Trump sẽ đi “nước cờ” nào với Triều Tiên?

00:00 12/10/2020

Mới đây theo tin từ ABC, Trump đã trao thư tay cho ông Kim giải thích rõ về định nghĩa “phi hạt nhân hóa hoàn toàn”.

Đến bây giờ có thể khẳng định chắc chắn Triều Tiên có vai trò vô cùng quan trọng với Mỹ trong chính sách hướng về châu Á - Thái Bình Dương. Trong sự quan trọng ấy kinh tế không đóng vai trò quyết định.

“Địa chính trị” (Geo-politics) là thứ vũ khí mà Bình Nhưỡng đang có, thậm chí hơn cả kho vũ khí hạt nhân của nước này. Người láng giềng lớn Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ từ năm 2000 đến nay; bên cạnh một Hàn Quốc là “con hổ châu Á” - đồng minh thân cận của Mỹ.

Đồng nghĩa với việc khi Washington để mắt nhiều hơn đến Trung Quốc nhằm kiềm chế sự trỗi dậy thì Triều Tiên càng trở nên có giá trị. Nhưng mãi đến thời ông Obama chính sách xoay trục chân Á mới hình thành. Điều đó giải thích vì sao nỗ lực hàn gắn với Triều Tiên trở nên cấp thiết hơn với Mỹ, nhất là dưới thời D. Trump.

Giải trừ vũ khí hạt nhân chỉ bước đi ban đầu, cái đích sâu xa là muốn quy phục Triều Tiên bằng việc cho hai miền thống nhất. Khi đó Mỹ sẽ thoải mái xuất hiện sát biên giới Trung Quốc.

Đó là lý do để Trung Nam Hải không muốn đứng ngoài mối quan hệ Mỹ - Triều. Nhưng, có một câu hỏi không mấy ai quan tâm, phải chăng Trung Quốc không thể giúp Triều Tiên phát triển kinh tế? Cho dù họ có mối bang giao thân thiết hơn!

Đây mới là mấu chốt của vấn đề thôi thúc ông Kim Jong-un tiến hành 2 cuộc Hội nghị với Mỹ. Thực tế Trung Quốc không muốn Triều Tiên mạnh kinh tế - vì sẽ xuất hiện một cường quốc đủ sức tranh hùng trong Biển Đông mà Bắc Kinh luôn có ý đồ bá chủ.

Người Mỹ đủ thực dụng để biết rằng, đối đầu hay đàm phán với Triều Tiên cũng chính là gián tiếp mặc cả với Bắc Kinh. Cho nên, chính quyền Trump không thể giải quyết vấn đề Triều Tiên theo cách tác biệt. Tức là, “thấy cây mà không thấy rừng”.

Trung Quốc có thể thông qua Triều Tiên để mặc cả với Mỹ về chiến tranh thương mại, theo đó Nhà trắng phải xuống thang nếu muốn cải thiện tình hình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

 
Thương chiến hoàn toàn là chiếc "chìa khóa" mở ra vấn đề Triều Tiên

Suốt năm 2017 và đầu năm 2018 Washington đã sử dụng chính sách “ngoại giao cứng rắn” (không ít lần dọa dùng vũ lực) với Bình Nhưỡng nhưng không thu được kết quả, vì ông Kim cũng cho thấy rằng, mình không phải người yếu bóng vía.

Mỹ chưa bao giờ thiếu dứt khoát trong vũ lực, có thể thấy rất rõ ở Trung Đông - cũng là nơi cung cấp nguồn lợi khổng lồ từ dầu mỏ và đánh bật sự ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, với Triều Tiên là một ngoại lệ.

John Bolton cố vấn an ninh Nhà trắng, người đề bạt áp dụng “mô hình Libya” cho Triều Tiên đã không nằm trong thành phần tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất ở Singgapore. Điều đó cho thấy rằng, Washington không muốn giải quyết mâu thuẫn bằng vũ trang.

Hơn nữa, dùng quân sự với Triều Tiên vào lúc này không mang lại bất cứ kết quả tốt đẹp nào với Mỹ, ngược lại một vài đồng minh của họ ở khu vực có thể gặp hiểm nguy, đồng thời Bình Nhưỡng chưa bao giờ đe dọa trực tiếp đến an ninh nước Mỹ ngoài màn “khẩu chiến”.

Ông Trump muốn tiếp tục thử thách Triều Tiên bằng 11 lệnh cấm vận, nhưng mới đây theo tin từ ABC Trump đã trao thư tay cho ông Kim giải thích rõ về định nghĩa “phi hạt nhân hóa hoàn toàn”.

Đúng như dự báo, định nghĩa phi hạt nhân hóa là vấn đề kỹ thuật làm thất bại hai lần gặp gỡ Thượng đỉnh.

Cũng thấy rằng, Triều Tiên thích nghi khá tốt với một loạt lệnh cấm vận nhằm vào kinh tế, nếu càng duy trì lâu các lệnh này càng mất uy lực dưới khả năng vượt khó và tinh thần đoàn kết cao độ như một bản sắc của Bắc Hàn.

Nếu không muốn tháo gỡ 5 lệnh cấm đổi lại cơ sở hạt nhân Yongbyon - được cho là ít ỏi với Mỹ thì ông Trump phải đi nước cờ khác hiệu quả hơn nhưng cũng mạo hiểm hơn.

Đó là chấp nhận hoàn hoãn thương chiến với Trung Quốc để thuyết phục nước này siết chặt hơn quan hệ thương mại với Triều Tiên. Điều này hoàn toàn khả dĩ khi Bắc Kinh đang là đối tác thương mại lớn nhất, duy nhất và quan trọng nhất với Bình Nhưỡng. 

Triều Tiên từ lâu được đồn đoán như là “quân bài trong tay nải” của Trung Quốc, thực tế mấy lần gặp gỡ Tổng thống Mỹ, ông Kim đều có chuyến đi công khai hoặc bí mật đến hội kiến ông Tập.

Trung Quốc hoàn toàn đóng vai trò là chìa khóa để mở cánh cửa giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Có điều, Bắc Kinh sẽ “ra giá” thế nào mà thôi.