Tik Tok và bài toán thời gian

00:00 12/10/2020

Truyền thông thời gian gần đây đang dành sự quan tâm đặc biệt đến việc TikTok bị chính phủ Mỹ đe dọa cấm hoạt động tại Mỹ nếu không được bán lại cho một công ty trong nước. Vậy cơ bản vấn đề ở đây là gì? Bài viết sẽ đi vào phân tích các vấn đề liên quan đến vụ việc này.

  1. TikTok là một trong những nền tảng truyền thông xã hội phát triển nhanh nhất, cung cấp cho người dùng phương tiện để thể hiện bản thân thông qua các video ngắn, vui nhộn, có thời lượng từ 15 đến 60 giây, kèm theo nhiều công cụ dễ sử dụng./ © Chesnot/Getty Images

Quyết định CFIUS là gì và tác động của nó ra sao?

TikTok là nền tảng mạng xã hội cho phép người dùng chia sẻ các video ngắn tự làm đang rất thịnh hành trong giới trẻ. Cuối năm 2017, công ty mẹ từ Trung Quốc của TikTok, ByteDance, đã thực hiện sát nhập Musical.ly vào ứng dụng TikTok của mình. Ứng dụng cho phép người dùng tạo các clip ngắn 15 giây để hát và nhảy theo các nền nhạc nổi tiếng trị giá 1 tỷ USD này đã làm bệ phóng vững chắc đưa TikTok thâm nhập thị trường Mỹ hiệu quả, giúp ứng dụng có tốc độ phát triển nhanh chóng chỉ tính riêng trong năm 2019. Thương vụ mua lại Muscial.ly năm 2017 của ByteDance đang là tâm điểm lo lắng về an ninh quốc gia tại Mỹ. Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đã mở một cuộc điều tra về thương vụ mua lại Musical.ly và vào tháng 8 vừa qua, Tổng thống Donal Trump đã công bố kế hoạch cấm TikTok hoạt động tại quốc gia này nếu nó không được một công ty của Mỹ mua lại chậm nhất vào mùa thu năm nay. TikTok sau đó đã đâm đơn kiện chính phủ Mỹ, cáo buộc lệnh cấm là vi phạm các quyền được nêu trong Tu chính án thứ năm.

  1. TikTok được ra mắt vào năm 2016 bởi công ty mẹ ByteDance như một dự án của Trung Quốc có tên Douyin./ © Chesnot / Getty Images

 Điều gì đang xảy ra với TikTok tại Mỹ?

Tính đến quý IV/2019, TikTok là ứng dụng có lượt tải nhiều thứ hai ở Mỹ thông qua chợ ứng dụng App Store của Apple. Sự phát triển rộng rãi và nhanh chóng của TikTok đang làm dấy lên lo ngại việc thông tin cá nhân của công dân Mỹ có thể bị thu thập và phân tích bởi chính phủ Trung Quốc. Đi cùng với sự phổ biến của TikTok là sự gia tăng các cuộc điều tra tính bảo mật của ứng dụng này của chính phủ Mỹ.

Bản thân ứng dụng Muscial.ly tuy có xuất phát từ Mỹ, nhưng từ khi được chuyển sở hữu sang một công ty của Trung Quốc, đã kéo theo sự lo lắng về việc các dữ liệu có sẵn của công dân Mỹ có thể bị chính phủ Trung Quốc truy cập mà không có sự giám sát nào. Vào tháng 7/2020, Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ đã mở một cuộc điều tra về việc liệu TikTok có vi phạm luật riêng tư của Mỹ hay không khi thu thập thông tin của người dùng là trẻ em dưới 13 tuổi mà không có sự cho phép của cha mẹ chúng. 

  1. TikTok như chúng ta biết ngày nay ra đời sau khi hợp nhất với Musical.ly, một ứng dụng hát nhép, vào năm 2018 sau khi được ByteDance mua lại với giá 1 tỷ đô la./ © Silas Stein / liên minh hình ảnh qua Getty Images

Cũng trong tháng 7, chính quyền của Tổng thống Trump cũng thông báo họ đang xem xét việc cấm sử dụng TikTok ở Hoa Kỳ. Ban đầu, lý do của chính phủ Mỹ là sự quan ngại trước nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân của công dân và trả đũa các hoạt động xử lý dịch Covid-19 của Trung Quốc mà chính phủ Mỹ cho là không hiệu quả. Đến tháng 8/2020, chính quyền đã sử dụng kết quả điều tra của CFIUS để làm cơ sở tuyên bố sẽ cấm TikTok hoạt động nếu nền tảng này không được bán cho một doanh nghiệp của Mỹ trước ngày 15/9. Một số doanh nghiệp quan tâm đến thương vụ này có thể kể đến Microsoft, Walmart, Twitter hay Oracle…

 Vai trò của CFIUS?

