm tra. Các đoàn thanh tra, kiểm tra thuế cần kịp thời báo cáo Lãnh đạo Tổng cục về tiến độ, kết quả, vướng mắc trong quá trình thực hiện để kịp thời có phương án xử lý theo quy định của pháp luật.

Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cũng yêu cầu, cơ quan thuế các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt là giải đáp các vấn đề nóng, được dư luận quan tâm, qua đó để các tổ chức, cá nhân hiểu, đồng thuận và chấp hành tốt chính sách pháp luật về lĩnh vực thuế.

An Nhiên/taichinhdoanhnghiep