Sân khấu truyền thống trong nỗi lo “tự chủ tài chính”

00:00 12/10/2020

Từ năm 2015, một số đơn vị nghệ thuật như Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Liên đoàn Xiếc Việt Nam… được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) chọn làm đơn vị thí điểm chuyển đổi mô hình đơn vị sự nghiệp có thu sang tự hạch toán thu chi. Theo lộ trình, đến năm 2020, tất cả các đơn vị nghệ thuật công lập phải tự chủ hoàn toàn. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, nhiều đơn vị vẫn còn chật vật với muôn vàn khó khăn, nhất là các đơn vị nghệ thuật truyền thống.

Các đơn vị nghệ thuật truyền thống đối mặt nỗi lo tự chủ tài chính. Ảnh minh họa.Nguồn: Internet

Nỗi lo mất bản sắc

Hiện nay cả nước có 115 tổ chức nghệ thuật công lập, bao gồm 8 đơn vị kịch nói, 16 đơn vị cải lương, 6 đơn vị tuồng, 14 đơn vị chèo, 5 đơn vị múa rối nước, 32 đơn vị ca múa nhạc, tổng hợp, 27 đơn vị nghệ thuật dân gian, dân tộc, dân ca, 4 đơn vị xiếc, 2 đơn vị nhạc vũ kịch, 1 nhà hát giao hưởng. Phần lớn mỗi tỉnh có từ 1 đến 2 đơn vị nghệ thuật công lập, riêng TP.HCM có 8, Hải Phòng có 5, Thanh Hóa có 4 và Hà Nội có 6 tổ chức NTBD. Số lượng cán bộ, diễn viên ở mỗi tổ chức nghệ thuật bình quân từ 30 đến 40 người. Các đoàn nghệ thuật địa phương đều có chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy theo mô hình giống như các đoàn ở cấp quốc gia. Như vậy nhìn vào bức tranh chung này có thể nhận thấy, số lượng các đơn vị nghệ thuật truyền thống chiếm phần lớn. Các ngành như cải lương, tuồng, chèo, múa rối, dân ca đang phải chật vật xoay chuyển để làm sao có thể tồn tại trong điều kiện mới, tự chủ hoàn toàn về tài chính, không còn trông đợi vào nguồn kinh phí bao cấp của nhà nước.

Phải khẳng định ngay rằng, tự chủ là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường nhằm giảm áp lực tài chính cho ngân sách nhà nước, đồng thời, tăng quyền tự chủ cho các đơn vị nghệ thuật công lập.Tự chủ giúp cho việc quản lý, phân phối, chi tiêu tài chính của từng đơn vị sẽ gắn liền chất lượng, hiệu quả công việc. Mô hình này sẽ tạo ra động lực để các đơn vị công lập chủ động đa dạng hóa các hoạt động của mình, cải tạo doanh thu, cải thiện thu nhập của nghệ sĩ. Tự chủ cũng góp phần xóa bỏ lực cản của tư duy bao cấp, giải phóng sức sáng tạo, từng bước giúp các đơn vị làm nghệ thuật thích nghi với cơ chế kinh tế thị trường đang là xu hướng tất yếu của phát triển. Thực tế cho thấy, với một số đoàn nghệ thuật ca múa nhạc, nghệ thuật đương đại hay xiếc, việc tự chủ đã tạo ra động lực để mỗi đơn vị tự nâng mình lên, phong phú các hoạt động nghệ thuật, kêu gọi đầu tư, liên kết, tạo ra những mô hình ưu tú, kích thích sáng tạo của các nghệ sĩ, không còn tình trạng ỉ lại như trước đây, trông chờ vào “bầu sữa” ngân sách. Tuy nhiên, với các đoàn nghệ thuật truyền thống thì thực tế lại đang đặt ra nhiều khó khăn thách thức khác, sau 5 năm thí điểm. Trong đó, mất bản sắc là một nguy cơ lớn, đòi hỏi một chính sách mềm dẻo, đặc thù cho loại hình này.

