Ươm mầm cho du lịch tuần hoàn

00:00 12/10/2020

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ của người viết về Hội An là chuyến đi đến làng rau hữu cơ Thanh Đông và nhà hàng The Field nằm ngay giữa cánh đồng với con sông chạy ngang. Du khách được nông dân của làng rau chở trên chiếc thuyền thúng chòng chành, đi qua những rặng dừa nước thơ mộng, cập bờ vào bến nước với tầm nhìn bát ngát mênh mông ra những cánh đồng lúa chín tỏa hương thơm ngào ngạt.

Phan Xuân Thanh, người đồng sáng lập nhà hàng The Field không chỉ bán món ăn, anh còn bán cho du khách văn hóa đặc sắc của bản địa, bán sự trải nghiệm của việc thưởng thức những món ăn địa phương được chế biến từ thực phẩm hữu cơ giữa cánh đồng xanh tươi ngút ngàn.

Và những bữa ăn như thế không hề rẻ, khi có thời điểm mỗi thực khách phải trả phí 1.000 đô la Mỹ cho một bữa tiệc. Trong đó, người nông dân cũng được hưởng lợi từ những lần chèo thuyền thúng chở khách qua sông, từ những sản phẩm thủ công tinh xảo của vùng miền, từ những món quà là các bông hoa kết bằng lá dừa tặng du khách, và cả nụ cười dân dã chân quê ấm áp...

Theo đuổi triết lý kinh doanh vừa đủ, hướng đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nương tựa vào thiên nhiên. Từ việc phân loại và xử lý rác thải để phục vụ nông nghiệp hữu cơ theo quy trình tuần hoàn khép kín đến việc hỗ trợ nông dân trồng rau hữu cơ, tổ chức cùng chính quyền những phiên chợ rau hữu cơ nói không với túi nylon… Phan Xuân Thanh được xem là một trong những ví dụ tiêu biểu cho cung cách làm ăn mới của những người trẻ của phố cổ Hội An, trên con đường hội nhập chủ động với thế giới bằng sức mạnh nội lực của một vùng đất có bề dày văn hóa.

Vị doanh nhân bước qua tuổi 40 này hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, đã kỷ niệm hành trình 20 năm bôn ba trong kinh doanh dịch vụ du lịch của mình một cách khá đặc biệt. Kế hoạch mới của anh được triển khai trong bối cảnh ngành du lịch đang vất vả gượng dậy sau sự tàn phá của "cơn bão" Covid-19. Đây là dự án ươm mầm cho thế hệ doanh nhân trẻ hướng đến kinh tế xanh và tuần hoàn. Và ở một góc nhìn khác, dịch bệnh tạo sức ép thúc đẩy anh thực hiện ước muốn này.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình với cha làm công chức, mẹ buôn bán tại phố cổ Hội An, chàng sinh viên Phan Xuân Thanh mang tham vọng giúp nơi “chôn nhau cắt rốn” phát triển phồn vinh khi ra trường năm 2001. Chàng trai trẻ lúc bấy giờ chọn con đường làm nhà nước, nối nghiệp cha với hy vọng được thực hiện được những mong mỏi mà cha mình cả một đời dấn thân.

Làm việc được một năm, anh nhận ra rằng sự bó buộc trong khuôn khổ nhà nước làm tuổi trẻ thiếu sự trải nghiệm thực tế. Năm 2002, anh quyết định vào Sài Gòn để tìm con đường đi mới. Anh làm trong trường nghiệp vụ du lịch, sau đó lập một công ty lữ hành và có đầu tư cùng bạn bè vào lĩnh vực môi trường.

“Gần 10 năm ở Sài Gòn cho tôi những kinh nghiệm quý báu, đáng giá về công việc, cuộc sống và những khái niệm mới về kinh doanh du lịch”, anh Thanh nói và chia sẻ sau một thời gian anh nhận ra mình cần một cuộc sống “xanh” hơn, có giá trị hơn thay vì chỉ biết kiếm tiền cũng là thực hiện ước mơ của mình năm xưa.

Năm 2011, anh Thanh lại đưa ra một quyết định mang tính bước ngoặt - quay về Hội An để tìm về với thiên nhiên, một lần nữa khởi sự kinh doanh tại Hội An. Thấy rằng Hội An vẫn còn giữ rất nhiều nếp văn hóa nông nghiệp, nông thôn độc đáo, nhưng lại thiếu những sản phẩm du lịch có giá trị chiều sâu cho khách hàng, đặc biệt là du khách phương Tây, muốn trải nghiệm, Phan Xuân Thanh bắt đầu dấn thân vào con đường này.

