Làn sóng chuyển đổi số ngành bảo hiểm

13:05 03/03/2021

Chuyển đổi số đang dần thay đổi bộ mặt của nhiều ngành nghề. Không nằm ngoài xu thế, ngành bảo hiểm Việt Nam cũng đang tích cực tham gia vào cuộc chuyển đổi số này để tìm cho mình một hướng đi phù hợp trong những năm tới.

Trong nhiều năm qua, ngành bảo hiểm tại Việt Nam đã chứng kiến cuộc đua quyết liệt của nhóm những doanh nghiệp có doanh thu nghìn tỉ. Tuy nhiên nếu đánh giá về tốc độ tăng trưởng, các chuyên gia cho rằng sự cạnh tranh quyết liệt giữa các tên tuổi lớn là nhân tố đã góp phần quan trọng vào sự thành công của thị trường ngày nay. Đó chính là cuộc đua chuyển đổi số doanh nghiệp bảo hiểm.

Tại hội nghị Actuary Việt Nam 2020 (VAC 2020) tổ chức mới đây, các chuyên gia bảo hiểm đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai thác cơ sở dữ liệu về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như xu hướng của sản phẩm bảo hiểm trong tương lai để có thể chăm sóc và bảo vệ khách hàng toàn diện hơn.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang dần thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, ngành bảo hiểm nhân thọ cần có những điều chỉnh phù hợp để đáp ứng linh hoạt nhu cầu thay đổi của khách hàng.

Chuyển đổi số đang dần thay đổi bộ mặt của nhiều ngành nghề, và đây không còn là vấn đề của một số doanh nghiệp mà trở thành xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Không nằm ngoài xu thế, ngành bảo hiểm Việt Nam cũng đang tích cực tham gia vào cuộc chuyển đổi số này để tìm cho mình một hướng đi phù hợp trong những năm tới.

Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ kinh doanh trực tuyến với mức tăng trưởng hàng năm đạt 25-30%, cho thấy nhu cầu mua hàng nhanh và đơn giản của người dùng ngày càng tăng.

Việc phải đến các phòng giao dịch, tốn nhiều thời gian với thủ tục phức tạp như truyền thống của ngành bảo hiểm khiến các khách hàng ngán ngẫm và gây ra nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan. Do đó, sự ra đời của các ứng dụng, kênh TMĐT ngành bảo hiểm được sẽ là một giải pháp tối ưu với khách hàng hiện đại.

Năm qua, cùng với việc đẩy mạnh triển khai các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và chăm sóc y tế..., các doanh nghiệp nhân thọ cũng đã tập trung đầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng, chẳng hạn triển khai chương trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm trực tuyến (Eclaim), thẻ bảo lãnh viện phí điện tử, tư vấn bảo hiểm trực tuyến thông qua chatbot, ứng dụng chăm sóc sức khỏe trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (IA), ứng dụng công nghệ thông tin trong huấn luyện, tư vấn bán hàng từ xa, xây dựng hệ sinh thái số toàn diện cho đội ngũ kinh doanh và khách hàng…

Theo thống kê của Hitachi, 85% giám đốc điều hành bảo hiểm lo ngại về tốc độ thay đổi của công nghệ mà ngành công nghiệp phải đối mặt. 70% của các hệ thống kinh doanh bảo hiểm ngày nay là các hoạt động kế thừa giúp phục vụ khách hàng tốt hơn. 40% người tiêu dùng tiếp tục mối quan hệ với nhà bảo hiểm dựa trên chất lượng trải nghiệm.

Thực tế, bảo hiểm là nhóm ngành phải làm việc trực tiếp với số liệu, dựa trên nền tảng của "luật số lớn" và vận dụng xác suất thống kê, tính toán thẩm định, dự báo… Mỗi năm, các công ty bảo hiểm thu thập về một khối lượng dữ liệu khổng lồ của hàng trăm ngàn giao dịch, nhưng đa số dữ liệu này không được nghiên cứu.

Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ AI & Big Data vào kinh doanh bảo hiểm có thể tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng. Các khâu lựa chọn sản phẩm bảo hiểm, ký kết hợp đồng, thanh toán phí bảo hiểm, khai báo giám định tổn thất, giải quyết bồi thường, tương tác với khách hàng dần được số hóa.

bao-hiem2-7356-1614734866.png

Các ứng dụng bảo hiểm ra đời trong công cuộc chuyển đổi số.

Những tên tuổi lớn Bảo Việt, Manulife, Prudential, PTI… tại Việt Nam thời gian gần đây đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ để nhanh chóng đáp ứng sự thay đổi và kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng.

Chẳng hạn, Manulife hợp tác với Shopee phân phối sản phẩm 'Manulife - Khởi đầu bảo vệ'. Sự hợp tác đặc biệt này đánh dấu một cột mốc mới trong quá trình chuyển đổi số hóa của Manulife, hướng tới việc sử dụng các ứng dụng công nghệ số.