 Như chúng ta đã biết, với các ngành nghệ thuật truyền thống, thì vấn đề phát triển luôn phải đặt song song với vấn đề bảo tồn. Nếu không giữ gìn bảo tồn, thì nghệ thuật truyền thống chắc chắn sẽ bị mai một, méo mó trong tương lai không xa. Soi chiếu điều này trên lộ trình tự chủ của các đơn vị nghệ thuật truyền thống, thấy rõ nguy cơ mất bản sắc nhỡn tiền. Từ nhiều năm nay, các nhà hát tuồng, chèo, cải lương luôn phải sống trong tình cảnh thưa vắng khán giả. Nhiều vở diễn bán vé phập phù, doanh thu lèo tèo, nghệ sĩ sống lay lắt, phải làm thêm rất nhiều nghề mới đủ trang trải cuộc sống. Bước chân vào tự chủ, đơn vị phải tự lo 100% chi phí. Vấn đề làm sao để có thể tồn tại, là một gánh nặng quá lớn không dễ gì giải được. Thực tế, để có doanh thu từ việc bán vé, nhiều đơn vị nghệ thuật truyền thống đang phải cực chẳng đã rời bỏ “lãnh địa” quen thuộc của mình, là không làm những vở nghiêm túc như trước nữa. Họ phải chạy theo thị hiếu khán giả, chiều chuộng những nhu cầu nhất thời của người xem để xây dựng kịch mục, chỉ như vậy mới bán được vé, có doanh thu. Trong thời buổi khán giả thờ ơ với tuồng, chèo, cải lương, thì việc đổ tiền đầu tư vào những vở truyền thống nghiêm túc là một sự đánh cược mạo hiểm, nên nhiều đoàn nghệ thuật truyền thống chỉ dựng những trích đoạn hài theo xu hướng cải biên, những chương trình tạp kỹ pha trộn. Những chương trình kiểu này phần lớn chỉ các nghệ sĩ trẻ tham gia, còn những nghệ sĩ có kinh nghiệm, có thâm niên lại không có đất diễn. Nghĩa là, rất nhiều tinh hoa nghệ thuật truyền thống sẽ bị bỏ phí, bị vô hiệu hóa. Cũng từ đây xuất hiện một mâu thuẫn, việc bảo tồn các ngành truyền thống sẽ được quan tâm như thế nào. Nghệ thuật truyền thống vốn là những giá trị cốt lõi cần được giữ gìn và bảo vệ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Một khi các đoàn nghệ thuật truyền thống bỏ rơi các vở diễn truyền thống thì cái giá phải trả về lâu dài sẽ rất đắt. Nhà phê bình sân khấu Ngô Thảo cho hay: “Việc để cho các đơn vị nghệ thuật công lập “ra ở riêng”, tự lo cho mình là cần thiết, Nhà nước không thể nào bao cấp mãi được. Nhưng vẫn phải lưu tâm đến các đơn vị nghệ thuật truyền thống vì đây là những đơn vị đặc thù. Chúng ta nói tự chủ nhưng không có nghĩa là để họ tự bơi theo kiểu muốn làm gì thì làm. Lộ trình tự chủ về tài chính sẽ không ý nghĩa gì nếu nghệ thuật truyền thống, vốn quý của dân tộc bị mất đi. Ở các nước phát triển, người ta có thể thả nổi mọi lĩnh vực, nhưng riêng nghệ thuật truyền thống thì vẫn được Nhà nước bảo hộ. Vì đó là các giá trị nền tảng, không chỉ để giải trí đơn thuần mà còn phải gìn giữ cho thế hệ tương lai. Nghệ thuật truyền thống nói riêng và văn hóa truyền thống nói chung mà mất đi, thì sẽ phải trả giá rất lớn về mặt văn hóa. Cho nên theo tôi, phải có chính sách đặc thù cho các đơn vị này”. Hiện nay, để dàn dựng một vở diễn truyền thống như tuồng, chèo, cải lương rồi bán vé kín rạp giống như một giấc mơ không tưởng vậy. Những đơn vị có đêm diễn lấp được khán giả đầy rạp phần nhiều do lãnh đạo có quan hệ mời chào bán vé cho các doanh nghiệp. Nhưng điều này không thường xuyên và cũng không phải là cách tồn tại lâu dài được. Sân khấu chỉ tồn tại khi khán giả tự nguyện mua vé đến rạp vì nhu cầu của chính họ

Cần giải pháp hữu hiệu

Thực chất cho đến thời điểm này, Nhà nước chưa “buông tay” 100% với các đơn vị nghệ thuật truyền thống công lập. Thời điểm đó sẽ diễn ra trong gần 1 năm nữa. Còn hiện nay, mặc dù không bao cấp, nhưng Nhà nước vẫn có hình thức “đặt hàng vở diễn” các đòan nghệ thuật truyền thống. Cụ thể, nhà nước sẽ đầu tư tiền cho từng vở diễn cụ thể của mỗi đoàn hàng năm. Số tiền đó được cào bằng với các loại hình nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, lãnh đạo một số đoàn nghệ thuật chia sẻ, tiền Nhà nước đầu tư như vậy không hiệu quả.