CFIUS là một ủy ban liên ngành chuyên đánh giá và xem xét các khoản đầu tư nước ngoài vào nước Mỹ - cụ thể là các thương vụ mua lại, sát nhập, hay đổi chủ trên phương diện tác động của thương vụ đó đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Nếu phát hiện thấy nguy cơ đe dọa, Tổng thống có thể quyền dừng hoạt động đầu tư hoặc ban hành các biện pháp đảm bảo an ninh. CFIUS là phòng tuyến quan trọng trong trường hợp các bộ luật khác của nước Mỹ bỏ sót hoặc không bao trùm được hết vấn đề, và nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh có tính thuyết phục cao. Sau khi nhận được báo cáo của CFIUS, Tổng thống Mỹ có 15 ngày để đưua ra quyết định phù hợp.

  1. Ứng dụng ước tính có khoảng 800 triệu người dùng hoạt động hàng tháng kể từ ngày 7 tháng 8 năm 2020, theo businessofapps.com . Các quốc gia nơi ứng dụng được tải xuống nhiều lần nhất bao gồm Ấn Độ và Hoa Kỳ/ © Chesnot / Getty Images

Đạo luật Hiện đại hóa rà soát rủi ro Đầu tư nước ngoài năm 2018 (2018 Foreign Investment Risk Review Modernization Act (FIRRMA) đã củng cố và cập nhật quy trình rà soát của CFIUS. Khi FIRRMA đi vào hiệu lực từ tháng 2/2020, phạm vi rà soát của CFIUS đã được mở rộng sang các giao dịch thương mại mà trong đó, chính phủ nước ngoài có lợi ích đáng kể khi đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào các doanh nghiệp Mỹ có sở hữu hoặc liên quan đến các công nghệ quan trọng, các cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc các dữ liệu nhạy cảm của công dân Mỹ. Phạm vi cuối cùng được mở rộng, cũng liên quan trực tiếp đến trường hợp của TikTok, là sự quan ngại của Quốc hội Mỹ. Sự quan ngại này bao gồm việc nội dung của giao dịch có bao gồm cả quyền truy cập vào “thông tin định danh cá nhân, thông tin di truyền hoặc dữ liệu nhạy cảm của công dân Mỹ… có thể bị khai thác theo hướng đe dọa đến an ninh quốc gia”.

Cách tiếp cận của CFIUS có hàm ý gì?

Nếu cách đây 5 năm, việc CFIUS điều tra thương vụ mua lại Musical.ly của ByteDance khó có thể xảy ra, thì trong vài năm trở lại đây, CFIUS đã có thẩm quyền nhiều hơn vào điều tra các trường hợp liên quan đến dữ liệu nhạy cảm của nước Mỹ. Mặc dù bản thân Muscial.ly đã không lường trước được các rủi ro tiềm ẩn trong thương vụ với ByteDance và không gửi hồ sơ thương vụ đến CFIUS, thì CFIUS vẫn thực hiện một cuộc điều tra toàn diện về thương vụ này sau khi giới luật pháp Mỹ kêu gọi có sự quan tâm nghiêm túc đến vấn đề này.

  1. Ứng dụng chia sẻ video ngắn có cơ sở người dùng trẻ nhất trong số các mạng xã hội phổ biến khác. Một báo cáo của Reuters cho biết khoảng 60% người dùng Mỹ ở độ tuổi từ 16 đến 24./ © Phil Barker / Future Publishing qua Getty Images

Cách tiếp cận của CFIUS tuân theo quy trình nhằm đảm bảo thông tin cá nhân của công dân Mỹ không lọt vào tay các tổ chức nước ngoài. Vào năm 2018, một thỏa thuận trị giá 1,2 tỷ USD giữa MoneyGram International và Công ty Ant Financial của Trung Quốc đã bị ngăn chặn do lo ngại thông tin định danh cá nhân của công dân Mỹ có thể bị chính quyền Trung Quốc tiếp cận. Đến tháng 3 năm 2019, CFIUS cũng đã yêu cầu Kunlun Tech – công ty game tại Bắc Kinh, Trung Quốc phải thoái vốn khỏi ứng dụng hẹn hò đồng tính Grindr do lo ngại thông tin của người dùng như địa chỉ, xu hướng tình dục, tình trạng HIV có thể bị nước ngoài khai thác. Đến tháng 3 năm nay, chính quyền Trump cũng đã chỉ đạo Công ty Công nghệ thông tin Shiji Beijing phải thoái vốn khỏi hãng phần mềm quản lý khách sạn StayNTouch. Mặc dù không nêu rõ lý do, xong việc StayNTouch sở hữu lượng lớn thông tin cá nhân liên quan đến du lịch và dữ liệu phục vụ công nghệ quét ID và nhận dạng gương mặt khách hàng có thể là lý do khiến CFIUS quan ngại.

