Thợ săn đá trời

00:00 12/10/2020

Sinh ra tại Thượng Hải – Trung Quốc, Zhang, 37 tuổi một người không được đào tạo chính thức kiến thức về thiên văn, nhưng đã đạt được nhiều thành công đáng kể trong công cuộc tìm kiếm thiên thạch. Người thợ săn “đá trời” này luôn dành nhiều ngày để tìm hiểu nghiên cứu thông tin và đi khắp thế giới tìm kiếm những mảnh đá kỳ lạ có giá trị cực cao lên tới hàng triệu đô mỗi viên.

Zhang và máy dò kim loại tìm kiếm thiên thạch

Niềm đam mê với thiên thạch

Niềm đam mê của Zhang với thiên thạch bắt đầu vào năm 2009, khi anh đang đi nghỉ quanh khu nghỉ mát đảo Hải Nam của Trung Quốc thì phát hiện một quả cầu lửa sượt qua bầu trời đêm được cho là từ Sanya. Lúc đó, Zhang đang làm việc trong một công ty trang sức của gia đình, chỉ một thời gian ngắn sau đó, những viên thiên thạch đã chiếm lấy toàn bộ tâm trí anh. Zhang bắt đầu học, đầu tiên trên internet và trong các thư viện, sau đó anh trực tiếp đến tìm hiểu tại Đài quan sát thiên văn ở Nam Kinh (PMO), cách Thượng Hải 300 km về phía Đông. Viện Thiên văn học PMO được thành lập vào năm 1928, ngày nay PMO là trung tâm nghiên cứu vật thể vũ trụ của Trung Quốc, nơi các chuyên gia, như Xu, kiểm tra các thiên thạch mà những thợ săn, như Zhang đưa vào để xác minh. Lúc đầu, Zhang mang cho họ những viên thiên thạch mà anh mua hoặc tìm thấy để kiểm nghiệm. Năm 2012, anh bắt đầu thực hiện các cuộc thám hiểm vào một số khu vực khắc nghiệt nhất thế giới ở Nga, Pháp, sa mạc Sahara và Tân Cương - Trung Quốc... với hành trang mang theo là máy dò kim loại quét mặt đất. Zhang đã thực hiện khám phá quan trọng nhất vào mùa hè năm 2016, sau khi anh nghe tin về các thiên thạch lớn được tìm thấy ở Altay, anh đã chuẩn bị lên đường với chiếc SUV của mình cùng máy dò kim loại, xẻng, lều và đủ đồ dùng để duy trì cuộc sống trong hai tuần tại một vùng xa xôi hẻo lánh, nằm ở tỉnh Tân Cương của Trung Quốc, giáp với Mông Cổ và Kazakhstan ở Trung Á. Tại đây tồn tại một thiên thạch được mệnh danh là "Lạc đà bạc", tảng đá lớn, được cho là đã rơi xuống trái đất vào năm 1898. Nó nặng 28 tấn và là thiên thạch sắt lớn thứ tư trên thế giới, hiện đang nằm trong Bảo tàng Địa chất và Khoáng sản Tân Cương. Zhang cũng đang tìm kiếm các phần còn lại của thiên thạch có tên "Giọt nước mắt của Thánh Allah", một thiên thạch sắt khổng lồ nặng gần 18 tấn, được tìm thấy ở Altay vào năm 1986 bởi một người chăn gia súc, người này đã giữ nó 25 năm cho đến khi các quan chức chính quyền địa phương phát hiện và mang đi năm 2011. Năm 2017, người chăn gia súc này được cho là đang cố gắng kiện chính quyền địa phương đòi quyền sở hữu.

Sau khi tìm thấy những viên thiên thạch, Zhang đã cẩn thận ghi chép lại vị trí của chúng, dựa trên thông tin ghi chép này, các nhà khoa học đã có thể xác định rằng trường thiên thạch ở Altay chạy dọc theo một vòng cung dài 425 km từ Trung Quốc đến Mông Cổ, biến nơi đây thành trường thiên thạch lớn nhất thế giới. Trước đây, cánh đồng thiên thạch lớn nhất thế giới là ở Gibeon, Namibia, trải dài 275 km, phía Nam, nơi "Hoba", thiên thạch sắt lớn nhất thế giới được tìm thấy vào năm 1920. "Hoba" nặng 60 tấn và theo các nhà khoa học, Hoba đã rơi xuống trái đất từ khoảng 80.000 năm trước.

