Vì sao thái tử Samsung tiếp tục rơi vào vòng lao lý?

00:00 12/10/2020

Sóng gió vẫn tiếp tục bủa vây Samsung và người thừa kế của tập đoàn này, Jay Y. Lee, khi các công tố viên Hàn Quốc đưa ra những cáo buộc mới và yêu cầu bắt giam thái tử Samsung.

Người thừa kế của Tập đoàn Samsung, Jay Y. Lee, đang tiếp tục rơi cuộc chiến pháp lý với các công tố viên Hàn Quốc với các cáo buộc hối lộ và tham nhũng. Vụ việc này bắt đầu từ năm 2015 với cáo buộc Lee và Samsung đã dùng các cách thức bất hợp pháp để lên nắm quyền kiểm soát tập đoàn.

Vào thứ hai (8/6), tại Tòa án quận trung tâm Seoul, các công tố viên sẽ đưa ra các lý lẽ nhằm chứng minh rằng cần phải bắt giam Lee trở lại. Trước đó, ông từng bị giam giữ 1 năm nhưng được tại ngoại vào tháng 2/2018. Trong khi đó, Lee cùng đội ngũ luật sư của mình sẽ chứng minh rằng không cần phải bắt giữ ông trong quá trình xét xử. 

Thái tử Samsung Jay Y. Lee vào tháng 2/2017. Ảnh: Bloomberg

Samsung là công ty do ông nội Lee sáng lập và được cha ông, Lee Kun-hee, điều hành tới năm 2014. Ông Lee Kun Hee được cho là bị hôn mê từ đó đến nay và Jay Y. Lee, con trai duy nhất của ông, trở thành người thừa kế tương lai.Lee, 51 tuổi, hiện là phó chủ tịch của Samsung Electronics Co. và là người thừa kế của tập đoàn quyền lực nhất Hàn Quốc.

Tuy nhiên, quá trình kế vị này vô cùng phức tạp bởi Lee không thể đơn giản tiếp quản mọi tài sản của cha. Hàn Quốc là một trong những quốc gia đánh thuế thừa kế cao nhất thế giới, tới 50% giá trị tài sản trên 2,5 tỷ USD. Theo Bloomberg, khối tài sản của ông Lee Kun Hee hiện trị giá 18 tỷ USD.

Loạt cáo buộc cả mới lẫn cũ

Các công tố viên đặc biệt của Hàn Quốc lần đầu truy tố thái tử Samsung vào đầu năm 2017 với cáo buộc hối lộ và tham nhũng. Họ cáo buộc Samsung cung cấp ngựa cùng các khoản thanh toán khác cho một người thân cận của cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nhằm giành được sự ủng hộ cho công cuộc kế vị tập đoàn.

Vụ việc làm bùng lên làn sóng dữ dội trong dư luận Hàn Quốc đối với các tập đoàn quyền lực, còn gọi là chaebol, và cũng là nguyên nhân khiến bà Park Geun-hye bị phế truất. 

Lee đối mặt với yêu cầu bắt giam mới từ các công tố viên đặc biệt Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Ban đầu, Lee bị buộc tội và tuyên án 5 năm tù, nhưng sau đó được hoãn thi hành án vào năm 2018 và được tại ngoại. Tuy nhiên, vụ án chưa kết thúc. Tháng 8/2019, Tòa án Tối cao Hàn Quốc bác bỏ phán quyết hoãn thi hành án đối với Lee của tòa án cấp dưới và yêu cầu tái thẩm toàn bộ vụ án. Các cuộc điều trần đã hoãn lại khi một thẩm phán bị cho đã thiên vị và xét xử theo hướng có lợi cho Lee. Hiện tại, Tòa án Tối cao phải quyết định sẽ giữ lại thẩm phán trên hay thay thế người khác. Việc này đồng nghĩa rằng vụ án có thể kéo dài sang năm sau.