Trong vấn đề của TikTok hiện nay, có thể coi CFIUS đang mềm mỏng hơn khi vẫn mở đường cho TikTok tiếp tục được hoạt động nếu ứng dụng được bán cho một doanh nghiệp của Mỹ trước ngày 15/9.

  1. Một công cụ tiếp thị mới nổi nhanh chóng cho các thương hiệu, NBA, Chipotle và Guess cũng có trên ứng dụng./  © Jens Kalaene / Getty Images

Các quan ngại an ninh của chính phủ Mỹ hiện nay?

Hai trong số cáo buộc an ninh đối với TikTok hiện nay, bao gồm việc tình báo Trung Quốc có thể thu thập và khai thác thông tin cá nhân của công dân Mỹ và Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng truyền thông đến công chúng Mỹ.

Về khía cạnh rò rỉ thông tin cá nhân, TikTok hiện đang thu thập thông tin mà người dùng cung cấp trên phương tiện truyền thông xã hội, dịch vụ của bên thứ ba và các bên tham gia khác của nền tảng. TikTok cũng tự động thu thập thông tin sử dụng thiết bị, như vị trí, tin nhắn, cookie trình duyệt hay thói quen người dùng giống như các nền tảng khác. Trước đây, ứng dụng cũng tìm cách truy cập vào khay nhớ tạm thời của điện thoại, nơi vốn chứa mật khẩu người dùng, song hiện nay tính năng này đã bị loại bỏ. Mặc dù chưa có bằng chứng việc chính quyền Trung Quốc đã có được dữ liệu mà TikTok thu thập, song nguy cơ an ninh quốc gia vẫn rất hiện hữu cho theo luật pháp Trung Quốc, các doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc có nghĩa vụ cung cấp tất cả thông tin hoạt động của mình theo Luật An ninh mạng năm 2017. Trong ngắn hạn, dữ liệu của TikTok đa số thuộc về nhóm thanh niên trẻ, nên giá trị của chúng với chính phủ Trung Quốc có phần nào còn hạn chế.

  1. Cho dù bạn là một người hâm mộ thể thao, một khách du lịch hay một đầu bếp đầy tham vọng, ứng dụng này có thứ gì đó dành cho tất cả các loại người dùng thuộc nhiều sở thích khác nhau. / © Justin Sullivan / Getty Images

Ngoài ra, TikTok cũng đang thực hiện các bước đi nhằm độc lập hơn khỏi Trung Quốc đại lục. Bản thân TikTok không được phát hành tại Trung Quốc mà có một phiên bản khác dành riêng cho thị trường này, mang tên Douyin. Dữ liệu của TikTok cũng được lưu trữ tại Singapore và Virginia. Và TikTok cũng đã ngưng hoạt động tại Hong Kong sau khi Luật An ninh quốc gia có hiệu lực tại đây. Bất chấp các động thái này, CFIUS vẫn cho rằng TikTok vẫn tiềm ẩn nguy cơ bảo mật và tìm mọi cách để ngăn ByteDance có quyền truy cập vào dữ liệu của công dân Mỹ.

Bản thân chính quyền Trung Quốc cũng có sự quan tâm rõ ràng đến thông tin của công dân Mỹ, minh chứng qua các vụ hack nổi tiếng như vụ hack OPM năm 2015, vụ hack Equifax năm 2017 và vụ hack khách sạn Marriot từ năm 2014 đến 2018. Thông tin thu được từ TikTok vẫn có thể có giá trị cho tình báo Trung Quốc một khi các công dân bị lộ thông tin tham gia làm việc cho chính phủ Mỹ hoặc làm trong các doanh nghiệp nhạy cảm. Thậm chí, đây cũng có thể làm cơ sở dữ liệu cho các hoạt động định hướng dư luận, như vụ bê bối của Cambridge Analytica vừa qua.

