Văn hóa các dân tộc thiểu số: Mai một vì bị thương mại hóa

00:00 12/10/2020

Văn hóa của các dân tộc thiểu số (DTTS) gồm ngôn ngữ, chữ viết, lễ hội, kiến trúc… đang bị mai một, đứng trước nguy cơ biến mất do thiếu đầu tư nghiên cứu, bảo tồn và bị thương mại hóa. Đó là một thực trạng được đề cập đến trong hội thảo "Bảo vệ và phát huy văn hóa dân gian của DTTS của Việt Nam", do Bộ VHTT&DL, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Hội Văn nghệ dân gian tổ chức cuối tuần qua.

 Biểu diễn hát then tại Hà Giang.

Hiện đại hóa văn hóa dân tộc
Ngôn ngữ và chữ viết là nền tảng quan trọng để lưu giữ, bảo tồn văn hóa các DTTS. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian, ngôn ngữ và chữ viết của đồng bào DTTS ở nước ta đang bị mai một, nhiều học sinh ở các trường dân tộc nội trú chỉ biết nói tiếng dân tộc Kinh. Theo GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian: “Thế hệ các con em cán bộ, viên chức ở tỉnh, huyện hay các thị trấn không biết đến tiếng dân tộc. Trong sinh hoạt gia đình, đồng bào những nơi này không nói tiếng mẹ đẻ”.
Tình trạng chữ viết cũng không hơn, GS Tô Ngọc Thanh cho biết: Với những DTTS có chữ viết sẽ tồn tại một kho tàng sách cổ, ghi chép lại toàn bộ lịch sử, văn học, phong tục, thậm chí còn có gia phả của một số dòng họ nổi tiếng trong quá khứ. Ở Tây Nguyên có một vài dân tộc như Bahnar, Gia Rai, Êđê, M’Nông cũng có bộ chữ vần La Tinh do người Pháp sáng tạo nhưng đến nay gần như bị quên lãng, rất ít người biết. Chúng ta cũng chưa có một quyết sách rõ ràng để bảo vệ kho sách và chữ viết.
Hội đồng Dân tộc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thông tin: Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đang đứng trước nguy cơ thất truyền nhanh. Cụ thể, người Mông vẫn có thói quen ở nhà đất nhưng những năm gần đây nhiều ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc của người Kinh. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong kỹ thuật ghép mộng cũng như trang trí đòn nóc bằng cách chạm, khắc hay vẽ hoa văn ở Trường Sơn - Tây Nguyên. Tương tự, trước kia, các dân tộc thuộc nhóm Mông - Khơ me đều có tập quán làm nhà Rông. Nhưng gần đây, có những vùng đã rất khó tìm thấy bóng dáng của chúng và trong số nhà Rông hiện còn chỉ có 40% còn mang được những nét cổ truyền.
Câu view lễ hội
Khi kinh tế thị trường phát triển, nhiều địa phương đã sớm nhận ra tầm quan trọng của những sản phẩm văn hóa có thể đem lại lợi ích kinh tế, nhất là có thể phát triển du lịch từ lễ hội dân gian. Tuy nhiên, vì nhu cầu giới thiệu cái mới, cái lạ của các lễ hội của đồng bào DTTS nên nhiều đơn vị đã khai thác đến mức thái quá, bỏ qua những ý nghĩa nhân văn nguyên bản. Theo GS Lê Hồng Lý - Viện nghiên cứu văn hóa - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Những người tham gia và tổ chức, nhiều khi muốn hút khách, câu view nên đã cố tình làm quá lên hay khác đi với nguyên bản. Tục chém lợn trong lễ hội của người Kinh ở Ném Thượng (Bắc Ninh) là một nghi thức của cư dân nông nghiệp, tổ chức nghi lễ riêng biệt kín đáo. Thời gian gần đây được làm quá lên với những lưỡi đao thật to, máu me be bét... Do đó, không ngạc nhiên khi một số tổ chức bảo vệ động vật quốc tế đã lên tiếng phản đối nghi lễ này.
Trước thực trạng trên, TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Thứ nhất, Nguồn nhân lực là điều đầu tiên chính sách phải hướng đến. Đào tạo người bảo vệ văn hóa dân tộc từ cơ sở, không ai bảo tồn văn hóa dân tộc tốt bằng chính đồng bào. Thứ hai là đầu tư cho văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế xã hội. Chính phủ cần đặt hàng các cơ quan, tổ chức, thậm chí cá nhân, về việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian Việt Nam nói chung, văn hóa DTTS nói riêng .

Lại Tấn