Các công tố viên đang đề nghị bắt giam Thái tử Samsung liên quan tới một cuộc điều tra khác nhưng có liên quan tới việc kế vị tập đoàn. Họ cho rằng Lee nên bị bắt giữ trong quá trình tố tụng với các cáo buộc mới. Tuy nhiên, yêu cầu bắt giữ được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Lee yêu cầu đánh giá công khai tính hợp lệ toàn bộ bản cáo trạng của mình. Lee được cho là đang cố chống lại các công tố viên chuyên nghiệp bằng cách khiếu nại lên một bồi thẩm đoàn gồm những chuyên gia bên ngoài. Theo các nhà phân tích, nỗ lực bắt giam Lee của các công tố viên là động thái phản ứng lại yêu cầu từ phía Lee.

Trong cáo buộc mới chống lại Lee, các công tố viên đang đào sâu vào các chi tiết trong vụ sáp nhập gây tranh cãi giữa hai công ty con của Tập đoàn Samsung vào năm 2015 và cho rằng các gian lận kế toán có thể đã giúp Lee hưởng lợi trong quá trình nắm quyền kiểm soát tập đoàn.

Cuộc điều tra bắt đầu được thực hiện sau khi cơ quan giám sát tài chính Quốc kết luận rằng Samsung Biologics Co. cố tình vi phạm các quy định kế toán và thổi phồng giá trị công ty trước khi chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Các công tố viên nghi ngờ rằng vi phạm này có liên quan tới tỷ lệ cổ phần giữa cổ đông lớn của Biologics, Cheil Industries, và Samsung C&T, từ đó giúp nâng giá trị cổ phần của Lee tại Cheil và tăng sức ảnh hưởng của ông tại Tập đoàn Samsung. Trong khi đó, Samsung Biologics khẳng định không vi phạm các quy định kế toán.

Samsung ra sao giữa tâm bão?

Trong suốt quá trình xét xử vụ án kéo dài nhiều năm qua, Samsung vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh như bình thường và các nhà đầu tư của Samsung dường như không mấy lo ngại về vấn đề này.

Năm 2019, giá cổ phiếu của Samsung Electronics tăng mạnh và tiếp tục đi lên trong những tháng đầu năm 2020 trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, bất chấp những vụ điều tra nhắm vào hàng trăm lãnh đạo của tập đoàn.

Việc Lee có khả năng bị bắt giữ gây quan ngại lớn hơn đối với Samsung bởi ông vắng mặt sẽ gây khó khăn cho quá trình đưa ra các quyết định lớn của tập đoàn, như thâu tóm, sáp nhập hay đầu tư.

Thái tử Samsung tuyên bố không giao quyền điều hành tập đoàn cho các con. Ảnh: Bloomberg.

Hiện tại, Samsung đang đấu tranh không chỉ vì các cáo buộc đối với Lee mà còn vì hình ảnh của tập đoàn. Cáo buộc cho rằng tập đoàn này đã tặng quà để có được sự ủng hộ của chính phủ và giúp người thừa kế giàu có bậc nhất Hàn Quốc dễ dàng tiếp quản công ty của cha mình đã làm bùng nổ làn sóng chỉ trích trong dư luận đối với các tập đoàn lớn và làm khuynh đảo chính trường nước này. Samsung và Lee đang quyết tâm lấy lại hình ảnh của mình sau loạt bê bối này.

Vào tháng trước, thái tử Samsung đã công khai đưa ra lời xin lỗi hiếm hoi, trong đó thừa nhận những sai lầm trong quá khứ và tuyên bố sẽ không trao quyền điều hành tập đoàn cho các con mình. Tập đoàn Samsung cũng vô cùng tích cực trong việc giúp Hàn Quốc chống lại đại dịch Covid-19 khi cử đội ngũ bác sĩ của mình đến hỗ trợ các bệnh viện và đẩy nhanh quá trình sản xuất bộ xét nghiệm virus.

PV