Hay như Tập đoàn Bảo Việt đã ra mắt ứng dụng BaovietPay, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dịch vụ tài chính trực tuyến của khách hàng như chủ động lựa chọn và trực tiếp mua sản phẩm bảo hiểm, thực hiện các giao dịch chuyển tiền phí bảo hiểm. Ngoài ra, BaovietPay còn giúp khách hàng thanh toán các dịch vụ viễn thông, hóa đơn, dịch vụ tài chính, bảo hiểm, giáo dục hay đặt phòng khách sạn, vé máy bay, tàu xe…

Tương tự, ứng dụng Dai-ichi Connect của Dai-ichi Life Việt Nam giúp khách hàng quản lý Hợp đồng bảo hiểm, thực hiện các yêu cầu giao dịch hoặc tra cứu thông tin Hợp đồng bảo hiểm, tìm hiểu dịch vụ, sản phẩm…

Gần đây, Pulse by Prudential - ứng dụng chăm sóc sức khỏe trên nền tảng kỹ thuật số được ra đời, cung cấp giải pháp quản lý sức khỏe toàn diện cho người dùng. Được xây dựng trên nền tảng Trí tuệ nhân tạo (AI) và cập nhật dữ liệu theo thời gian thực, Pulse được xem là Trợ lý sức khỏe 24/7 giúp người dùng hiểu rõ tình trạng của cơ thể, từ đó chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân mọi lúc, mọi nơi.

Còn Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) chuyển đổi số qua ứng dụng điện thoại PTI - Giám định viên, là ứng dụng tích hợp tất cả các quy trình giám định bảo hiểm xe cơ giới mà giám định viên phải thực hiện bao gồm: Chia sẻ lộ trình, vị trí của giám định viên với khách hàng khi có sự vụ ở hiện trường, hướng dẫn khách hàng thu thập hồ sơ, chụp ảnh giám định xe, lấy biểu phí sửa chữa và duyệt giá sửa chữa.

Bên cạnh đó, ứng dụng có thể gửi tin nhắn SMS cho khách hàng theo dõi lộ trình di chuyển khi sự vụ xảy ra ở hiện trường, tin nhắn về các giấy tờ còn thiếu để quá trình bồi thường được thực hiện nhanh chóng hơn; đồng thời, khi kết thúc quá trình giám định khách hàng nhận được tin nhắn để đánh giá chất lượng phục vụ của giám định viên.

Ông Huỳnh Thái Hòa – Tổng Giám đốc Bảo hiểm công nghệ LIAN cho biết: Công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ tại Việt Nam, không còn là câu chuyện của riêng ngành nào, doanh nghiệp nào… mà trở thành xu thế tất yếu. LIAN đang hoàn thiện hệ sinh thái bảo hiểm điện tử và các dịch vụ, tiện ích liên quan để cung cấp dịch vụ tốt hơn, gia tăng trải nghiệm tích cực cũng như mang đến sự an tâm, tín nhiệm cho các khách hàng, đối tác.

Hưởng ứng chủ trương chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm, ngày 1/3/2021, ứng dụng LIAN đã chính thức ra mắt gói bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với điểm nổi bật là mức phí bảo hiểm không đổi, nhưng được hưởng mức trách nhiệm bảo hiểm lên đến 150 triệu đồng/ người/ vụ đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra.

Thời hạn bảo hiểm được mở rộng theo hướng tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm đối với xe máy; hồ sơ bồi thường được đơn giản hóa, nạn nhân được nhận tiền bồi thường nhanh chóng hơn, tăng mức chi hỗ trợ nhân đạo

bao-hiem3-4555-1614734866.png

Người tiêu dùng chọn nhà bảo hiểm dựa trên chất lượng trải nghiệm.

Theo các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, việc ứng dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực bảo hiểm sẽ giúp doanh nghiệp đơn giản, tối ưu hóa quy trình phục vụ khách hàng từ xử lý thông tin, bán sản phẩm, công tác chi trả bồi thường…

Đồng thời, quá trình cũng giúp khách hàng tiếp cận được các sản phẩm bảo hiểm nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, để đạt được điều này thì yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phải tìm kiếm được ứng dụng công nghệ phù hợp.

Chẳng hạn, chuyển đổi số có thể đẩy nhanh dịch vụ khách hàng, nơi trò chuyện trực tiếp và trợ lý kỹ thuật số đang giúp đỡ khách hàng trong những thời điểm họ cần nhất.

Ngoài ra, với chuyển đổi số, toàn bộ quy trình nghiệp vụ của doanh nghiệp bảo hiểm đều được số hóa, từ lúc tiếp cận, tư vấn, tìm hiểu sản phẩm cho đến lúc chốt hợp đồng và bồi thường bảo hiểm. Các quy trình và giao dịch được chuyển đổi qua công nghệ số, loại bỏ hoàn toàn giấy và tiền mặt. Công nghệ số giúp việc tra cứu và truy cập thông tin nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian cho khách hàng.

Thông tin dữ liệu được quản lý có hệ thống, tăng tính bảo mật và được dự phòng cẩn thận. Việc này không chỉ tiết kiệm chi phí quản lý và vận hành mà về lâu dài mà còn giúp nâng cao hiệu suất làm việc chung của doanh nghiệp.

Cùng với nỗ lực thay đổi của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cũng đang tập trung hoàn thiện Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm có ý nghĩa cộng đồng và an sinh xã hội như bảo hiểm vi mô, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hưu trí; đa dạng hóa phương thức và phát triển các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với xu thế kinh doanh gắn liền với cách mạng công nghệ 4.0.

Khuê Đài