Vào khoảng năm 2013, giới du lịch xôn xao với sản phẩm du lịch “Bữa tiệc trên cánh đồng” có giá trị 1.000 đô la Mỹ mỗi thực khách do công ty Emic Hospitality của anh Thanh và những người cộng sự thực hiện. “Doanh thu rất tốt nhưng quan trọng là làm tăng giá trị cho nông nghiệp từ đó tăng thu nhập cho bà con nhà nông”, anh Thanh nói và chia sẻ để thực hiện mỗi bữa tiệc văn hóa dân dã trên cánh đồng lúa xanh tốt này, anh và cộng sự phải chuẩn bị cả nhiều tháng trời tại nhà hàng The Field.

Đầu tiên là thuê ruộng với giá cao hơn từ 4-5 triệu đồng tổng thu hoạch, sau đó đóng cọc tre dựng cầu, dựng sạp trên lúa để sau khi tổ chức xong trả lại nguyên trạng. Tiếp đó, công ty mời nghệ nhân của các làng nghề như tranh tre dừa nước Cẩm Thanh, gốm Thanh Hà, đèn lồng phố Hội, mộc Kim Bồng,... trực tiếp chế tác sản phẩm tại chỗ.

Từ những thành công đầu tiên này, Phan Xuân Thanh càng có quyết tâm làm kinh tế dựa vào cộng đồng, dấn thân vào du lịch xanh.

Khi nói về câu chuyện làm kinh tế dựa vào cộng đồng của Phan Xuân Thanh có thể liên hệ từ câu chuyện của làng rau hữu cơ (organic) Thanh Đông. Vườn rau này được thành lập vào tháng 11-2013 với sự hỗ trợ của Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD) và vốn từ mô hình nông thôn mới, có tổng diện tích hơn 6.300 m2 do 11 hộ nông dân tham gia sản xuất.

Vườn có hơn 30 loại rau trái với hệ thống tưới tiêu và ủ phân một cách khoa học. Tại đây, nước được lấy từ nguồn giếng khoang cho vào bể lọc trước khi đưa ra sử dụng cho cây trồng; giống cây đều có chứng nhận của Nhà nước để đảm bảo nguồn gốc; phân dùng cho nông nghiệp hữu cơ phải là phân ủ nóng qua một quy trình khắt khe và nghiêm ngặt.

Năm 2014, sau khi chọn thành lập vườn rau tại Thanh Đông, ACCD hỗ trợ cho nông dân nâng cao năng lực sản xuất cũng như giúp đỡ về bán hàng… Từ tháng 4-2014, các chuyên gia đã hình thành hệ thống Đảm bảo cùng tham gia (PGS) gồm 15 thành viên, đại diện cho các tổ chức nhà nước, các cơ quan kỹ thuật, tổ chức chính trị - xã hội, phi chính phủ, doanh nghiệp, hộ nông dân và người tiêu dùng. Từ việc thành lập PGS Hội An, thương hiệu “Hoi An Organic” cũng được hình thành.

Tuy nhiên, được hơn hai năm, rau sạch đã có nhưng lại bán không được nhiều lắm, lại gặp biến cố cơn bão lớn làm chết hết nguyên vườn rau, lúc ấy bà con rất nản. Chính quyền Hội An đã tổ chức vận động các doanh nghiệp cùng tham gia cuộc chạy tiếp sức organic này. Và vào thời điểm này, Phan Xuân Thanh, Giám đốc Công ty Emic Hosipitality, chủ sở hữu chuỗi nhà hàng Full Moon và The Field, đã vào cuộc.

 

Anh Thanh kể lại: “Khi ấy các anh, chị lãnh đạo địa phương gọi tôi cùng vào hỗ trợ bà con. Tôi thấy nhu cầu rau hữu cơ rất lớn, nhất là lúc đó trải nghiệm du lịch bằng nông nghiệp hữu cơ thì chưa ai làm. Sản phẩm cao cấp phải có chiều sâu và sự văn minh như thế. Qua mùa nắng, tôi quyết định đã hỗ trợ bà con mỗi hộ 2 triệu đồng trước mắt để làm nhà lưới, sau đó công ty hỗ trợ bằng cách đưa khách du lịch đến.

