Thị trường tài chính: Vũ khí lợi hại của Trung Quốc

00:00 12/10/2020

Bắc Kinh tuyên bố sẽ mở cửa mạnh mẽ hơn nữa thị trường tài chính trị giá mấy chục nghìn tỷ USD để đối phó với Mỹ...

Trung Quốc đang đẩy mạnh hơn nữa việc mở cửa hệ thống tài chính

Ủy ban Phát triển và ổn định tài chính Trung Quốc cho biết, Trung Quốc sẽ triển khai thêm các biện pháp nhằm thúc đẩy sự mở cửa tài chính hai chiều chất lượng cao, khuyến khích các định chế tài chính và quỹ đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường tài chính để tăng cường sự linh hoạt của hệ thống tài chính trong nước.

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ tiến hành nới lỏng các quy định mua cổ phiếu và trái phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà quản lý tài chính hàng đầu của Bắc Kinh cho biết tự do hoá sẽ thúc đẩy tương lai. Dự kiến, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh khai thác các thị trường khác như châu Âu, Đông Nam Á và các thị trường nằm trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" thay cho Mỹ.

Đối với Trung Quốc, trước nay lĩnh vực tài chính ngân hàng vốn bị e dè nhiều nhất dù nước này đã tiến hành phát hành các cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường chứng khoán quốc tế và biến Thượng Hải thành trung tâm tài chính quốc tế.

Chuyên gia Li Haitao, Giáo sư cấp cao ngành tài chính của Học viện Kinh doanh Trường Giang tại Bắc Kinh, nhận định, Trung Quốc đã đẩy mạnh mở cửa hệ thống tài chính trong hai năm trở lại đây và hứa hẹn đến năm 2020 sẽ loại bỏ trần sở hữu đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chứng khoán, quỹ tương hỗ và các công ty bảo hiểm nhân thọ.

"Việc đẩy mạnh mở cửa thị trường tài chính cũng là là một cách để đặt áp lực đối với quá trình cải cách và tăng cường khả năng cạnh tranh của hệ thống tài chính Trung Quốc", ông Li đánh giá.

Có thể thấy, trải qua nhiều thập kỷ cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã trở nên sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, ngành công nghiệp dịch vụ tài chính của Trung Quốc trị giá 43 nghìn tỷ USD.

Chính vì vậy, ngay cả một hoạt động nhỏ cũng có thể sinh lời. Bloomberg Intelligence ước tính rằng - không xét đến tình trạng kinh tế giảm tốc hoặc thay đổi tất yếu, các ngân hàng và công ty chứng khoán nước ngoài có thể kiếm được khoản lợi nhuận là hơn 9 tỷ USD mỗi năm tại Trung Quốc vào năm 2030.

Mặc dù vậy, con đường thâm nhập vào thị trường tài chính Trung Quốc sẽ không hề dễ dàng. Cho đến nay, vẫn còn khá nhiều trở ngại đối với hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc. Số liệu gần đây nhất do NHTW công bố cho thấy sự tiếp cận của nước ngoài vào thị trường tài chính nước này vẫn chưa nhiều, chỉ chiếm 3,1% thị trường chứng khoán và 2,2% thị trường trái phiếu.

Trong Sách Trắng năm 2019 của Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc lưu ý, quy trình xin giấy phép kinh doanh hiện tại, chẳng hạn như quy trình sở hữu quyền kiểm soát đa số trong các doanh nghiệp chứng khoán, vẫn đòi hỏi cam kết vốn trả trước lớn và trải qua quy trình xét duyệt kéo dài.

Bên cạnh đó, việc cho phép các công ty nước ngoài có quyền sở hữu hoàn toàn đối với những công ty bảo hiểm và khác vào năm 2020 hiện vẫn chưa có khuôn khổ rõ ràng. Đáng chú ý, rào cản vô hình vẫn còn tồn tại rất nhiều, trong đó có việc tiếp cận một thị trường vốn bị chi phối bởi các công ty được chính phủ hậu thuẫn đã có mối quan hệ lâu dài với khách hàng.

Quá trình nộp đơn từ, giấy phép vẫn chưa minh bạch, điều này có thể khiến các nhà đầu tư chùn bước. Ví dụ, Visa và Mastercard đã phải chờ đợi nhiều năm mới có thể bước chân vào thị trường Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh mở cửa ngành thanh toán bù trừ vào năm 2015.

Các nhà đầu tư vẫn sẽ cần các chính sách cải cách đáng tin cậy trong những lĩnh vực tài chính tại Trung Quốc và sẽ còn một chặng đường dài để Trung Quốc hiện thực hóa việc mở cửa mạnh mẽ thị trường tài chính. Nhưng đây là một bước tiến mới, có thể giúp chính quyền Trung Quốc đẩy mạnh cải cách hơn nữa trong thời gian tới.