"Tác động dịch bệnh là nhất thời, đừng vì thế mà làm đứt gãy tiềm năng tăng trưởng"

00:00 12/10/2020

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, dù đối mặt với nhiều khó khăn từ dịch bệnh nhưng việc Chính phủ kiên quyết giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng năm 2020 là 6,8% có ý nghĩa rất quan trọng.

Dù đã dự báo trước mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tới nền kinh tế Việt Nam là nghiêm trọng, nhưng cho tới thời điểm hiện tại Chính phủ vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng cho cả năm là 6,8% như Quốc hội đã đề ra. Liệu đây có phải là một mục tiêu viển vông và làm thế nào để giữ được mục tiêu này?

Phóng viên đã có cuộc trao đổi trực tiếp với TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương về vấn đề này.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương

Ông đánh giá thế nào về tác động của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam? Cho đến thời điểm hiện tại, Thủ tướng Chính phủ vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,8%, liệu chúng ta có thể đạt được mục tiêu này không, thưa ông?

TS. Nguyễn Đình Cung: Phải nói rằng Chính phủ và các bộ ngành có liên quan đã có những đánh giá khá sớm về ảnh hưởng của dịch bệnh này tới nền kinh tế, lượng hoá ở mức độ nhất định tác động của nó. Một trong những điểm được lượng hoá là tăng trưởng kinh tế với dự báo khó có thể đạt được như mục tiêu đề ra là 6,8%.

Tuy nhiên, "không đạt" ở đây là khi mọi điều kiện khác đều diễn ra bình thường như mọi năm và Chính phủ không làm gì thêm. Nhưng tới thời điểm hiện tại Thủ tướng Chính phủ khẳng định không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Điều này theo tôi rất quan trọng. Rõ ràng không phải Thủ tướng chỉ "nói để mà nói", đằng sau lời khẳng định ấy có ý nghĩa rất lớn.

Ý nghĩa đầu tiên là tạo niềm tin cho thị trường rằng Chỉnh phủ vẫn kiểm soát được và sẽ có những giải pháp thay thế phần mất đi.

Ý nghĩa thứ 2 là nếu đạt được mục tiêu tăng trưởng thì tiềm năng tăng trưởng sẽ không bị đứt gãy. Trong mấy năm vừa qua một điều quan trọng mà chúng ta đã làm được là phục hồi nền kinh tế, trên đà này nếu để giảm một chút thì không sao, nhưng nếu để giảm xuống mức tăng trưởng 5% thì sẽ tạo ra sự đứt gẫy và có thể mất nhiều năm sau đó để có thể phục hồi trở lại. 

Vì thế, tác động dịch bệnh này là nhất thời, ngắn hạn nên đừng vì thế mà làm tiềm năng tăng trưởng của chúng ta bị đứt khúc.

Có thể thấy rõ rằng, rất nhiều các doanh nghiệp, ngành hàng đang phải "kêu cứu", đối mặt với ngàn vạn khó khăn trước dịch bệnh. Vậy theo ông, làm sao để hỗ trợ được doanh nghiệp, giúp Chính phủ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay?

TS. Nguyễn Đình Cung: Để làm được việc này có 3 nhóm giải pháp. Một là giải pháp lâu này chúng ta vẫn đang thực hiện trên tổng thể là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Có thể một vài chỉ số này khác cần được điều chỉnh nhưng về tổng thể là phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhóm giải pháp thứ 2 là làm sao hỗ trợ những doanh nghiệp chịu thiệt hại trực tiếp bởi dịch bệnh để nhóm đó đủ sức chống chịu, vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Nếu doanh nghiệp vượt được qua thời kỳ này, tăng sức chống đỡ, không bị phá sản, giải thể thì tôi tin rằng họ sẽ phục hồi nhanh chóng. Như vậy sẽ giúp duy trì được đà tăng trưởng.

Theo tôi biết, Chính phủ đang xây dựng gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, chủ yếu là giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh và có khó khăn về dòng tiền.

Về hoạt động kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp gặp khó khăn chủ yếu do đứt gãy nguồn cung thiết bị, nguyên liệu lắp ráp do đứt mạch vận chuyển thì Chính phủ nên đề ra các giải pháp tháo gỡ ách tắc trên cửa khẩu, biên giới, chuyển từ vận tải đường bộ sang phương thức vận tải khác mà không làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Hay khó khăn trong dịch chuyển lao động. Một vài doanh nghiệp có những đối tượng lao động không thể thay thế dễ dàng thì cần có chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện cho nhóm đó quay trở lại làm việc một cách sớm nhất có thể.

Cùng với đó, doanh nghiệp có thể mất khả năng thanh toán nợ đến hạn vì không có dòng tiền thì ngân hàng có thể hoãn, giãn nợ, giảm lãi suất trên cơ sở đánh giá thiệt hại của doanh nghiệp. Ngân hàng cũng nên giữ nguyên nhóm nợ nếu doanh nghiệp chưa thể thanh toán, không để trở thành nợ xấu để doanh nghiệp vẫn đủ điều kiện tiếp cận nguồn tín dụng.

Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay có thể thấy doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi doanh thu giảm, chi phí tăng, lợi nhuận giảm, thậm trí là thua lỗ. Vì thế cũng cần có sự đồng hành từ phía các cơ quan nhà nước như giảm, giãn thời gian nộp thuế để doanh nghiệp vượt qua giải đoạn khó khăn này. 

Bên cạnh đòi hỏi đồng hành từ phía Chính phủ, bản thân doanh nghiệp cũng cần tự vận động. Doanh nghiệp có thể dùng các biện pháp để kích cầu như những hành động thực tiễn mà các doanh nghiệp du lịch đang làm gần đây. 

Nhóm giải pháp thứ 3 là Chính phủ có thể tìm kiếm những chỗ còn dư địa tăng trưởng khác bù đắp lại phần bị thiệt hại do dịch bệnh gây hụt tăng trưởng. Theo đó, cần có thể tập trung vào giải ngân vốn đầu tư công quyết liệt hơn, nhất quán hơn và nhanh hơn, tập trung vào những công trình hạ tầng quan trọng có ý nghĩa tăng cầu trước mắt cho nền kinh tế, đồng thời tạo tiềm năng tăng trưởng trong những năm về sau. Chính phủ đang tư duy theo hướng này và sẽ đưa ra bàn bạc trong kỳ họp Chính phủ sắp tới.

Xin cảm ơn ông!