VIDIFI: Bắt kịp thành công cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với hệ thống giao thông thông minh

00:00 12/10/2020

Bắt đầu ứng dụng hệ thống giao thông thông minh cho tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ 4 năm trước (2015), Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) trở thành đơn vị tiên phong, đón đầu làn sóng cách mạng công nghệ 4.0 tràn vào nước ta.

Sức mạnh thuộc về người chủ động

Có một câu danh ngôn khuyết danh viết: “Đừng đợi con tàu tới chỗ mình, hãy bơi ra chỗ nó”. Cách mạng công nghệ 4.0 năm 2015 ở Việt Nam chỉ giống như tin đồn, cuối năm 2018, công nghệ 4.0 đã bắt đầu “những đợt sóng” ồ ạt đất Việt. Trong khi đó, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đã chủ động “bơi” đến chỗ “con tàu” cách mạng công nghệ 4.0 bằng sự chủ động ứng dụng hệ thống giao thông thông minh cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ năm 2015. Đến nay, VIDIFI đã trở thành một trong những Đơn vị tiên phong trong cuộc cách mạng này.

Chủ động ngay bước đầu tiên

Hệ thống giao thông thông minh (ITS) được VIDIFI tính toán ứng dụng ngay từ khi lập dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tổng Công ty đã chủ động thuê tư vấn quốc tế thiết kế triển khai ứng dụng hệ thống này vào quản lý khai thác tuyến đường tương tự như công tác quản lý các tuyến đường cao tốc tại các nước phát triển (theo tiêu chuẩn quốc tế).

Lãnh đạo Tổng Công ty cho biết: “Về triển khai dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, ngay từ năm 2008 thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao xây dựng dự án cao tốc theo một số tiêu chuẩn quốc tế. Đây là công trình trọng điểm quốc gia và cũng là đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trên thế giới. VIDIFI nhận thấy đây là cơ hội cũng như thách thức của Tổng Công ty, do đó đã mạnh dạn triển khai hệ thống ITS vào quản lý khai thác tuyến, hoàn thành nhiệm vụ của Chính phủ giao cũng như nâng tầm giao thông Việt Nam nói chung lên một đỉnh cao mới”.

Sự dám thách thức mình đã đưa VIDIFI vào những thế khó khăn, song gặt cũng không ít thành tựu đáng nể trong công tác quản lý, vận hành tuyến đường.

Bắt kịp thành công

Cách mạng công nghệ 4.0 vào Việt Nam hiện nay, theo khảo sát của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học - công nghệ cho thấy vẫn còn số lượng lớn doanh nghiệp trong nước đang rơi thế bị động,lúng túng hoặc e dè triển khai khoa học công nghệ vào quản lý sản xuất nói chung. Thực trạng chỉ ra phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng đón nhận cuộc cách mạng này.

Thực tế VIDFI đầu tư triển khai hệ thống ITS từ năm 2008, hệ thống ITS này gồm 32 màn hình thông minh sử công nghệ DLP hiện đại, đảm bảo hình ảnh tín hiệu hiển thị được sắc nét và liên tục. Tường màn hình có hệ thống quản lý, điều khiển nhằm hiển thị toàn bộ các thông tin mong muốn trực tuyến, linh hoạt. Khối thiết bị màn hình lớn này có thương hiệu Christie, được nhập khẩu đồng bộ từ Canada.Sự thành công trong ứng dụng ITS của VIDIFI góp phần quan trọng trong công tác quản lý tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Cụ thể: Trong công tác điều hành giao thông, xử lý cứu hộ, cứu nạn giảm thiểu tai nạn giao thông: Dọc tuyến cao tốc được bố trí hệ thống camera giám sát gồm 58 camera CCTV, có khả năng tự động quay quét với bán kính quan sát rõ nét trên 1 km và mức độ phóng đại đến 32 lần, khoảng cách trung bình giữa hai camera là 2km, giúp các nhân viên Trung tâm điều hành cao tốc có thể quan sát mọi hoạt động trên tuyến đường dù là nhỏ nhất. Những sự cố giao thông trên cao tốc như xe tai nạn, nổ lốp, chết máy... đều được Trung tâm điều hành phát hiện và có phương án xử lý kịp thời hướng dẫn hỗ trợ người tham gia giao thông, điều độ lực lượng tuần đường phong tỏa, đảm bảo an toàn giao thông an toàn. Bên cạnh đó, các hành vi mất an toàn giao thông như xe khách dừng đỗ trên đường, các xe đi ngược chiều… cũng được Trung tâm điều hành giao thông ghi nhận lại bằng việc thu thập các video, hình ảnh vi phạm, cung cấp cho Cục CSGT C08 để làm căn cứ phạt nguội, đồng thời đưa những sự việc điển hình lên cổng thông tin điện tử, nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông trên tuyến. Điều này đã giúp số vụ vi phạm giao thông, số tai nạn giao thông, đặc biệt tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra với tỉ lệ thấp. Năm 2017 đã kịp thời phát hiện xử lý 275 trường hợp vi phạm, năm 2018, số vụ vi phạm đã giảm còn 122 vụ, đặc biệt chưa để xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng - không có người thương vong.