Từ những lần làm việc cùng nông dân, thuyết phục nhiều lần, vận động nông dân đảm bảo cam kết về chất lượng ký hợp đồng với mình. Rồi anh tìm bạn bè, người thân là những vị khách đầu tiên làm ra sản phẩm, đi Hà Nội, TPHCM chào bán, mất cả năm sau mới có khách. Khi nông dân thấy khách đến với số lượng vừa phải nhưng vẫn đem lại hiệu quả, họ hiểu được ý nghĩa của sự cân bằng. Và các hộ nông dân hiểu với sức lao động chừng đó, chỉ cần chừng đó khách, không ham quá nhiều, để đảm bảo chất lượng dịch vụ.

“Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Phan Xuân Thanh đã thực hiện triết lý này trên con đường dấn thân của mình, và anh thể hiện ước mơ cùng mong muốn của mình qua The Field. Ban điều hành doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng giải pháp, vận hành hoạt động theo mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững.

Sự tham gia của các kỹ sư môi trường vào hoạt động quản trị và kinh doanh, những buổi hướng dẫn đào tạo về những kiến thức cơ bản liên quan tới môi trường, nhận dạng và phân loại rác được thực hành theo định kỳ, thiết lập chuỗi cung ứng sản phẩm sạch, hữu cơ từ nông trại đến bàn ăn là những mắc xích, đảm bảo The Field hoạt động đúng với tiêu chí mà vị doanh nhân này đề ra.

Cụ thể, những quy trình phân loại rác, đo lường khối lượng chất thải hàng ngày, sử dụng rác phát sinh từ bếp như rau củ được ủ tại chỗ thành phân hữu cơ để bón vườn rau và hệ thống cây xanh trong nhà hàng. Nhà hàng dùng vỏ trái cây làm chất tẩy sinh học trong việc làm sạch khu vực vệ sinh, bếp. Trong khi đó, dầu ăn đã qua sử dụng được thu gom để tái chế thành xà phòng sử dụng lại trong nhà vệ sinh, bếp và quầy nước (bar).

“Chúng ta sẽ bắt đầu từ những công việc nhỏ như phân loại và tái chế rác. Sau đó, chúng ta đầu tư trạm xử lý nước thải và dùng năng lượng tái tạo. Dần đà, chúng ta xem xét đầu tư dung hòa với môi trường xung quanh chứ không phá hoại thiên nhiên. Khi đầu tư chúng ta phải suy nghĩ về giảm thiểu tối đa tác hại đến cảnh quan và môi trường xung quanh”, anh Thanh nói và đưa ra ví dụ, Hội An cho chúng ta sự trù phú, tại sao chúng ta không làm du lịch theo kiểu cộng hưởng để Hội An dần phát triển hơn, thay vì chỉ khai thác một chiều những di sản mà người xưa đã để lại.

Vì vậy, bản thân anh Thanh cùng một số doanh nghiệp tại Hội An đang tạo thành một nhóm doanh nghiệp tiên phong thực hiện kinh tế tuần hoàn và du lịch xanh  để chạm tới trái tim của du khách, từ đó thu hút du khách nhiều hơn theo hình thức “hữu xạ tự nhiên hương”. Bên cạnh đó, anh cũng muốn trả ơn lại cho di sản, trả ơn lại cho thiên nhiên.

Khi mọi thứ đang dần đi vào guồng và lan tỏa rộng hơn thì Covid-19 xảy ra. Các doanh nghiệp lao đao, đóng cửa. Doanh nghiệp của anh Thanh cũng như những doanh nhân khác tại Quảng Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.

Nhưng thay vì ngồi chờ bệnh dịch qua đi, Phan Xuân Thanh vẫn tiếp tục bước đi theo cách riêng.
Đầu tiên, anh cùng một số người khác lập ra Heal Organic Farm, trồng và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và chế biến.

Được giới thiệu đến công chúng cách đây không lâu, Heal Organic Farm chọn hướng đi trồng nhiều loại rau, củ, quả, thậm chí là hoa theo phương pháp hữu cơ với sự chung tay giúp sức của những người có kinh nghiệm về nông nghiệp lẫn sinh học và kinh doanh.

Hiện nay, hằng ngày, trang trại Heal vẫn đều có thông báo về những sản phẩm hữu cơ mới kèm với giá bán cụ thể để phục vụ người tiêu dùng cũng như các đơn vị kinh doanh muốn mua số lượng lớn.