Sự ra đời của những "viên đá trời"

Một mẫu thiên thạch trưng bày tại Urumqi thủ phủ khu tự trị Tân Cương - Trung Quốc

Theo Cơ quan vũ trụ Mỹ NASA, có tới khoảng 44 tấn vật liệu thiên thạch rơi xuống trái đất mỗi ngày. Hầu hết chúng bị đốt cháy trong bầu khí quyển, một số nhỏ còn lại hạ cánh xuống trái đất. Chẳng hạn, vào cuối tháng 7, một thiên thạch có kích thước tương đương với một quả bóng đá rơi xuống một cánh đồng lúa ở miền Đông Ấn Độ. Không có trường hợp nào được xác nhận là thiên thạch rơi xuống gây chết người, nhưng theo Tổ chức thiên văn Quốc tế, họ đã liệt kê được nhiều trường hợp thiên thạch rơi vào nhà hoặc xe hơi. Thiên thạch sắt được cấu tạo gần như hoàn toàn bằng hợp kim Niken-sắt. Chúng chiếm ít hơn 5% lượng thiên thạch rơi xuống, nhưng trọng lượng của chúng nặng hơn nhiều so với đá bình thường, lớp vỏ bên ngoài bằng kim loại sáng bóng giúp chúng dễ dàng được xác định là thiên thạch. Hầu hết các thiên thạch sắt được
cho là có nguồn gốc từ lõi của các tiểu hành tinh lớn nằm xung quanh vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc, cách mặt trời khoảng 400 triệu km. Những tiểu hành tinh đó được cho là tàn dư sau khi hệ mặt trời của chúng ta được tạo ra khoảng 4,6 tỷ năm trước, đó là lý do tại sao chúng rất có giá trị và quan trọng đối với nghiên cứu khoa học tìm hiểu nguồn gốc trái đất. Khi đánh giá thiên thạch, các chuyêngia tìm kiếm hai đặc điểm tách chúng ra khỏi các loại đá hoặc đá thông thường: một lớp vỏ hợp nhất và regmaglypts - những lỗ hổng, vết nứt trên bề mặt của một thiên thạch, được tạo ra bởi ma sát khi thiên thạch đi qua bầu khí quyển. Mặt khác, lớp vỏ nhiệt hạch là lớp bao quanh thiên thạch bởi thủy tinh sẫm màu. Khi thiên thạch di chuyển qua bầu khí quyển, nó làm cho không khí xung quanh bị nén lại, khí nén có nhiệt độ cao làm tan chảy các lớp bên ngoài của thiên thạch, khi nó rơi chậm lại đến một điểm không xảy ra sự tan chảy, lớp đó sẽ nguội đi tạo thành lớp vỏ hợp nhất.

Theo Xu, những hạt bụi cám bám lại trên bề mặt là yếu tố quý giá nhất của bất kỳ thiên thạch nào. Các đồng vị khác nhau trong các thành phần hóa học của hạt bụi chứa thông tin về cách các ngôi sao đã tiến hóa theo thời gian.

Gía trị cực cao

Đồng bằng rộng lớn và các khu vực miền núi của Trung Quốc là nơi tìm kiếm phổ biến cho những người đam mê thiên thạch trên thế giới. Một số thiên thạch sắt lớn nhất thế giới đã được tìm thấy ở đó, bao gồm cả ở Altay nơi Zhang cùng với nhiều thợ săn khác tham gia tìm kiếm. Một phần của sự hấp dẫn trong công cuộc tìm kiếm là cảm giác phiêu lưu. Đi đến những khu vực xa xôi hẻo lánh đòi hỏi phải có nhiều thiết bị hiện đại và kế hoạch tìm kiếm chi tiết, kèm với đó là sự hồi hộp phấn chấn khi tìm thấy một thứ gì đó thúc đẩy sự hiểu biết của khoa học về hệ mặt trời. Ví dụ, năm 1998 các nhà khoa học đã tìm thấy hợp chất hữu cơ liên quan đến nước - nguồn gốc của sự sống - trong thiên thạch "Zag và Monahans" rơi xuống Texas Mỹ và Morocco, làm tăng khả năng tồn tại sự sống trong không gian.