  1. Với các nhà đầu tư như SoftBank Group, công ty mẹ của TikTok, với 75 tỷ đô la, đã nổi lên như một công ty khởi nghiệp được tư nhân hậu thuẫn lớn nhất trên thế giới vào năm 2018./ © Getty Images

Lý do thứ hai mà Mỹ quan ngại về TikTok là các hoạt động gây ảnh hưởng truyền thông của chính phủ Trung Quốc. Bản thân ByteDance cũng đã có lịch sử hợp tác với chính phủ Trung Quốc trong quá khứ. Phiên bản TikTok tại Trung Quốc của ByteDance, Douyin, cũng thường được chính phủ Trung Quốc sử dụng để tuyên truyền quan điểm nhà nước. Mặc dù vậy, các kỹ thuật tuyên truyền này cũng chưa được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc và thanh thiếu niên Mỹ cũng ít bị ảnh hưởng bởi các hoạt động tuyên truyền này hơn do những sai lầm trong các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc trước đây.

Là ứng dụng hoạt động tại thị trường Mỹ, TikTok cũng phải tuân thủ Luật tự do ngôn luận hoặc Luật kiểm duyệt tại đây. Nước Mỹ cũng có những hạn chế riêng về giới hạn tự do ngôn luận, song bản thân các công ty tư nhân cũng có thể tự kiểm duyệt riêng các nội dung đăng tải trên nền tảng của họ. Điều này làm dấy lên lo ngại, TikTok có thể góp phần ngăn chặn các nội dung truyền thông có thể gây bất lợi cho chính phủ Trung quốc. Mặc dù TikTok tuyên bố mình không kiểm duyệt các nội dung nhạy cảm liên quan đến chính quyền Trung Quốc, song mới đây, một tài khoản người dùng tại Mỹ lên án việc giam giữ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc đã bị khóa. Kết hợp với việc các video về cuộc biểu tình ở HongKong bị hạn chế phổ biến một cách đáng ngờ, đã dấy lên lo ngại về việc TikTok đang tự kiểm duyệt các nội dung gây bất lợi cho Trung Quốc.

  1. "Old Town Road" của Lil Nas X và "Bored in the House" của Curtis Roach là một số bài hát chính đã trở nên lan truyền trên nền tảng./ © AWNewYork / Shutterstock

Quan hệ Mỹ - Trung trong lĩnh vực công nghệ liệu có bị ảnh hưởng?

Trong quá khứ, Mỹ luôn là quốc gia mà các cá nhân có ý kiến và phát biểu trái với lợi ích của Trung Quốc tìm đến. Tuy nhiên, thông qua việc ngăn chặn việc truyền tải thông tin ra khỏi nước Mỹ với lý do an ninh quốc gia, Mỹ có nguy cơ tạo ra một tiền lệ có thể được các quốc gia khác áp dụng làm theo để hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp Mỹ tại nước mình. Thực tế cho thấy, việc bắt buộc phải nội địa hóa dữ liệu cũng khiến các doanh nghiệp kém chủ động hơn trong kinh doanh và có thể trở thành rào cản tiếp cận thị trường vì mỗi nước sẽ lại có một hệ thống quản lý thông tin riêng phải thỏa mãn.

Các doanh nghiệp Trung Quốc muốn tiếp cận thị trường Mỹ, cũng sẽ phải áp dụng các chiến lược như kiểm soát cổ phần, thoái vốn, hay điều chỉnh điều khoản lưu trữ dữ liệu của mình. Các công ty Mỹ cũng vấp phải những rào cản pháp lý khác khi tham gia thị trường Trung Quốc, làm cho hàng rào quy định của cả hai nước ngày càng tăng. Bài toán thâm nhập thị trường từ đó cũng sẽ áp lực hơn cho các doanh nghiệp công nghệ cả lớn lẫn bé.

Sự phát triển của các nền tảng giải trí trực tuyến đang kéo theo nhiều quan ngại về vấn đề an ninh dữ liệu đối với mọi chính phủ trên thế giới. Hành động nghiêm cấm của chính phủ Mỹ đối với doanh nghiệp nước ngoài, cho thấy rủi ro không hề nhỏ mà việc để lộ dữ liệu cá nhân gây ra, cũng như sự khó khăn trong công tác quản lý lượng dữ liệu đồ sộ này. Đối với Việt Nam, việc yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài đặt máy chủ trong nước cũng như kiểm soát dữ liệu người dùng trong nước là rất cần thiết cũng như cần được nghiên cứu các giải pháp áp dụng hiệu quả.

 Ths. Nguyễn Trần Minh Trí