“Chúng ta xây dựng sản phẩm xanh đặc thù cho du lịch Quảng Nam. Chúng ta có những hành động cụ thể trong đầu tư và kinh doanh như bảo vệ môi trường, thực hành nhân văn trong du lịch, sử dụng hiệu quả và tái tạo tài nguyên, năng lượng tái tạo, tuần hoàn chất thải, xu hướng hữu cơ, thân thiện tự nhiên, giảm áp lực đến di sản và tuân thủ quy luật tự nhiên. Những điều trên giúp du lịch Quảng Nam hướng đến mục tiêu kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững”, anh Phan Xuân Thanh chia sẻ.

 

Dự án thứ hai của anh mang tính táo bạo hơn và đúng với nguyện vọng hơn. Đó là thành lập Phynig House – ngôi nhà cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt dành cho các bạn trẻ muốn làm du lịch xanh, tử tế.

Anh Thanh kể mọi thứ bắt đầu từ năm 2017 khi tỉnh Quảng Nam lập tổ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và anh tham gia thành viên trong tổ với mong muốn tìm hiểu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

“Tôi rút ra được rằng khởi nghiệp chủ yếu dựa vào công nghệ là con đường nhanh nhất. Khởi nghiệp dựa vào đặc trưng địa phương là quan trọng nhất. Và tại Quảng Nam, đó là dựa vào du lịch, môi trường và nông thôn”, anh Thanh nói và chia sẻ thêm tìm kiếm nguồn lực cũng là điều hết quan trọng. Để làm được điều này anh cần có một không gian để hỗ trợ cộng đồng, làm một nơi kết nối, tận dụng những tài nguyên tại Hội An và Quảng Nam.

Tháng 11-2019, sau khi thuyết phục cổ đông công ty, anh bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng. Anh Thanh tìm kiếm sự hợp tác từ ông Csaba Bundik, Tổng giám đốc Công ty CETA Consulting và là người Hungary sống ở Việt Nam được 10 năm. Ông Csaba có kinh nghiệm về đổi mới sáng tạo, giúp anh kết nối chia sẻ kinh nghiệm, và kêu gọi hợp tác từ Châu Âu. Trong khi đó, Vườn ươm khởi nghiệp Sông Hàn (SHI) giúp anh có những giải pháp du lịch thông minh và quản trị tốt hơn không gian đổi mới sáng tạo.

Đến đầu năm 2020, Covid-19 bùng phát, anh Thanh xem việc đầu tư trung tâm này sẽ tạo ra sinh khí và sân chơi cho anh em du lịch ngồi với nhau thường xuyên hơn để tìm tòi những giải pháp.

Nhà sáng lập tham vọng Phynig House sẽ giúp cộng đồng khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương tăng khả năng cạnh tranh, có được quyền tiếp cận đến các nguồn lực và dịch vụ, cơ hội tích hợp vào các dự án khu vực và quốc tế.

 

“Các doanh nghiệp cũng dễ dàng hơn trong tiếp cận các khoản tài trợ quốc gia và quốc tế, các hoạt động phát triển kinh doanh, kiến thức và chia sẻ rủi ro”, anh Thanh nói và chia sẻ thêm trung tâm cần thời gian để cộng đồng Hội An, Quảng Nam tiếp cận và hiểu rõ hơn.

“Tôi hướng đến các nhóm đào tạo nhỏ, nhóm hội nghị nhỏ với chi phí hợp lý. Qua đó, các nhà khởi nghiệp trẻ sẽ dễ tiếp cận, từ đó tạo ra một nơi kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh cho một thế hệ doanh nghiệp non trẻ”. Anh Thanh cho biết thêm Hội An sẽ có Câu lạc bộ Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, hướng tới các bạn trẻ, giúp họ phát triển và mang giá trị địa phương thông qua ứng dụng công nghệ.

Với cái tên Phynig (tên khoa học của một loại trúc đen quý hiếm ở Việt Nam), Phan Xuân Thanh đang mong muốn ươm mầm những búp măng (doanh nghiệp trẻ) thành những cây trúc đen mạnh mẽ cho nền kinh tế xanh.
Đây cũng là một dấu ấn khác của vị doanh nhân vừa qua tuổi 40 của phố cổ Hội An trong hành trình du lịch tử tế mà anh đã đi được 20 năm.

Nhân Tâm