Hiện nay, sân khấu truyền thống đang cực kỳ yếu khâu kịch bản. Tác giả viết kịch bản không có nhiều. Chẳng hạn như cả nước chỉ có 1 đến 2 tác giả viết kịch bản tuồng. Chèo hay cải lương thì có khá hơn một chút, nhưng tựu chung tìm kịch bản hay cũng phải “đốt đuốc”. Tìm kiếm một kịch bản ưng ý là phải đầu tư cho tác giả, sau đó còn phải dàn dựng công phu mất thời gian và tốn kinh phí lớn mới hoàn thiện một vở diễn. Chất xám bỏ ra rất nhiều, cộng với tiền bạc đầu tư lớn nhưng vấn đề lại không bán vé tốt. Như vậy uổng cả tiền nhà nước đầu tư, lãng phí công sức của nghệ sĩ. Đầu tư dàn trải kiểu này rõ ràng không hiệu quả, mà phải là đầu tư trọng điểm, chiều sâu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tham khảo doanh thu của các đoàn nghệ thuật truyền thống ở các địa phương sẽ thấy giật mình. Chẳng hạn như tổng doanh thu theo năm của Nhà hát Chèo Bắc Giang là 279 triệu đồng, Đoàn Cải lương Hương Tràm Cà Mau 124 triệu đồng, thậm chí có đơn vị nghệ thuật công lập địa phương doanh thu chỉ vài ba chục triệu đồng một năm. Những con số doanh thu hẻo như vậy cho thấy, nhiều tổ chức nghệ thuật công lập ở địa phương sẽ khó mà sống sót trong giai đoạn tự chủ 100% sắp tới.

Chỉ ra những khó khăn này, một số chuyên gia nhận định, nghệ thuật truyền thống không có lỗi. Chúng ta trong nhiều năm đã bỏ sót nhiều khâu để tạo ra một lớp khán giả mặn mà mới nghệ thuật truyền thống, trong đó có việc giáo dục, đào tạo lớp trẻ, bồi đắp tình yêu và niềm tự hào cho lớp trẻ. Khán giả trẻ đang đuổi theo những thứ giải trí khác mà quên đi nghệ thuật truyền thống, thực tế này, rất tiếc lại ở ngoài tầm với của các nghệ sĩ. Nghệ sĩ cải lương Quang Khải cho rằng: “Nghệ thuật truyền thống cần được giữ gìn, đánh giá và đầu tư đúng mức. Không có cơ chế, hành lang đủ thuyết phục, đặc biệt là tạo hứng thú cho những người nghệ sĩ thì họ không thể nào yên tâm, lao động hăng say vì nghệ thuật.”

Có ý kiến cho rằng Nhà nước cần phải cơ cấu lại các đoàn nghệ thuật truyền thống trên lộ trình hướng đến tự chủ tài chính. Do nhu cầu của lịch sử, trong quá khứ chúng ta đã thành lập rất nhiều đoàn nghệ thuật truyền thống. Gần như mỗi địa phương đều có hơn 1 đoàn nghệ thuật truyền thống, khiến cho số lượng đoàn nghệ thuật truyền thống lên tới hàng trăm. Số lượng thì nhiều nhưng chất lượng lại yếu, hoặc không đồng đều. Nên chăng, nhà nước giải thể bớt các đoàn nghệ thuật công lập truyền thống, hoặc sáp nhập các đoàn cùng ngành lại để tranh thủ sức mạnh nhân lực, tài năng sáng tạo, giảm áp lực tự chủ.

Một cách khác khả quan là thành lập các Trung tâm bảo tồn nghệ thuật truyền thống, hoạt động dưới sự quản lý, bảo trợ của Nhà nước. Các trung tâm này sẽ được hỗ trợ kinh phí tuyệt đối, với chức năng biểu diễn, nghiên cứu, bảo tồn, truyền dạy nghề. Những nghệ sĩ giỏi nghề sẽ được trọng dụng xứng đáng và trở thành những hạt nhân cốt lõi chuyên chở các giá trị nghệ thuật truyền thống. Thay vì ở mỗi tỉnh có vài đơn vị nghệ thuật thì Nhà nước chỉ nên xây dựng trung tâm bảo tồn nghệ thuật, sân khấu truyền thống ở những vùng miền. Cả nước có thể có 6 - 8 trung tâm đại diện cho mỗi vùng miền như: Trung tâm bảo tồn và biểu diễn nghệ thuật Tây Bắc; Trung tâm bảo tồn và biểu diễn nghệ thuật Đông Bắc; Trung tâm bảo tồn và biểu diễn nghệ thuật sông Hồng ở châu thổ Bắc Bộ; Trung tâm bảo tồn và biểu diễn nghệ thuật miền Trung; Trung tâm bảo tồn và biểu diễn nghệ thuật Tây Nguyên; Trung tâm bảo tồn và biểu diễn nghệ thuật Nam Bộ. Mỗi trung tâm có từ 1 - 3 tổ chức nghệ thuật có trách nhiệm biểu diễn, bảo tồn, phát huy những giá trị vùng miền tương ứng. Giải pháp này sẽ hướng tới tinh gọn bộ máy, tổ chức và có thể từng bước thực thi cơ chế tự chủ đồng thời đặt nền tảng, cơ sở cho việc đầu tư của Nhà nước và các nguồn lực xã hội để nghệ thuật biểu diễn đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao và đa dạng của công chúng. Bởi vì xét cho cùng, nếu để các đơn vị nghệ thuật truyền thống bước ra thị trường khi nội lực chưa đủ mạnh, họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Áp lực kiếm sống sẽ nhanh chóng đẩy các đơn vị này vào nguy cơ đánh mất bản sắc, chạy theo thị hiếu khán giả.

Nguyên Bình