Zhang đang tìm những mảnh thiên thạch còn sót lại của "Giọt nước mắt thánh Allah" tại Altay 1986

Tuy nhiên, đối với nhiều thợ săn thiên thạch, động lực cơ bản không chỉ vì khoa học, mà mục tiêu hấp dẫn họ hơn nhiều đó là tiền. Sau khi một quả cầu lửa được nhìn thấy bay vút qua bầu trời gần biên giới Myanmar và Lào vào năm 2018, những thợ săn thiên thạch đã chạy đến khu vực này, trang bị nhiều máy dò kim loại cùng nhiều thiết bị hiện đại nhất với hy vọng sẽ trở nên giàu có. Năm 2016, khoảng 200 thiên thạch rơi xuống một ngôilàng nhỏ ở Xishuangbanna - Trung Quốc đã thúc đẩy một cuộc tìm kiếm vội vã đến mức chính quyền địa phương phải đưa ra thông báo kêu gọi mọi người bình tĩnh. "Xin hãy nhìn nhận một cách hợp lý về những cơn mưa thiên thạch. Đừng mù quáng muốn đạt được mục tiêu làm giàu chỉ sau một đêm bằng cách tìm thấy chúng. Cuộc sống cần được tạo ra bằng nỗ lực và sự cống hiến của chính bạn." Thông báo của chính quyền cho biết. Vài ngày sau khi nhìn thấy quả cầu lửa, các thiên thạch được cho là đã được rao bán trực tuyến với mức giá lên tới 50.000 RMB (7.800 USD/gram). Xu Weibiao, một chuyên gia về thiên thạch từ Đài thiên văn ở Nam Kinh, nói rằng các thiên thạch có thể bán được với mức giá cao hơn thế - trên 10.000 USD/gram. “Sự hiếm có của thiên thạch quyết định giá trị thị trường của nó", Xu nói. "Ngoại trừ những người thực sự biết thiên thạch và tầm quan trọng của nó, hầu hết người mua là những người không hiểu biết và thiên thạch họ mua thường là giả."

Zhang bên xe SUV tại Tân Cương - Trung Quốc 2016

Sau mỗi lần giao dịch, Zhang hầu như sẽ không tiết lộ bất kỳ thông tin nào về khách hàng của mình. Anh nói khách hàng sẵn sàng trả bất cứ giá nào có thể từ 100.000 đến 1 triệu USD cho mỗi viên thiên thạch. Trong các cuộc đấu giá quy mô, thiên thạch cũng thường được trả giá rất cao. Cuộc đấu giá thiên thạch mới nhất của nhà đấu giá người Anh- Christie, có tên "Tác động sâu sắc", đã thu về hơn 800.000 USD vào tháng 2 năm 2019. Một trong những vật phẩm được mang ra đấu giá là viên Campo del Cielo ("Thung lũng của bầu trời"), một thiên thạch được cho là hình thành từ sau vụ va chạm vũ trụ giữa hai tiểu hành tinh đã gửi những mảnh vỡ rơi xuống trái đất khoảng 4.000 năm trước. Nó được bán với giá $275,000, cao hơn so với ước tính ban đầu là $60,000. Thiên thạch đắt nhất từng được bán đấu giá là một thiên thạch mặt trăng được bán vào năm 2018 bởi Công ty RRA với giá $ 612.500. Nó được gọi là "Câu đố mặt trăng" bởi vì nó bắt nguồn từ mặt trăng và được tạo thành từ sáu mảnh vỡ khớp với nhau, được tìm thấy vào năm 2017 tại quốc gia Mauritania phía Tây Bắc châu Phi, nhưng nó được cho là đã hạ cánh hàng ngàn năm trước, sau khi bị thổi bay khỏi bề mặt mặt trăng sau một vụ va chạm thiên thạch khác.

Theo Zhang, anh không săn thiên thạch vì mục đích kiếm tiền, mà là để đóng góp cho khoa học và giáo dục. Cho đến nay, những chuyến du hành tìm kiếm của anh đã đưa anh đi khắp nơi trên thế giới, từ miệng núi lửa Barringer ở sa mạc Arizona đến Khu bảo tồn thiên thạch Henbury ở Úc. Bất cứ nơi nào có thiên thạch - Zhang sẽ ở đó.

Thái Ngọc