150 nghệ sĩ tham gia vở múa “Ánh sáng tâm hồn”

23:30 10/09/2021

Sức mạnh của các tác phẩm nghệ thuật không chỉ mang giá trị tuyên truyền, ghi lại lịch sử theo một cách đặc biệt mà còn ẩn chứa trong đó cảm xúc, sự lay động. Sau thời gian ngắn kêu gọi, tôi rất vui vì đông đảo các diễn viên múa đăng ký tham gia - Biên đạo múa Tuyết Minh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cho biết.

Biên đạo múa Tuyết Minh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam vừa gửi thư kêu gọi tới các biên đạo múa, các nghệ sĩ biểu diễn trong cộng đồng nhảy múa tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tham gia xây dựng Tổ khúc múa Ánh sáng tâm hồn.

Trong thư kêu gọi, biên đạo múa Tuyết Minh bày tỏ, những ngày tháng qua, nghệ sĩ múa đã chứng kiến, thấm thía và thấu hiểu sự nghiệt ngã, khó khăn, thử thách của dịch Covid-19. Trong cuộc chiến này, rất cần những tác phẩm nghệ thuật xứng tầm với sự gian khổ hy sinh của lực lượng tuyến đầu, ngợi ca tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc từ hình tượng những con người giản dị, mộc mạc; lan tỏa thành quả nỗ lực "chống dịch như chống giặc" của Việt Nam. Và nghệ thuật sẽ là liều vaccine cho tinh thần, giúp chúng ta giãn cách mà không xa cách.

"Với xúc cảm của người trong cuộc - một công dân - một người nghệ sĩ múa, tôi trân quý gửi lời kêu gọi tới các biên đạo múa, các nghệ sĩ biểu diễn trong cộng đồng nhảy múa tại Hà Nội và TP HCM hãy đóng góp trí tuệ sáng tạo, những giờ tập luyện, lao động nghệ thuật của mình để cùng nhau làm nên Tổ khúc múa Ánh sáng tâm hồn", biên đạo múa Tuyết Minh viết trong thư kêu gọi.

Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam cũng nhấn mạnh: "Sứ mệnh của người nghệ sĩ, sức mạnh của nghệ thuật là lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn với tinh thần lạc quan và ý chí vươn lên cùng nhau chiến thắng đại dịch. TP HCM, Hà Nội và cả nước ta sẽ trở lại hồi sinh mạnh mẽ". 

Biên đạo múa Tuyết Minh là Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam

Biên đạo múa Tuyết Minh là Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam

Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam cho biết chị chia số lượng thành từng nhóm nhỏ và trao đổi trực tiếp với biên đạo chính của nhóm. Về cách dàn dựng vở diễn, lần này sẽ khác hoàn toàn với cách đạo diễn, dàn dựng những vở trước đây. Nếu với âm nhạc, nghệ sĩ có thể độc lập sáng tạo và cho ra mắt các sản phẩm trong mùa giãn cách, hoặc có thể thu âm để phối với nhau, thì những loại hình nghệ thuật còn lại gắn với sân khấu, đặc biệt là múa, hình thức tập luyện hay trình diễn đòi hỏi có sự tương tác. Chỉ trừ những cảnh solo (1 người) là có thể ghi hình độc lập nhưng với các phân đoạn múa 2, 3 người hay tập thể thì buộc phải có sự kết nối với nhau.

Hiện tại, mọi hoạt động trao đổi, dàn dựng đều thông qua hình thức online. Biên đạo gặp rất nhiều khó khăn khi phải chia nhỏ đội hình và làm việc thông qua sự hình dung, tưởng tượng. "Bình thường, khi làm việc trực tiếp, chúng tôi chia cảnh, chia câu, đoạn dễ dàng hơn, nếu thấy không hợp lý, chúng tôi làm lại. Ngày đó, mỗi vở đều có nhiều bản nháp trước khi công diễn, tức là chúng tôi có cơ hội sửa sai, còn lần này, tôi và ê-kíp phải cố gắng thành công trong một lần duy nhất.

Tôi và các biên đạo đang tìm cách để các bạn diễn viên múa ở nhà hình dung được toàn cảnh. Cũng may, hầu như các bạn diễn viên đăng ký đều có kinh nghiệm, am hiểu các thể loại như ballet, đương đại, jazz, broadway, hip-hop... Tôi cũng biết trước các bạn nên có sự phân công phù hợp cho từng người, giao phần việc mà từng cá nhân có thể làm tốt nhất."

Sau khi tất cả các ê-kíp luyện tập xong, tôi sẽ tổ chức ghi hình. Hiện đã có đội quay phim chịu trách nhiệm hình ảnh. Ê-kíp thực hiện ghi hình sẽ chia làm 2 nhóm. Phía Bắc do tôi phụ trách còn phía Nam do biên đạo Alex Tú cùng một số biên đạo khác thực hiện.

Vì dịch bệnh, các nghệ sĩ múa miền Nam sẽ phụ trách chính các cảnh múa đơn và đôi, chỉ trừ 2 nhóm múa có đông thành viên là nhóm Family của biên đạo Xuân Thảo - Đình Lộc, và nhóm Lyricist của biên đạo Xuân Thịnh - Alex Tú sẽ có sự thay đổi cho phù hợp tình hình nhân lực. Còn nghệ sĩ ở Hà Nội sẽ “gánh” những đại cảnh và các đoạn cần sự tương tác trực tiếp. Chúng tôi dự định ghi hình vào tháng 10. Tuy nhiên, nếu đến lúc quay tình hình dịch bệnh vẫn còn căng thẳng thì sẽ tính lại phương án, có thể quay bằng phông xanh, sau đó dành nhiều thời gian cho khâu hậu kỳ. Dự kiến vở diễn sẽ được giới thiệu vào ngày 20/10.

Vở diễn Ánh sáng tâm hồn sẽ có 8 cảnh khai thác nhiều câu chuyện, trong đó tập trung thể hiện tâm tư bên trong của những y bác sĩ tuyến đầu lẫn người thân của họ ở nhà, và nhiều lực lượng khác đang ngày đêm chung sức chống dịch.

Cảnh 1, tôi muốn đưa đến hình ảnh con người đối thoại với nhau và với thiên nhiên.

Cảnh 2, tôi đặt bối cảnh trong một phòng cấp cứu - nơi các y bác sĩ đang chiến đấu ngày đêm giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Cảnh 3 là khoảng lặng của những bác sĩ nơi tuyến đầu, ghi lại tâm tư của họ khi đối diện với nhiều sự mất mát.

Cảnh 4, nói về mặt trận toàn dân đoàn kết cùng chống dịch, trong đó có những người dân bình thường nhưng không ngại xung trận.

Cảnh 5, mang nội dung về chốt chống dịch nơi có lực lượng công an, bộ đội, dân phòng luôn túc trực.

Cảnh 6, tình cảm và suy tư của những gia đình có người thân trong lực lượng tuyến đầu.

Cảnh 7 lực lượng sinh viên đang tham gia vào mặt trận phòng chống dịch với sức trẻ và lòng dũng cảm.

Cảnh cuối sẽ lặp lại cảnh đầu tiên nhưng khác ở chỗ, bác sĩ sẽ giành được sự sống về cho bệnh nhân.

An My (t/h)