Trong năm 2017, để ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thanh thiếu nhiên tụ tập trên các cầu vượt, ném đá vào các phương tiện đang lưu thông trên tuyến, VIDIFI đã bố trí hệ thống camera giám sát và loa điều khiển từ Trung tâm điều hành cao tốc. Khi phát hiện có hành vi tụ tập, Trung tâm điều hành sẽ điều khiển hệ thống loa phóng thanh, phát các thông tin tuyên truyền, cảnh báo, yêu cầu đám đông di chuyển, đến nay tình trạng ném đá đã được ngăn chặn triệt để.

Trên tuyến cũng được bố trí 08 biển điện tử VMS sử dụng công nghệ Led cao cấp có chức năng truyền thông tin cảnh báo từ Trung tâm điều hành đến người đang tham gia giao thông trên cao tốc. Nội dung thông tin hiển thị trên các biển báo được điều khiển trực tuyến từ trung tâm điều hành, hoàn toàn tự động. Các biển báo này đã cung cấp thông tin đa dạng, kịp thời đến người lái xe như các thông tin về tình trạng tuyến đường, thông tin thời tiết, thông tin an toàn giao thông và nhiều thông tin hữu ích khác… giúp người lái xe kịp thời nắm bắt thông tin, để lưu thông an toàn. Ngoài ra, dọc tuyến được bố trí 12 điểm giám sát bằng camera dò xe được đặt tại các vị trí có mật độ lưu lượng giao thông lớn, có thể tự động phát hiện mật độ xe dòng xe, tắc nghẽn hoặc có sự cố, tự động gửi cảnh báo kịp thời lên hệ thống biển báo VMS, kịp thời cảnh báo đến các phương tiện tham gia giao thông trên đường.

Nhấn mạnh, riêng công tác kiểm tra trọng tải xe của dự án đã được các cơ quan chức năng thuộc Bộ GTVT đánh giá cao. Nếu so sánh kết quả kiểm soát tải trọng xe của các trạm cân lưu động, cố định và thanh tra Sở GTVT trong cả nước thì số lượt phương tiện đã được kiểm tra tải trọng của tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là rất lớn.

Sở dĩ có thể đánh giá được như trên là do hệ thống giao thông thông minh ITS đã được tích hợp hệ thống giám sát tải trọng xe tự động, với công nghệ cảm biến thạch anh của hãng Kistler Thụy Sỹ giúp quá trình cân xe được thực hiện nhanh chóng, chính xác, quá trình kiểm soát xe quá khổ, quá tải được được thực hiện 24/24; bên cạnh đó, dữ liệu kiểm tra tải trọng xe được truyền trực tuyến về trung tâm điều hành tới các đơn vị quản lý giám sát, tạo ra tính minh bạch, đồng thời ngăn ngừa hiện tượng tiêu cực trong công tác kiểm tra trọng tải xe.

Theo thống kê, kể từ khi khai thác tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến nay đã có trên 9 triệu lượt phương tiện được kiểm tra tải trọng, trong đó, có hơn 14 nghìn lượt phương tiện bị từ chối phục vụ, chiếm khoảng 0.16%. Qua đó, đảm bảo công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng, giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông do phương tiện quá khổ quá tải gây ra.

Trong công tác quản lý thu phí, VIDIFI đã lắp đặt hệ thống thu phí có sử dụng công nghệ dùng thẻ thu phí thông minh IC của Nhật Bản, kết hợp máy phát hành thẻ tự động đặt tại các làn vào, kết hợp công nghệ tự động xử lý biển số và các camera quan sát. Bắt đầu từ tháng 11 năm 2017 VIDIFI đã áp dụng công nghệ thu phí trả trước Touch&Go (chạm và đi) không dùng tiền mặt, giúp tiết kiệm thời gian và tiện dụng cho người lưu hành xe trên tuyến.

Trên toàn tuyến có 06 trạm thu phí với tổng cộng 62 làn thu phí. Tất cả hoạt động của các trạm thu phí đều được kết nối và giám sát bằng hệ thống hơn 200 camera bởi Phòng Quản lý thu phí đặt tại Trung tâm điều hành. Như vậy, hoạt động thu phí luôn được diễn ra công khai, minh bạch, dữ liệu thu phí và hình ảnh thu phí được lưu trữ tại hệ thống máy chủ đặt tại Trung tâm điều hành. Hệ thống thu phí của tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã đảm bảo thu đúng, thu đủ hơn 20 triệu lượt xe, không có phản hồi về sai sót trong thu phí.

Tư thế chủ động này đưa Tổng Công ty Phát triển Hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam đến thành công là điều tất yếu. Hy vọng tinh thần chủ động dám áp dụng dám đầu tư sẽ lan truyền mạnh mẽ trong cả nước trong thời đại công nghệ 4.0 Việt Nam.

Nguyễn Lương - Phương Giang